Gác chắn - Nghề nguy hiểm

09:41, 02/09/2013

Nghề gác chắn tàu đường sắt là một nghề nguy hiểm. Mỗi khi kéo thanh barie chặn dòng xe qua lại, những nhân viên ở đây thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị xúc phạm, lăng mạ, hành hung, thậm chí bị thiệt mạng.   

Phía sau những chuyến tàu qua

 

Một lần vào Huế công tác, tôi và anh Lê Ngọc Sơn - chuyên viên Ban ATGT, nay là Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt của TCT Đường sắt Việt Nam, đến thăm nhân viên gác chắn Nguyễn Sỹ Long ở Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.

 

Ngôi nhà gọn gàng, khá khang trang nằm gần cung chắn Huế. Hôm đến thăm, anh vẫn yếu lắm, đi lại tập tễnh. Vết thương ở chân chưa lành hẳn mà vẫn sưng to. Anh kể, một ngày giữa tháng 7/2011, anh và đồng nghiệp hạ chắn ngăn đường để đón tàu thì có 2 đối tượng đi xe máy đến, nồng nặc mùi rượu. Khi chắn vừa hạ thì một người yêu cầu anh Long nâng chắn lên để cho chúng qua nhưng anh không đồng ý vì tàu đang đến, rất nguy hiểm nếu băng qua đường sắt. Sau khi tàu chạy qua, anh dỡ chắn thì bị một đối tượng đấm vào mặt, chúng còn đá vào chân khiến anh gục xuống. Đồng nghiệp phải đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau điều trị, anh bị thương tật 21%.

 

Năm 2010 tại gác chắn Km 28+429 khu gian Hà Đông – Phú  Diễn nhân viên gắc chắn Trương Công Minh đang kéo chắn để đón tàu thì bị xe ô tô đâm tử vong. Chiếc xe ô tô ấy cố tình vượt qua đường sắt khi anh Minh đang kéo chắn.

Chị Trần Thị Nguyên - vợ anh Long rơm rớm nước mắt: “Anh đã công tác trong ngành Đường sắt được 30 năm rồi. Giờ anh bị thương tật, không đi làm được, cả nhà lo lắng nhưng vẫn động viên anh gắng ăn uống, tập tành để mau bình phục”. Gác chắn nơi anh Long bị hành hung nằm giữa đồng không mông quạnh nên nếu có xảy ra chuyện gì thì rất nguy hiểm do không có người trợ giúp, nhất là vào ban đêm. Thế nên, gác chắn này đã phải bố trí thêm người để có thể tương trợ nhau.

 

Sau vụ việc của anh Long ít lâu, ở Nghệ An lại xảy ra vụ người đi đường hành hung hai nhân viên gác chắn khiến dư luận phẫn nộ. Nhân viên gác chắn Phạm Văn Hải và Dương Văn Kiên (thuộc Công ty QLĐS Nghệ Tĩnh) đang đóng chắn để đón tiễn tàu, thì bất ngờ bị tài xế xe khách chở cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện 115 Nghệ An xông vào hành hung khiến hai nhân viên này phải đi cấp cứu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa bàn Nghệ An thường xuyên xảy ra nhiều vụ hành hung, đánh trọng thương nhân viên gác chắn.

 

Nam nhân viên gác chắn khổ một, thì nữ nhân viên gác chắn khổ mười. Đây là tâm sự của nhiều nữ gác chắn và cả cán bộ quản lý ngành Đường sắt. Chị Vũ Thị Thu Huyền – nhân viên gác chắn Công ty Quản lý đường sắt Thuận Hải tâm sự, cách đây khoảng 2 tháng, một nữ đồng nghiệp tên là Nguyễn Thị Văn cũng đã bị hành hung vào buổi trưa khi đang làm nhiệm vụ, khiến chị phải xin nghỉ dài hạn để điều trị. “Hôm đấy cũng may có người dân quanh đấy vào can ngăn, nếu không chẳng biết hậu quả sẽ ra sao” – chị Huyền tâm sự - “Ở gác chắn này, chúng em thường xuyên bị các đối tượng lăng mạ, đe dọa. Nguyên nhân mỗi khi có tàu qua, chúng em phải hạ chắn để an toàn, nhưng do tàu dừng khá lâu khoảng 20 phút để dồn, tránh tàu nên nhiều người qua đây bức xúc. Chúng em chỉ biết làm nhiệm vụ đúng quy định thôi, sao mọi người không hiểu chứ?”.

 

Nghèo như nhân viên gác chắn

 

Trong các chức danh của ngành Đường sắt, có lẽ công nhân gác chắn có thu nhập thấp nhất, chỉ hơn nhân viên bẻ ghi một chút. Thường một công nhân gác chắn công tác khoảng chục năm cũng chỉ thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng; trong khi mức độ độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc cao. Ngay như tại TP Hồ Chí Minh, thu nhập của nhân viên gác chắn cũng chỉ mức này. Chị Sơn Ngọc Bích Châu – nhân viên gác chắn tại đường ngang Km1718+511, một gác chắn phức tạp nhất nhì của thành phố có mật độ phương tiện lớn, đường ngang rộng, nhưng thu nhập cũng chỉ 3,2 triệu đồng/tháng. “Tôi công tác trong ngành hơn chục năm, thu nhập thế là cao. Ở chắn này, các chị em khác thu nhập chưa đến 3 triệu” - chị Châu cho biết.

 

Tôi có cơ hội đi qua nhiều chòi gác chắn, phần lớn chật hẹp, ẩm thấp. Trong căn chòi chỉ được đặt máy báo hiệu tàu đến, bảng hiệu đường sắt, sổ ghi chép, không được phép đặt vô tuyến, đài… để tránh công nhân gác chắn bị phân tâm, không quan sát tín hiệu kịp thời.

 

Đêm, chòi gác chắn lặng thinh, chỉ có ánh đèn leo lét in bóng người công nhân lẻ loi trên mảng tường loang lổ. Người gác chắn thành phố nguy hiểm nhiều mỗi khi tàu qua nhưng ở những nơi xa thành phố, có  những người gác chắn cả đêm chỉ mong tàu đến để thấy đỡ đơn độc hơn.