Xe đạp điện: Nan giải bài toán chất lượng và quản lý!

09:26, 17/09/2013

Xe đạp điện hiện nay là loại phương tiện được người dân sử dụng khá phổ biến tại những đô thị lớn. Hầu hết, người điều khiển xe này không đội mũ bảo hiểm, thậm chí, nhiều xe còn chở đến ba người lượn lách, đánh võng trên đường… đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo đại diện các cơ quan chức năng, loại phương tiện này vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ban hành để kiểm soát chất lượng và nếu không nhanh chóng đưa ra những biện pháp quản lý đủ mạnh rất dễ đến “loạn” phương tiện.

 

Phát triển nhanh, khó quản lý

 

Tại Hà Nội, ở trên các tuyến đường, nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những học sinh trong trang phục áo trắng, thanh niên, người già điều khiển những chiếc xe đạp điện phóng vù vù trên đường.

 

Trên thị trường, các sản phẩm này có giá dao động ở mức từ 3 đến 10 triệu đồng, cấu tạo nhỏ gọn, bắt mắt bởi chủng loại đa dạng màu sắc… nên được nhiều đối tượng rất ưa chuộng.

 

Nhiều người qua một thời gian sử dụng xe đạp điện nhận định, những chiếc xe này đang là “mốt” của giới trẻ bởi không cần bằng lái, nhiên liệu lại rẻ hơn giá xăng, đi lại nhanh chóng thuận tiện, vô tư phạm Luật giao thông mà không bị “sờ gáy”. Thậm chí, lứa tuổi 9X quan niệm, đi xe này mới là “sành điệu”.

 

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, việc xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, chưa đến tuổi vị thành niên.

 

“Đặc thù loại phương tiện này không quy định phải có bằng lái xe khi tham gia giao thông và xe đạp điện không phải đăng ký biển số nên Cảnh sát giao thông không thể lập biên bản để giữ bất cứ giấy tờ gì với những trường hợp này. Thậm chí, khi phát hiện vi phạm và xử phạt tại chỗ gặp nhiều khó khăn vì các em học sinh không có tiền nộp phạt,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đánh giá.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia-ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, thực tế tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ người sử dụng xe đạp điện phát triển quá nhanh và hầu hết người điều khiển đều không đội mũ bảo hiểm.

 

Đề cập đến nguy cơ gây tai nạn giao thông của xe đạp điện, ông Hiệp khẳng định, phần lớn người điều khiển gần như 100% không đội mũ mặc dù Luật giao thông đã quy định xử phạt. Hơn nữa, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông của xe đạp điện không kém xe máy vì tốc độ của xe này lưu hành trong nội đô gần ngang với xe máy.

 

“Nếu các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng không nhanh chóng đưa ra những biện pháp kiểm soát, quản lý đủ mạnh rất dễ đến loạn phương tiện, chỉ thời gian ngắn nữa sẽ trở thành một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn và ùn tắc giao thông,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ quan điểm.

 

Quy chuẩn, chất lượng bị thả nổi

 

Theo đại diện các cơ quan chức năng, xe đạp điện vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ban hành để kiểm soát, quản lý chất lượng nên đã dẫn đến “loạn” phương tiện này.

 

Hiện nay, tại Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7448:2004) về xe đạp điện có quy định vận tốc tối đa không quá 25km/giờ, nhưng thực tế, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/giờ, hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông.

 

Theo ông Hiệp, xe đạp điện chưa được quản lý, chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

 

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Hiệp nhìn nhận, trên thị trường chiếm đến 80-90% xe đạp điện đang lưu thông là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau bởi, loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.

 

Đồng tình quan điểm đó, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, xe đạp điện nằm trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

 

Theo đó, Thông tư 63/2011/TT-BGTVT về việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, hoặc đưa vào khai thác, sử dụng phải được chứng nhận công bố hoặc thử nghiệm, nghiệm thu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc quy định về quản lý chất lượng tương ứng do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

 

Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm cũng cho biết thêm, trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2013, Bộ Giao thông mới ban hành Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện vào tháng 11 tới đây, khi đó mới có những phương án rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.

 

“Như vậy, hiện tại, hệ thống văn bản Luật vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật chính thức để kiểm tra, xử lý loại phương tiện này,” đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định.

 

Để quản lý loại xe này, ông Hiệp kiến nghị, liên Bộ Công thương, Khoa học công nghệ, Giao thông Vận tải phải ngồi lại với nhau, tính toán phương án cụ thể. Sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, tìm hướng quản lý./.