Phạt xe không sang tên chuyển chủ cần khả thi

09:41, 06/09/2013

Với quan điểm xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” phải đi kèm lộ trình, không tăng mức phạt, tránh lạm dụng gây phiền hà cho dân, Bộ GTVT vừa chỉnh sửa lần cuối  dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trình Chính phủ xem xét ban hành.

Bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước và nghĩa vụ công dân

 

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quy định xử phạt đối với chủ phương tiện “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Bộ GTVT với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo đã xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội và trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn hai quan điểm khác nhau về quy định này và đã được Bộ GTVT đưa vào nội dung của Tờ trình số 7720/TTr-BGTVT ngày 31/7/2013 để báo cáo Chính phủ.

 

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tiếp tục làm việc với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và đồng thuận thống nhất đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ phương tiện.

 

Không làm khó dân

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ ATGT - thành viên Ban soạn thảo cho biết, để bổ sung quy định này vào dự thảo Nghị định thì cần phải làm rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế và đơn giản hóa thủ tục nộp lệ phí trước bạ xe để thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt là trong trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng qua nhiều người mà không có đủ chứng từ chuyển nhượng.

 

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 và Thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 1/3/2013 (trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành). Trong Thông tư cần quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế… là cá nhân, tổ chức mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản. Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về nộp lệ phí trước bạ xe để tạo thuận lợi hơn cho người dân.

 

Chỉ kiểm tra khi xảy ra TNGT nghiêm trọng, khi đăng ký xe

 

Cũng theo ông Thuấn, trong dự thảo Nghị định, các hành vi và đối tượng được mô tả cụ thể hơn, đồng thời chỉ áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm bằng mức phạt cũ (theo Nghị định 34 đối với mô tô, xe gắn máy là từ 100 - 200 ngàn đồng đối với cá nhân; 200 - 400 ngàn đồng đối với tổ chức; ô tô là 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân và 2 - 4 triệu đồng với tổ chức).

 

Để hạn chế tối đa khả năng lạm dụng, gây phiền hà cho người dân, Bộ GTVT đề nghị bổ sung vào Điều 74 một khoản mới là “Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm đối với trường hợp này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết TNGT nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe”. Nếu trong trường hợp chủ phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ tạm giữ phương tiện để đảm bảo cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện - ông Thuấn nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra một lộ trình thích hợp để nhân dân và các tổ chức thực hiện sau đó mới tiến hành xử phạt. Theo đó, xử phạt chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm từ 1/1/2015. Thời hạn xử phạt chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm từ 1/1/2017.