TNGT đường thủy: Thuyền nhỏ, nguy cơ lớn

15:08, 19/12/2013

Dù số vụ TNGT đường thủy giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2012, nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa thể “thở phào” bởi nguy cơ tai nạn  từ các phương tiện nhỏ.

Tai nạn giảm nhưng chưa “bền”

 

Đại tá Dương Ngọc Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy cho biết, năm 2013, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Cục Cảnh sát đường thủy, cả nước đã xảy ra 90 vụ TNGT đường thủy, làm chết 84 người, bị thương 10 người, chìm 96 phương tiện thủy, thiệt hại về tài sản và hàng hóa trên phương tiện khoảng 10 tỷ đồng. So với năm 2012, giảm 28 vụ (-23,7%), giảm 24 người chết (-22,2%), giảm 2 người bị thương (-16,7%).

 

Năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 200.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước hơn 112 tỷ đồng, tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 253 trường hợp, đình chỉ hoạt động 2.342 phương tiện.

Theo Đại tá Tiến, mặc dù TNGT có giảm nhưng vi phạm TTATGT còn diễn biến phức tạp, phổ biến là vi phạm về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện, cảng bến thủy nội địa và vi phạm quy tắc giao thông…  Điển hình là vụ tai nạn liên quan đến xuồng máy trên sông Măng (Lộc Ninh - Bình Phước) do vợ chồng ông Hồ Văn Thại và bà Nguyễn Thị Nê điều khiển, chở 42 người đi rẫy về, gặp nước chảy xiết trong khi xuồng có khe hở, nước rỉ và bất ngờ lật, khiến 7 người mất tích.

 

Đại tá Tiến nhấn mạnh: Đây chỉ là một trong nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do phương tiện thủy công suất nhỏ, phục vụ đi lại dân sinh, nhưng luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa TNGT. Khi xảy ra tai nạn, hậu quả thường rất nghiêm trọng nhưng nguyên nhân lại không mới như: Không đăng ký đăng kiểm, không chứng chỉ chuyên môn, bến không phép. Bên cạnh đó, các phương tiện chở khách du lịch, phục vụ vui chơi, giải trí, phương tiện nhỏ của gia đình, tàu cao tốc tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

 

Sa tặc hoành hành

 

Cùng với những hiểm họa liên quan đến phương tiện nhỏ không đăng ký, đăng kiểm, sa tặc tiếp tục là mối lo của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

 

Thời gian qua, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ngày càng tăng về số điểm, phương tiện khai thác và bến bãi tập kết. Trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Chu, sông Mã, sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Hậu, tuyến ven biển Hải Phòng, Nam Bộ… đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những điểm khai thác cát.  “Đa số các điểm khai thác đều không có giấy phép khai thác hoặc khai thác không đúng giấy phép, không nộp thuế tài nguyên và phí môi trường. Phương tiện khai thác không có đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm thay đổi dòng chảy, sạt lở đê điều, công trình thủy lợi; Làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường” - Đại tá Tiến khẳng định.

 

Trên thực tế, riêng năm 2013, lực lượng cảnh sát đường thủy đã bắt giữ 41 phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt trên 750 triệu đồng. Đặc biệt, đã phối hợp với C45 xác lập, đấu tranh có hiệu quả 2 chuyên án liên quan hoạt động “bảo kê”, tranh giành địa bàn khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô thuộc xã Bạch Lưu - huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Mới đây, Cục Cảnh sát đường thủy phối hợp với C45 đấu tranh chuyên án 1012T triệt phá ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động “bảo kê” khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Hưng Yên, bắt giữ 16 phương tiện vi phạm, qua đó củng cố tài liệu về nhóm 7 đối tượng “bảo kê”.

 

Để ngăn chặn nguy cơ mất ATGT cũng như ngăn ngừa các hoạt động khai thác cát trái phép, Đại tá Tiến nhấn mạnh: Chỉ một mình lực lượng cảnh sát đường thủy thì không thể làm được mà còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về đường thủy và đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc quản lý, cấp phép cũng như giám sát hoạt động này. Có như vậy TTATGT đường thủy mới mang tính bền vững, để những dòng sông thực sự bình yên.