Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở

10:06, 05/11/2013

Năm 2010, Thái Nguyên bị liệt vào danh sách 10 tỉnh trong cả nước có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng. Sau hơn 2 năm (2011-2012) thực hiện Đề án “Kiềm chế và đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”, Thái Nguyên trở thành trong 10 tỉnh có TNGT giảm trên 20% số vụ TNGT và được Chính phủ biểu dương.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ban ATGT tỉnh: Một trong những kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Đề án đó chính là việc phát huy vai trò của chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và gắn trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị về thực hiện công tác này. Bởi khi có sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, tại mỗi địa phương, đơn vị căn cứ vào đặc điểm tình hình của mình đã cụ thể hóa Đề án bằng những cách làm, giải pháp sát thực, hiệu quả. Với cách triển khai linh hoạt tại mỗi địa phương đã phát huy được vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở giúp việc thực hiện Đề án không bị cứng nhắc theo lối mòn mà đã thực sự đi vào cuộc sống.

 

 

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến huyện Phú Lương, một địa bàn những năm trước đây luôn là “điểm nóng” về TNGT của tỉnh. Tuy nhiên, trong 2 năm 2011, 2012 và 9 tháng năm 2013 số vụ TNGT trên dịa bàn huyện đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT huyện cho biết: "TNGT trên địa bàn được kiềm chế là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể. Theo đó, nội dung về công tác ATGT được coi là một tiêu chí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở và các đoàn thể chính trị xã hội. Tại mỗi xóm, bản đều gắn công tác bảo đảm trật tự ATGT vào tiêu chí xét thi đua hằng năm. Với đặc thù là địa phương có rất đông đồng bào dân tộc sinh sống (chiếm trên 40%) nên huyện xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về trật tự ATGT cho người dân đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, hằng năm, huyện đều dành những ưu tiên cho công tác này, như: tăng cường tuyên truyền ATGT tại các xóm, bản dưới nhiều hình thức (qua hệ thống loa truyền thanh các xóm, bản; các buổi sinh hoạt của các đoàn thể; hình thức sân khấu hóa, trực quan bằng hình ảnh…) để nhân dân dễ học, dễ hiểu và dễ áp dụng. Bên cạnh đó, Ban ATGT của huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải tỏa hành lang ATGT trên các tuyến đường, đặc biệt tại những vị trí “nguy hiểm”: đường dốc, có khúc cua quanh co…”

 

Với T.P Thái Nguyên, trong thực hiện Đề án cũng đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Thanh Hải, Phó trưởng Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn đảm đảo trật tự ATGT trên địa bàn, Công an thành phố đã triển khai nhiều giải pháp với từng nhóm chuyên đề cụ thể. Ví vụ như Chuyên đề “Chấn chỉnh hoạt động của xe khách”, chúng tôi đã đã xây dựng kế hoạch báo cáo UBND thành phố, đồng thời xin ý kiến Công an tỉnh vận dụng các chính sách, văn bản hiện hành để  thực hiện. Theo đó, các đội nghiệp vụ của Công an thành phô phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động, Phòng PX15, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành chụp ảnh, ghi hinh xe vi phạm để áp dụng xử lý vi phạm ATGT bằng hình ảnh. Kiên quyết tạm giữ phương tiện 10 ngày đối với các xe vi phạm. Đặc biệt, trong đợt cao điểm này Công an thành phố đã phát hiện và triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động tại khu vực bến xe, nhất là các nhóm côn đồ chuyên cò mồi, tranh giành khách gây mất trật tự xã hội. Nhờ đó hoạt động vận tải hành khách đi vào nền nếp, khu vực Bến xe khách nơi được xem là nhức nhối về trật tự an toàn giao thông thì nay tình trạng lộn xộn đã không còn. Qua đó, nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm ATGT. Hiện nay, Công an thành phố đang tập trung cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông bởi đây là hai trong số những nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn giao thông”.

 

Theo số liệu thống kê, năm 2011, TNGT của T.P Thái Nguyên giảm trên 30%; 2012, giảm 10%, 9 tháng 2013, giảm trên 20%. Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT thành phố cho rằng: “Để có được những chuyển biến đó là do cả hệ thống chính trị của thành phố đã cùng vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp. Theo đó, tại mỗi phường xã đều xây dựng kế hoạch với những giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; gắn thi đua với việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT; cùng với tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa giao thông thì việc xử lý vi phạm trật tự ATGT được thực hiện quyết liệt…".

 

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông giai đoạn 2011 - 2015”, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức người dân đã được nâng lên, TNGT giảm, hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư, trên 60 điểm đen về TNGT đã được cải tạo... Trong 2 năm 2011, 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 số vụ TNGT đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. Riêng 9 tháng năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 207 vụ, 82 người chết, 203 người bị thương, giảm 34 vụ, 21 người chết và 56 người bị thương so với cùng kỳ năm 2012. Về công tuyên truyền, ban ATGT tỉnh đã cấp phát về cơ sở 3.200 tờ áp phích, 276.000 tờ rơi tuyên truyền về ATGT, trên 3.000 pa - nô và 3.600 băng đĩa tuyên truyền. Đặc biệt, Công an tỉnh phối hợp với tỉnh đoàn và Ban ATGT tỉnh tổ chức trên 40 buổi tuyên truyền lưu động bằng hình thức sân khấu hóa tại các xóm, bản, tổ dân phố tạo hiệu ứng tích cực.

 

Để giảm TNGT một cách bền vững, trong thời gian tới, đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh cho rằng: Các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện Đề án gắn với Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Nghị quyết số 88 của Chính phủ bằng những giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương đơn vị. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, xử phạt nghiêm, xiết chặt công tác quản lý về giao thông, đồng thời quy trách rõ nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị nếu để TNGT tăng. Đối với việc xử phạt vi phạm ATGT tỉnh áp dụng mức hình phạt cao nhất và tạm giữ phương tiện dài ngày nhất theo khung quy định của Chính phủ. Kiên quyết đưa ra xử lý hình sự các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng tính răn đe. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ đứng ra xin miễn, giảm hình thức xử vi phạm ATGT cho người thân…