Giải pháp đồng bộ để giảm tai nạn giao thông

14:46, 06/01/2014

Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ: Mỗi năm, số tiền chi cho việc khắc phục hậu quả tai nạn giao thông là 2% GDP, ước khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD (khoảng 50 nghìn tỷ VNÐ) bằng 30% số tiền Nhà nước chi cho ngân sách giáo dục trong một năm. Có ba nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến cơ sở hạ tầng, vấn đề quản lý nhà nước và ý thức người tham gia giao thông. Cần giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Giảm số vụ, nhưng tăng số người chết

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, tính từ ngày 16-11-2012 đến 15-11-2013, cả nước xảy ra 30.906 vụ tai nạn giao thông (TNGT), (giảm gần 5.000 vụ, khoảng 13% so với cùng kỳ), làm chết 9.628 người (tăng 91 người), bị thương gần 32 nghìn người, thiệt hại tài sản khoảng hơn 65 nghìn triệu đồng... Ấy là chưa kể, sau TNGT, nhiều gia đình khánh kiệt do phải nuôi và chăm sóc số người bị mất sức lao động do di chứng liệt não, "bán thân bất toại"...

 

Có ba nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng, do: vấn đề hạ tầng, quản lý nhà nước và ý thức người tham gia giao thông. Ðối với vấn đề quản lý nhà nước, có thể thấy chưa khi nào các văn bản, chỉ thị, nghị quyết được ban hành về vấn đề giao thông được Ðảng, Nhà nước quan tâm như những năm gần đây. Trong đó, mới nhất là Chỉ thị số 18-CT/T.Ư của Ban Bí thư (khóa XI) về bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các văn bản trên chưa được cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả và không ít người dân coi vấn đề TNGT là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Ðáng chú ý, hiện nay số phương tiện giao thông mỗi năm tăng 15%, nhưng hạ tầng đường sá chỉ tăng 1%/năm. Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp, thực tế, đang có nghịch lý diễn ra, nếu ở nước ngoài, thường phải có quy hoạch tổng thể trong phát triển đô thị và các tuyến quốc lộ, thì ở Việt Nam, gần như quy hoạch nhà cửa xong mới lo làm đường. Thậm chí, đường làm đến đâu, nhà mọc lên san sát đến đó. Rồi việc phát triển các phương tiện công cộng không có quy hoạch, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Thật khó tưởng tượng khi việc cấp phép vận tải tràn lan, khiến Hà Nội có tới 106 hãng ta-xi (trong khi thành phố Hồ Chí Minh chỉ có bốn hãng chủ yếu và một số xe khác chạy từ các tỉnh về Sài Gòn ) dẫn đến tình trạng cạnh tranh hành khách không lành mạnh và việc quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.

 

Qua những lần đi khảo sát tại các bến xe ô-tô khách ở Hải Phòng, chúng tôi chứng kiến: tuyến ô-tô khách Hải Phòng - Hà Nội có khoảng 400 đầu xe được cấp phép hoạt động, với tần suất trung bình hai phút có một xe khách rời bến. Trong khi đó, lưu lượng hành khách trên tuyến vào ngày bình thường chỉ dao động từ 4.000 đến 5.000 người chiếm từ 30% đến 40% số ghế. Vậy là "cung đã nhiều hơn cầu", dẫn đến tình trạng tranh, cướp hành khách. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế kiểm soát việc giao xe, khoán doanh thu trực tiếp cho lái xe, phụ xe tại các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã vận tải, khiến các lái, phụ xe phải giành giật khách bằng mọi giá. Theo Ðại tá, Phó Cục trưởng CSGT Nguyễn Ngọc Tuấn: Do phải tăng chuyến để bảo đảm doanh thu, không có thời gian ngủ, nghỉ khiến nhiều lái xe ngủ gật, thiếu chú ý quan sát, dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

 

70% số vụ tai nạn do con người gây ra

 

Lâu nay, nói đến TNGT, không ít người cho rằng tại đường sá chật hẹp, phương tiện tham gia giao thông đông, vấn đề quản lý nhà nước yếu kém...Tuy nhiên, theo thống kê, có hơn 70% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện gây ra và hơn 90% số vụ TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Hai yếu tố này thể hiện công tác quản lý của Nhà nước chưa tốt, việc tổ chức giao thông chưa khoa học, xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, khiến người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

 

Năm 2013, toàn quốc xảy ra 58 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trong đó phải kể đến 11 vụ TNGT liên quan đến xe ô-tô khách làm 56 người chết, 122 người bị thương. Nguyên nhân, do lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi: say rượu, chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường cấm, lấn phần đường, làn đường, vi phạm các quy định về biển báo... trong khi tham gia giao thông. Ðiều đó cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng do ý thức người tham gia giao thông quá kém. Ðiển hình, 18 giờ 40 phút ngày 25-10-2013, tại km 74+200 thuộc thôn Bản Mạ (Yên Sơn, Bảo Yên, Lào Cai) lái xe Vũ Hữu Hòa, sinh năm 1979, ở quận Kiến An (Hải Phòng) điều khiển chở 45 hành khách bị lao xuống vực, làm bảy người chết, bị thương 29 người. Nguyên nhân, do lái xe cố tình đi vào đoạn đường sạt lở do mưa, dù nơi này đã có biển báo cấm phương tiện trên 2,5 tấn không được đi, nhưng xe chở khách trọng tải hơn 11 tấn vẫn đi vào. Nghiêm trọng hơn là vụ tai nạn giữa hai xe ô-tô khách đi ngược chiều chạy tốc độ cao "đấu đầu nhau" tại Cam Ranh (Khánh Hòa) làm 12 người chết, tám người bị thương.

 

Từ các vụ TNGT nói trên cho thấy, việc giáo dục ý thức người tham gia giao thông chưa được quan tâm và làm quyết liệt; vấn đề thi tuyển lái xe ô-tô và cấp bằng lái còn chạy theo số lượng, "mùa vụ", việc cấp bằng lái xe còn thực hiện xã hội hóa tràn lan. Ðến nay, cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô, xe mô-tô, trong đó có 125 cơ sở tư thục.

 

Giải pháp đồng bộ để giảm TNGT

 

Ðược biết, Chỉ thị 18 CT/T.Ư (Chỉ thị 18) của Ban Bí thư ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông. Vì vậy, khi có Chỉ thị 18, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức ra quân bảo đảm TTATGT ào ạt và rầm rộ. Nhưng theo khảo sát của các đoàn kiểm tra, gồm: Ủy ban ATGTQG, lực lượng Công an, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng T.Ư Ðảng và Bộ Quốc phòng, Chỉ thị 18 chỉ mới "về" đến cấp tỉnh, thành phố. Cho nên, khi "về" đến cấp cơ sở, chỉ thị đã trở nên "mờ nhạt", bởi đa số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và các đoàn thể chính trị coi công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ của lực lượng Công an, giao thông vận tải. Và không ít nơi "chống chế" cho rằng "chúng tôi đều đã có nghị quyết chuyên đề" triển khai thực hiện Chỉ thị 18, nhưng thực chất những nơi này chỉ làm theo hình thức "đánh trống, ghi tên" để báo cáo thành tích. Kết quả là tai nạn giao thông ở không ít các tỉnh, thành phố không giảm. Thống kê hằng năm, vào những dịp "ra quân" và "Tháng An toàn giao thông" khi Cục CSGT tăng cường lực lượng tuần tra dọc các tuyến quốc lộ, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông thì tai nạn giảm. Còn nếu các tỉnh, thành phố lơ là việc tuần tra xử lý thì TNGT tăng - Ðại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp, ba năm gần đây, đã có quy định gửi vi phạm về TTATGT về cơ quan, địa phương, trường học. Nhưng, theo thống kê của cơ quan chức năng, mới chỉ có 1% các trường hợp vi phạm có phản hồi "chúng tôi đã nhận được" chứ không phải cụm từ "chúng tôi đã xử lý". Và chỉ có một số ít tổ dân phố đưa người vi phạm ra kiểm điểm, đó là thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang; tại thành phố Hà Nội mới có vài trường học thực hiện việc kiểm điểm các học sinh vi phạm.

 

Ðể kiềm chế, tiến tới từng bước giảm TNGT, vấn đề đặt ra là, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ quy hoạch tổng thể về quỹ đường, sự vào cuộc của ngành chức năng và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao ý thức người tham gia giao thông trong cả nước. Cụ thể, vấn đề đầu tiên là quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng. Tại các tỉnh, thành phố, các tuyến quốc lộ cần tính toán nâng quỹ đường dành cho giao thông. Không chờ đến lúc đường hẹp dẫn đến ùn tắc và TNGT mới lo đền bù, giải phóng mặt bằng để làm đường sẽ tốn kém vô kể, mà các tuyến đường vẫn chỉ là chắp vá. Thứ hai là, tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông tại từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công nhân, viên chức và học sinh, sinh viên... Vấn đề quan trọng nữa là, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT như, xử phạt nghiêm, mức phạt đủ sức răn đe đối với người vi phạm, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô-tô, mô-tô. Tuy nhiên, trong vấn đề bảo đảm TTATGT sức người có hạn, nếu chỉ tăng thêm lực lượng chức năng, bộ máy công quyền sẽ ngày càng phình ra. Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần tính toán trang bị ca-mê-ra giám sát hành trình người tham gia giao thông tại các tuyến quốc lộ trọng điểm, các điểm đen, ngã ba, ngã tư trong các thành phố... để xử phạt nghiêm người vi phạm. Việc này góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông và tạo sự công khai, minh bạch trong xử lý các vấn đề liên quan TTATGT- Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.