Từ 1/10, xe đầu kéo container phải có phù hiệu mới được lưu hành theo quy định của Thông tư 18. Song hiện vẫn còn số lượng lớn các doanh nghiệp vận tải container - vốn lâu nay có quy mô rất nhỏ bé - đang rất khó đáp ứng được các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và gắn phù hiệu. Khả năng hàng ngàn xe container sẽ phải dừng hoạt động.
Không đâu đào tạo Trung cấp vận tải?
Tại Hà Nội, hai tháng nay, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà - như ngồi trên đống lửa vì chưa có Giấy phép kinh doanh vận tải (GPKDVT) nên chưa được cấp phù hiệu, đồng nghĩa phải ngừng hoạt động. Doanh nghiệp (DN) của ông thành lập từ năm 2000, giờ có gần hai chục xe đầu kéo, chuyên chở hàng container. Ông Ngọc cho biết: “Mấy năm trước, khi Nghị định 91 quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải ra đời, tôi mới có bằng Trung cấp Hải quan và Trung cấp sửa chữa ô tô nên đã muốn tìm chỗ đăng ký học Trung cấp vận tải - theo quy định mới - song hỏi mãi vẫn không có đâu đào tạo trình độ này”. Đối chiếu các điều kiện quy định của Thông tư 18 quy định về quản lý tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ, Công ty đã lắp đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, có hợp đồng bến bãi để xe, bộ phận phụ trách an toàn, song vẫn còn thiếu bằng Trung cấp vận tải của người trực tiếp điều hành. “Biết thế, nhưng giờ cũng chưa biết làm thế nào để có đủ hồ sơ xin cấp phép, nên cũng chưa đi xin cấp phép. Đành cứ để chờ xem sao” - ông Ngọc nói.
Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải ô tô VN, việc siết điều kiện kinh doanh vận tải với xe chở container là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn. Cả cơ quan quản lý Nhà nước và các DN vận tải đã rất nỗ lực để có thể đáp ứng quy định mới, tuy nhiên, với tình hình hiện tại, số lượng xe container không có phù hiệu sau 1/10/2013 còn quá lớn. |
Cũng rất lo lắng để có được phù hiệu cho đoàn xe đầu kéo hơn 2 chục chiếc, ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Công ty Vận tải Phú Khang (Hà Nội) cho biết, chỉ còn một vài ngày nữa là đến hạn chót mà giờ vẫn chưa có GPKD. Thiếu bằng cấp chuyên môn của người trực tiếp điều hành DN, ông Hồng than: “Chả nhẽ tôi đi thuê người về làm giám đốc thay mình?”.
Khổ vì Luật Hợp tác xã chưa có hướng dẫn thực thi
Tại Hải Phòng, theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, do Luật Hợp tác xã năm 2012 triển khai quá chậm, nay đã có hiệu lực, song chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn, trong khi luật cũ đã hết hiệu lực, nên Hải Phòng chưa thể thành lập được các hợp tác xã vận tải (HTX).
Theo quy định mới, hơn 5.000 xe đầu kéo container của Hải Phòng chưa đủ điều kiện để được cấp GPKDVT dịp này. Nay Hiệp hội đứng ra, xây dựng Đề án thành lập các HTX, đưa các xe của các hộ cá thể, xe của các DN nhỏ lẻ vào HTX, kiện toàn nhân sự, phòng ban, để có thể đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải. “Đề án đã có rồi, nhiều khâu chuẩn bị đã sẵn sàng rồi, chính quyền thành phố cũng đã nhất trí và hỗ trợ phương án này, cái khó là chưa có hướng dẫn Luật để triển khai” - ông Tiến nói.
Bao nhiêu xe phải dừng sau 1/10?
Theo các cuộc thanh tra của Bộ GTVT hồi tháng 7/2013 vừa qua, số DN vận tải hàng hóa bằng container có GPKDVT rất ít. Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, tại những địa phương có số lượng xe container lớn như TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh... chưa đến 10% DN vận tải container có GPKDVT. Cụ thể, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh mới cấp giấy phép kinh doanh cho 98/1.710 đơn vị, 1.000/8.211 phương tiện. Tại Hải Phòng, chỉ có 46 đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải, đạt 3,6% và 662 xe container được cấp phép, đạt 9,3%.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, Sở đang cố gắng đến đầu tháng 10 sẽ cấp hết GPKD và phù hiệu cho các DN đã được thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, chính xác số lượng xe phải dừng từ 1/10 thì cũng chưa thống kê kịp. Tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Toàn thành phố có khoảng 130 DN vận tải container với trên 3.000 xe đầu kéo. Số lượng DN vận tải container đến nộp hồ sơ từ mấy tháng nay để xin cấp GPKDVT khá đông. Nhưng trong 1 vài tháng qua, mới cấp phép cho khoảng trên 30 DN với gần 500 xe đầu kéo.
Theo ông Nguyễn Quang Bình - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN, vào tháng 8/2013, thống kê cả nước có khoảng 4.200 xe đầu kéo thuộc các đơn vị đã có GPKDVT. Sau 2 tháng, các DN cũng rất tích cực hoàn thiện để nộp hồ sơ xin cấp GPKDVT, tuy nhiên, cũng chưa thống kê được số đơn vị mới được cấp phép và số buộc phải dừng hoạt động trên toàn quốc.