Để hạn chế vi phạm về nồng độ cồn

14:41, 02/11/2013

An toàn giao thông (ATGT) những năm gần đây là vấn đề nóng, được toàn xã hội quan tâm. Từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã đều thành lập Ban ATGT, có chỉ đạo, điều hành quyết liệt và phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện. Song, cả hai tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người chết vì TNGT không giảm được bao nhiêu, thậm chí có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh ta, tuy TNGT có giảm cả hai tiêu chí, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chưa thực sự bền vững. Thực tế cho thấy, một trong các nhóm nguyên nhân chính dẫn đến TNGT thảm khốc là do “bia dẫn lối, rượu đưa đường”.

Uống rượu, bia là một thói quen lâu đời và hơn thế nữa, là thú ẩm thực của nhiều người, nhất là nam giới. Việc thay đổi thói quen này không dễ dàng. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã cho biết, so với các quốc gia trong khu vực, nước ta có mức tiêu thụ rượu, bia vào loại cao; chế tài và việc kiểm soát vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông thiếu chặt chẽ nên tai họa cũng như nguy cơ dẫn đến TNGT cao. Khi có hơi men, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường bị kích thích, không kiểm soát được tốc độ của xe, thường chạy với tốc độ cao; một số trường hợp có thể ngủ gật. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Bởi vậy, người say rượu, bia khi tham gia giao thông dễ gây ra lỗi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ quy định, vượt ẩu, đi sai phần đường… làm cho người cùng tham gia giao thông khó tránh.

 

 

Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia vừa phát động đợt tuyên truyền và tổ chức tuần tra kiểm soát nhằm hạn chế vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ban ATGT các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề này. Nhưng thiết nghĩ, đó chỉ là những biện pháp mang tính tức thời. Vấn đề quan trọng là thay đổi nhận thức của mỗi người tham gia giao thông và toàn xã hội.

 

Hoạt động tuyên truyền, xử lý vi phạm ATGT liên quan đến rượu, bia không chỉ đòi hỏi thực hiện kiên quyết và triệt để, mà còn cần xây dựng chương trình, kế hoạch công phu, mang tính dài hạn, kiên trì, kết hợp với nhiều biện pháp khác. Nội dung và hình thức tuyên truyền phải đa dạng và phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng. Cùng với việc áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn mới và xử lý kiên quyết đối với người vi phạm, phải hết sức coi trọng biện pháp phòng ngừa. Tỉnh ta cũng đã có quy định về việc cấm cán bộ, công chức uống rượu buổi trưa trong các ngày làm việc; những người vi phạm ATGT bị xử phạt đều được thông báo về cơ quan nơi công tác và địa phương nơi cư trú để nắm bắt và đưa vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua hàng năm; nhiều khu dân cư đã đưa nội dung ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; giảm khẩu phần rượu, bia khi tổ chức hiếu, hỷ…

 

Dư luận xã hội đã đồng thuận và tích cực hưởng ứng thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, phối hợp đôn đốc, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ngay từ mỗi gia đình, các nhà hàng đến toàn xã hội. Đối với người tham gia giao thông vốn có thói quen sử dụng rượu, bia hãy tự giác và nghiêm túc chấp hành nguyên tắc: Đã uống rượu, bia thì không lái xe. Chỉ có như vậy mới giữ an toàn cho chính bản thân, gia đình của mình và không gây tai họa cho người tham gia giao thông xung quanh. Và chúng ta sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong quá trình thực hiện hạn chế vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông./.