Người đi bộ vi phạm quy định ATGT: Có quy định nhưng khó xử phạt

10:09, 03/09/2013

Mặc dù đã có quy định xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông nhưng trên các tuyến đường của thành phố Thái Nguyên, nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm nhưng hầu như không bị xử phạt.

Theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP năm 2012 của Chính phủ, mức độ xử phạt hành chính với người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT) là từ 40 đến 120 nghìn đồng.





Ngồi trước cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi chứng kiến hàng chục sinh viên đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Mặc dù có tới 2 điểm vạch kẻ sang đường nhưng hầu hết người đi bộ vẫn tiện đâu sang đấy, bất chấp dòng xe cộ đang ào ào đi tới. Vừa xuống ô tô tại bến xe buýt, Nguyễn Thị Hà, sinh viên Khoa Ngữ văn liền chạy vội qua đường để vào trường cho kịp tiết học. Vị trí sang đường của Hà chỉ cách vạch kẻ cho người đi bộ chừng vài ba mét. Hà thừa nhận: Quả thực, không mấy khi em chú ý đến vạch kẻ đường, cứ tiện chỗ nào thoáng xe lưu thông là sang lúc đó”. Nguyễn Thị Ly, sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non thì chia sẻ: “Mặc dù biết người đi bộ phải qua đường đúng nơi có vạch kẻ, cũng như mức độ xử phạt hành chính khi vi phạm nhưng do thói quen và hầu như không thấy ai bị xử phạt nên em và các bạn vẫn tiện chỗ nào thì qua đường chỗ ấy”.

Tại các điểm giao cắt giao thông khác như: Trường THPT Chuyên, Bến xe khách, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên…số người đi bộ sang đường không đúng quy định khá phổ biến. Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 3 cũ, nhiều người còn trèo qua dải phân cách cứng để sang đường thay vì tuân thủ theo đúng vị trí. Anh Nguyễn Ngọc Huân, tài xế xe khách tuyến Thái Nguyên - Hà Nội bức xúc: Việc người đi bộ tự ý sang đường không đúng nơi quy định và không chú ý quan sát là rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bị giật mình, không kịp xử lý đã dẫn đến tai nạn.

Lâu nay, nhiều người thường có suy nghĩ, đi bộ là an toàn nhất nhưng thực tế không phải vậy. Thống kê 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có tới 28 trường hợp va chạm giao thông có lỗi của người đi bộ. Điển hình, vào ngày 21-3-2013, trên đường Cách mạng Tháng Tám đã xảy ra vụ va chạm giữa xe mô tô mang BKS 20M8-2490 do anh Hoàng Quang Huy, sinh năm 1989, thường trú tại tổ 3, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) với người đi bộ là ông Trần Văn Loan, thường trú tại tổ 1, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên). Vụ va chạm khiến ông Loan bị chấn thương sọ não phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Nguyên nhân do ông Loan sang đường không đúng nơi quy định và không quan sát, vi phạm Khoản 3, điều 3, Luật Giao thông đường bộ. Trước đó, vào ngày 16-1-2013 cũng trên đường Cách mạng Tháng Tám, tại khu vực tổ 4, phường Gia Sàng đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe mô tô BKS 20B1-29553 do Đoàn Thị Lan, sinh năm 1990, thường trú tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) đâm vào ông Hà Minh Thủy, thường trú tại tổ 10, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đang đi bộ qua đường. Vụ va chạm khiến ông Thủy bị chấn thương ở vùng đầu và trầy xước chân tay. Nguyên nhân là do ông Thủy đi sang đường không quan sát, vị trí sang đường của ông cách vạch quy định khoảng 20m.

Thiếu úy Dương Đình Hưng, Tổ xử lý tai nạn thuộc Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội Công an thành phố cho biết: Tại các điểm có vạch kẻ quy định cho người đi bộ sang đường, phần lớn đều có biển chỉ dẫn cụ thể nhưng hầu hết mọi người không chú ý. Mặc dù đã có chế tài xử phạt người đi bộ vi phạm quy định ATGT nhưng mức độ còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Thực tế, việc xử phạt người đi bộ cũng khó bởi vi phạm diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, chỉ tập trung giải quyết các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới. Hơn nữa, người đi bộ thường không có phương tiện hoặc giấy tờ tùy thân để tạm giữ. Từ đầu năm tới nay, cơ quan công an thành phố mới xử phạt được một vài trường hợp vi phạm là những vụ tai nạn có lỗi của người đi bộ. Mức phạt hành chính là 70 nghìn đồng và nhắc nhở để họ ý thức hơn trong những lần sau.

Về phía người đi bộ, họ cũng có những lý do riêng mỗi khi vi phạm quy định về trật tự ATGT. Đó là tình trạng hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè dẫn đến phải đi bộ xuống lòng đường; vị trí kẻ vạch qua đường một số nơi cách quá xa nhau và bố trí chưa hợp lý… Tuy nhiên, cần thấy rằng người đi bộ gây cản trở giao thông cũng giống như các phương tiện cơ giới khác. Trong xử lý vi phạm giao thông, yếu tố lỗi là quan trọng, không phân biệt xe lớn hay nhỏ, do phương tiện hay con người gây ra. Nếu người đi bộ đi không đúng phần đường và gây tai nạn thì phải kiên quyết xử phạt, truy tố theo đúng luật định. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời từng bước nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.