Người nước ngoài vô tư phạm luật giao thông

09:59, 12/09/2013

Người nước ngoài vào VN du lịch, làm việc thuê ô tô, mô tô tự lái ngày càng nhiều, cùng với một số vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài gần đây đặt ra yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hơn GPLX của các đối tượng này.

“Lái xe tại Việt Nam khá nguy hiểm”

 

Một số trung tâm đào tạo lái xe mô tô tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mấy năm gần đây đã tiến hành đào tạo, cấp bằng lái xe mô tô cho người nước ngoài đến làm việc, công tác ở VN.

 

Mace Sandy, đến từ Canada, hiện học tiếng Việt tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Trình độ tiếng Việt của anh hiện nay khá tốt, có thể giao tiếp thoải mái với bạn bè. Sandy nói: “Thấy đi lại bằng xe máy tiện lợi hơn xe buýt, taxi, tôi đã cố học để thi lấy bằng lái xe từ cách đây 4 tháng”. 

 

Tuy nhiên, anh chia sẻ thêm, đi lại bằng xe gắn máy tiện lợi nhưng cũng có phần nguy hiểm, vì “người Việt Nam đi đường theo sở thích của họ chứ không theo quy định”. Mace Sandy rút ra bài học đắt giá sau một vài lần va chạm là lái xe gắn máy phải tập trung cao độ và hết sức cẩn thận. 

 

Không đủ điều kiện không được thuê xe máy tự lái

 

Tuy nhiên, với không ít người nước ngoài thuê xe tự lái, đặc biệt là những người sang Việt Nam trong một thời gian ngắn để tham quan, du lịch thì tình hình vi phạm khá phổ biến.

 

Trả lời báo chí, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Hầu hết du khách nước ngoài đến Khánh Hòa không có giấy phép lái mô tô của VN và nhiều người không hiểu biết về Luật Giao thông của nước ta, nhưng vẫn chạy xe máy. Đã có không ít vụ TNGT xảy ra ở Khánh Hòa do du khách người nước ngoài gây ra, trong đó có những vụ dẫn đến chết người”.

 

Ông cũng cho biết, có thông tin là tại cuộc họp tư vấn lãnh sự thường niên Việt - Nga lần thứ 9, diễn ra ở Moscow vừa qua, phía bạn đề nghị VN không cho khách du lịch Nga thuê xe máy tự lái nếu không có bằng lái hợp lệ. Du khách Nga lái mô tô, xe gắn máy ở VN vi phạm pháp luật dẫn đến tai nạn giao thông thì các công ty bảo hiểm Nga sẽ từ chối thanh toán. Vì vậy, Tổng cục Du lịch cũng vừa có thông báo yêu cầu các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch toàn quốc thực hiện nghiêm việc cấm người nước ngoài không đủ điều kiện thuê xe máy tự lái.

 

Cảnh sát ngại phạt người nước ngoài?

 

Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng: Luật Giao thông đường bộ Việt Nam quy định cấm giao xe cho người chưa đủ điều kiện về độ tuổi hoặc không có bằng lái điều khiển nhưng nhiều cửa hàng cho thuê xe máy trên các khu phố cổ phớt lờ quy định này. Thực tế là khách du lịch chỉ cần thanh toán tiền đặt cọc là có thể thuê máy chạy khắp Hà Nội.

 

Theo Trung tá Quỹ, thậm chí, ngay cả với những khách du lịch đã đổi bằng thì việc họ điều khiển xe máy trên đường VN cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Bởi đặc thù đường sá Việt Nam khác hẳn nước ngoài.

 

Trả lời câu hỏi tại sao CSGT ít kiểm tra và phạt người nước ngoài điều khiển mô tô đi sai làn hoặc đi vào đường cấm, ông Quỹ cho biết: Để giải thích, xử phạt đối với những trường hợp là người nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Chính điều này tạo tâm lý ngại xử lý đối với trường hợp người nước ngoài vi phạm.

 

Vừa qua, đã có một số trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông, dẫn  đến va chạm, gây tai nạn giao thông, CSGT phải tạm giữ phương tiện, sau đó phải chờ phối  hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý người nước ngoài (PA72) tới hỗ trợ để xử lý vi phạm giao thông.

 

Phải đổi bằng mới được lái

 Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện - người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Người có bằng lái xe nước ngoài, muốn điều khiển ô tô, xe máy ở VN phải xin cấp đổi GPLX VN có hạng tương đương hoặc thấp hơn. Đổi giấy phép không cần phải học lại kỹ thuật và thi sát hạch. Theo ông Quân, ở một số nước, những người đã có bằng lái xe thì có thể xin cấp bằng lái quốc tế để sử dụng tại một vài nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia Công ước về Giao thông đường bộ - còn gọi là Công ước Vienna (trong đó có quy định công nhận bằng lái xe quốc tế) nên chưa chấp nhận bằng lái quốc tế này.

 Thời gian cấp đổi giấy phép mới không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi các sở GTVT nhận đủ hồ sơ. Các quy định về vấn đề này thực hiện theo Thông tư 46 của Bộ trưởng Bộ GTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.