Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trên đường

08:13, 13/11/2013

Trong hàng nghìn vụ tai nạn, va quệt giao thông xảy ra mỗi năm, thì đã có không ít trẻ nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, với những thương tích nghiêm trọng, có em phải mang thương tật suốt đời và cũng đã có trường hợp bị tử vong.

Tháng 3-2013, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên tiếp nhận cháu Trần Hùng Mạnh, sinh năm 2010, ở xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, nhập viện, với đa vết thương ở vùng đầu, gây vỡ xương sọ, xuất huyết não, vỡ xương hốc mắt nằm bất động, mọi sinh hoạt của cháu đều do mẹ chăm sóc… Nguyên nhân của các vết thương trên là do Mạnh đi qua đường không may bị xe máy đâm, bất tỉnh tại chỗ.

 

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích khi tham gia giao thông nhưng theo bác sĩ Đồng Quang Sơn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên: Hàng năm khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó có không ít bệnh nhân là trẻ nhỏ. Các cháu bị tai nạn thương tích như gẫy chân, gẫy tay, chấn thương đầu, bị bỏng, trong đó số trẻ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông là không nhỏ.

 

Theo số liệu thống kê của phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có 17 vụ trẻ bị tai nạn giao thông làm 5 em tử vong, 12 em bị thương tích. Nguyên nhân của các vụ việc trên là do sự bất cẩn, thiếu quan tâm của các bậc làm cha mẹ, người trông nom và đặc biệt là việc giáo dục cho trẻ cách nhận biết các nguy cơ có thể gây tai nạn chưa được chú trọng. Không khó bắt gặp các trường hợp người lớn đèo trẻ nhỏ tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, ngồi chênh vênh, không mang các thiết bị đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp này, chỉ cần một va chạm nhỏ hay không may xảy ra tai nạn giao thông thì hậu quả thật khó lường. Trong khoảng 12.000 người chết và trên 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông mỗi năm ở nước ta thì có khoảng 35% là trẻ em. Riêng năm 2012, có gần 50.000 trường hợp chấn thương sọ não thì có 13,4% trẻ em và một nửa trong số này bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.

 

Đại úy Nguyễn Thị Thùy Linh, Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, với trẻ từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe mô tô, nhưng nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, không trang bị mũ bảo hiểm cho con em hoặc nếu có thì cũng sử dụng không đúng cách. Bên cạnh đó còn thiếu xót trong việc trang bị các thiết bị an toàn đảm bảo cho con mình ngồi trên xe một cách chắc chắn, an toàn.


Ngoài ra, việc để trẻ tự qua đường; chơi đùa gần đường giao thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Hoặc do trẻ dễ ngủ gật, người nhỏ ngồi yên xe rộng nên khi thay đổi tốc độ, xóc, chuyển hướng đột ngột rất dễ làm trẻ bị ngã gây tai nạn thương tích. Những điều này có thể phòng tránh được nếu các bậc làm cha, mẹ có trách nhiệm hơn nữa, thường xuyên quan tâm và luôn để mắt tới con trẻ, có biện pháp bảo vệ, phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Hãy dạy trẻ đi bộ, đi xe đạp an toàn, đảm bảo an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe máy và trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm, có như vậy mới thực sự đảm bảo được sự an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.