Tại Thông tư 18/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đổi mới, nâng cao chất lượng sát hạch lái xe bằng việc nâng cao quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các Trung tâm sát hạch nhằm hạn chế tối đa gian lận, thi hộ và tăng cường giám sát công khai.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đổi mới sát hạch giấy phép lái xe sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, buộc học viên phải học thực chất, chuyên tâm.
“Hơn nữa, công khai tối đa phần thi lý thuyết, tăng cường giám sát cộng đồng sẽ hạn chế tối đa mức độ can thiệp từ bên ngoài, hạn chế được tiêu cực. Những học viên nào không chuyên tâm rèn luyện cả về lý thuyết và thực hành chắc chắn sẽ bị trượt,” ông Huyện khẳng định.
Học viên “giám sát” giáo viên
Tại Hà Nội, ngay từ tháng 9/2013, các Trung tâm sát hạch lái xe đã bắt đầu thực hiện theo quy chuẩn mới. Theo đó, các Trung tâm phải đổi mới toàn bộ phương tiện, áp dụng công nghệ vào giảng dạy.
Cụ thể, xe dùng cho học lái phải có cả số sàn và số tự động, xe thuộc các dòng đời mới; có hệ thống camera ghi hình quá trình chấm thi và truyền lên màn hình để học viên theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, bộ đề thi bằng lái ôtô từ 405 câu hỏi được nâng lên 450 câu, thời gian thi lý thuyết và thực hành đối với một số hạng lái xe máy và ôtô đã được rút ngắn. Đối với thi thực hành lái ôtô, nhà xe trên sa hình cũng được thu hẹp...
Hơn nữa, học viên bước vào phòng thi sát hạch lái xe chỉ cần bấm đúng số báo danh trên máy vi tính sẽ hiện thông tin cá nhân trong bài thi. Các camera bộ phận thi lý thuyết và thực hành cũng ghi nhận hình ảnh người thi để lưu trữ vào hồ sơ thí sinh dự thi sát hạch nên sẽ không thể có tình trạng học hộ, thi hộ giấy phép lái xe.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian thi sát hạch thực hành mô hình mới rút từ 20 phút xuống còn 15 phút, tất cả công tác thi sát hạch được vi tính hóa.
“Phương pháp này hoàn toàn loại bỏ được sự nhờ vả, can thiệp từ bên ngoài. Các thiết bị chấm điểm tự động đều được công khai hóa. Các trung tâm đều có đường dây nóng để phản ánh những hiện tượng không đúng,” ông Tân cho hay.
Tại Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho thấy, từ công tác sát hạch lái xe máy hạng A1 đến sát hạch lái xe ôtô đều được tự động hóa, dựa trên máy móc.
Thượng tá Lê Quang Bốn, Giám đốc Trung tâm cho hay, để đáp ứng theo tiêu chuẩn mới của Bộ Giao thông Vận tải, Trung tâm đã đầu tư nâng cấp toàn bộ từ cơ sở hạ tầng máy móc, sân bãi với số tiền gần 3 tỷ đồng (nâng cấp sát hạch xe máy hạng A1 và ôtô). Cụ thể, Trung tâm tập trung chủ yếu vào trang bị hệ thống camera giám sát trên xe; thay đổi hệ thống chụp ảnh trên phòng thi lý thuyết; hệ thống sát hạch lý thuyết tự động trên máy tính; đầu tư 25 xe Toyota Vios, trong đó 20 xe trong hình và 5 xe đường trường.
“Toàn bộ dữ liệu bài thi của thí sinh được thực hiện trực tiếp trên máy tính. Kết quả được tích hợp truyền về máy chủ tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ngay sau khi kết thúc bài thi (lý thuyết + thực hành), thí sinh sẽ biết được kết quả vì được hiển thị luôn trên máy tính, công khai,” Thượng tá Lê Quang Bốn cho hay.
Đánh giá về chương trình học và sát hạch được áp dụng tại trung tâm, Thượng tá Bốn cho rằng, thông qua hệ thống camera theo dõi, hội đồng sẽ giám sát toàn bộ hoạt động của học viên và giám khảo. Ngược lại, các học viên tham dự sát hạch cũng giám sát được quá trình chấm điểm của giám khảo.
“Mọi cá nhân đều có thể giám sát công khai, minh bạch,” Thượng tá Bốn khẳng định.
Rào cản về kinh phí
Để có thể triển khai mô hình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe theo quy chuẩn mới, đại diện các Trung tâm đào tạo, sát hạch cho rằng, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chính là rào cản lớn nhất với các đơn vị.
Theo ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung sát hạch lái xe thuộc Công ty ôtô số 2 (Hà Nội) cho rằng, lệ phí sát hạch, đào tạo hiện nay vẫn thấp. Trong khi đó chi phí vật tư đầu vào ngày một tăng cao tăng cao. Mức phí sát hạch đã được thực hiện từ năm 2007, đến nay đã không phù hợp.
“Toàn bộ phương tiện sát hạch lái xe chưa được miễn phí giao thông đường bộ; trong khi đó các phương tiện này đều không tham gia giao thông nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Do đó, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế đất, phí cầu đường đối các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe,” ông Đại kiến nghị.
Đồng tình quan điểm đó, Thượng tá Lê Quang Bốn cho rằng, không phải Trung tâm nào cũng đáp ứng được theo Thông tư 18/2012 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ bởi thiếu kinh phí.
Lý giải điều này, Thượng tá Bốn cho rằng, hiện nay, nhiều đơn vị tư nhân nhỏ lẻ có cơ sở vật chất kém. Chưa kể, tại Hà Nội, lượng trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã vượt quá nhu cầu nên thường rơi vào tình trạng giáo viên nghỉ luân phiên, thừa xe tập.
“Các Trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ đảm bảo được 50% lưu lượng. Hai năm qua, nhiều trung tâm đã tự xin hạ lưu lượng đào tạo. Trong khi đó, nhu cầu của người học hiện rất đa dạng, việc đào tạo cũng nên đa dạng hóa để kịp đáp ứng. Học viên không nhất thiết phải đến các Trung tâm để học lý thuyết mà có thể học ở bất kỳ đâu, theo hình thức phù hợp và siết chặt khâu sát hạch,” Thượng tá Bốn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, lệ phí sát hạch giấy phép lái xe hiện nay cũng vẫn thấp trong khi mức đầu tư công nghệ, phương tiện cũng đang gây khó khăn cho các trung tâm.
“Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài chính đưa ra mức giá sàn lệ phí sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe. Việc này cũng nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm bằng cách giảm giá để thu hút học viên,” ông Huyện nói./.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, ngành giao thông đang quản lý khoảng 28 triệu giấy phép lái xe máy, hơn 3 triệu bằng lái ôtô.
Hiện cả nước có 291 cơ sở đào tạo lái xe ôtô (trong đó có 35 cơ sở đủ điều kiện để đào tạo hạng FC) và 84 trung tâm sát hạch lái xe các loại, gồm: 36 trung tâm loại 1 sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng F) và 48 trung tâm loại 2 sát (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C) do các cơ quan, tổ chức … xây dựng.
Hà Nội có tổng cộng 9 trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn mới của Bộ Giao thông Vận tải.
|