Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung những ngày qua đã làm 91 người chết, mất tích và bị thương. Mưa lũ cũng đã khiến nhiều tuyến đường ngập úng, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngành Giao thông các tỉnh miền Trung phải chạy đua với lũ dữ để nỗ lực thông đường.
Dùng đá hộc thông đường
Tại Hà Tĩnh, ngoài QL8 bị đứt đường từ sáng 16/10 thì tuyến QL15A do bị nước cuốn mất đường nên cũng đã bị đứt từ 3h sáng 17/10, thời điểm nước lũ dâng cao kỷ lục, giao thông từ TP Hà Tĩnh đi đường Hồ Chí Minh đã tê liệt. Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh ông Trần Quang Tuấn cho biết: Lực lượng đảm bảo giao thông đang khẩn trương dùng đá hộc và vật liệu để tạm thông đường vào lúc 10h30 sáng.
Từ 4h sáng ngày 17/10, PV Báo Giao thông đã cùng với Phó Tổng Giám đốc Khu QLĐB IV Mai Xuân Sơn đi bộ hơn 10km dưới mưa, men khe núi vượt hơn 10 điểm sạt lở để tới vị trí đứt đường trên QL8, nơi gần 100 người đang bị mắc kẹt.
Anh Phan Xuân Vĩ, tài xế xe tải cho biết, đã bị mắc kẹt tại đây từ 5h sáng hôm qua. Đêm 16/10 được bộ đội Biên phòng đến đưa mỗi người 1 gói mì tôm với 2 gói lương khô.
Thêm 1km đi bộ nữa về cửa khẩu Cầu Treo, tại đây chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Nước làm toàn bộ taluy âm và mặt đường rộng gần 8m bị sụt sâu xuống vực kéo dài gần 150m, sâu đến hơn 20m, khối lượng đất đá bị cuốn trôi lên đến trên 30.000m3, toàn bộ bờ kè tatuy dương cũng bị nứt, nguy cơ gây sạt lở rất cao. Ông Mai Xuân Sơn cho biết: “Biện pháp duy nhất là nắn tuyến, vát taluy dương, đồng thời, đóng cọc kè rọ đá tạo nền đường và sớm nhất cũng phải mất 1 tuần mới có thể thông xe bước 1”.
Đến 12h trưa, máy xúc của Công ty CP 470 đã tiến vào điểm sạt lở cuối cùng trong tiếng hò reo của mọi người. Toàn bộ tuyến đường từ thị trấn Phố Châu đến cầu Cua Hảo đã được thông tuyến. Tuy nhiên, đoạn đường từ Km 81 - Cửa khẩu Cầu Treo vẫn trong tình trạng bị chia cắt. Hiện nay, Khu QLĐB IV đã giao cho 2 công ty là Cổng ty CP 474 và 470 thi công ngay trong chiều 17/10 để sớm thông đường.
Chạy nước rút thông đường trên đèo Đá Đẽo
Tại Quảng Bình, đến 8h sáng 17/10, mưa đã tạnh và nước bắt đầu rút. 16h chiều 17/10, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Phạm Quang Hải cho biết, QL12, 12C và QL9B đã thông xe toàn tuyến. Trên QL15 vẫn còn 3 vị trí tắc đường do nước ngập từ 1,2 - 2m hiện đang phân luồng và chờ nước rút. Đáng lưu ý là tại Km 458+400 đất đá sụt trượt gần 1.000m3, các đơn vị quản lý đường bộ mặc dù rất khẩn trương nhưng hiện mới chỉ thông 1/3 đường. Riêng khu vực ngầm Bùng do nước vẫn ngập đến 1,5m nên phải phân luồng xe đi vòng.
Ông Lê Ngọc Minh - Phó tổng Giám đốc Khu QLĐB IV thông tin từ hiện trường khu vực đèo Đá Đẽo thuộc nhánh Đông đường Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện tại khu vực đèo Đá Đẽo có 20 vị trí sạt lở, khối lượng sạt lở khoảng 20.000m3. Khu QLĐB IV đã huy động lực lượng của Công ty QLĐB 494 cố gắng thông tuyến 1 làn xe vào sáng ngày 18/10. Vị trí còn lại từ Km 909+300 đến Km 911 bị ngập nước sâu khoảng hơn 40cm đến trưa 17/10 cũng đã thông xe”.
Đảm bảo xe thông suốt trên đường Hồ Chí Minh
Cơn bão số 11 gây tắc nghẽn do sạt lở nguy hiểm nhất là đường HCM đoạn qua tỉnh Quảng Nam thuộc hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Có tới 5 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông là: Km 441+700, Km 443+000 và 3 điểm sạt lở tại địa bàn huyện Tây Giang là: Km 429+400, 432+900, 433+600 với tổng khối lượng đất đá đổ ra lòng đường HCM ước tính khoảng 2.500m3.
Ông Nguyễn Gia Phong - Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết: Ngay khi bão vừa ngớt, Công ty đã điều động 15 máy ủi, xe xúc, xe ben các loại và hơn 60 cán bộ, công nhân lao động liên tục khẩn trương san ủi khối lượng đất đá, giải phóng lòng đường, bảo đảm cho xe thông suốt. Cơn bão đi qua chưa đầy 7 tiếng, đến chiều 15/10, tuyến đường HCM đoạn qua tỉnh Quảng Nam đã được thông xe một chiều, sau một tuần tuyến đường trên mới hoàn toàn thông xe hai chiều an toàn.
Tại Quảng Nam, ngày 17/10, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam - Trương Văn Cận cho biết: Sau khi bão tan, tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện cùng với các địa phương tập trung chặt cây đổ, san ủi đất đá sạt lở trên các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam và hầu hết các tuyến đường huyết mạch đi về các địa phương đã được khắc phục, bảo đảm cho việc đi lại của nhân dân.
Thông tuyến đường sắt Bắc-Nam qua Quảng Bình
Sáng 17/10, tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tắc tại tỉnh Quảng Bình đã chính thức thông tuyến trở lại. Sau khi thông tuyến, các tàu SE6, SE4, SE2, TN2, SE8 với hàng ngàn hành khách do bị tắc đường phải đỗ lại Ga Đồng Hới đã tiếp tục hành trình.