Chỉ quyết liệt trên… giấy là chưa đủ

10:00, 12/02/2014

Thời gian qua, người dân sống cạnh tuyến Tỉnh lộ 269 (nối Quốc lộ 1B với thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) rất bức xúc khi phải chịu cảnh “mưa bẩn, nắng bụi”. Các chủ phương tiện tham gia giao thông khi qua đây chỉ biết lắc đầu ngao ngán bởi mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Đó là hậu quả từ việc vận chuyển quặng sắt quá tải kéo dài của các doanh nghiệp trên địa bàn. Để giải quyết tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đã tăng cường các biện pháp xử lý, song thực tế chưa mang lại hiệu quả.

Phương án chống quá tải đã có

 

 Người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến; báo chí cũng tốn không ít giấy mực; tỉnh, huyện cũng triển khai nhiều phương án, nhưng đến nay hoạt động vận chuyển quá tải trên tuyến đường 269 vẫn diễn ra phổ biến. Thời gian trước, tỉnh đã giao Sở Giao thông - Vận tải ra quyết định phê duyệt phương án vận chuyển quặng sắt qua tuyến đường này với mong muốn quản lý chặt tài nguyên, khoáng sản và hạn chế vận chuyển quá tải. Gần đây, tỉnh lại giao nhiệm vụ trên cho Sở Tài nguyên và Môi trường cũng với mục đích đó, nhưng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chống quá tải. Tỉnh cũng giao cho huyện Đồng Hỷ phê duyệt phương án vận chuyển quặng sắt đối với những trường hợp vận chuyển trong nội hạt huyện.

 

Tuy nhiên, các xe vận chuyển quặng sắt vẫn chở quá tải trọng cho phép không chỉ với cầu, đường mà cả phương tiện vận chuyển. Để hạn chế tối đa vận chuyển quá tải, từ lâu tỉnh còn chỉ đạo huyện Đồng Hỷ thành lập Tổ chốt kiểm tra khoáng sản trên tuyến đường này với nòng cốt là lực lượng liên ngành của huyện. Hơn nữa, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường còn thực hiện chủ trương không phê duyệt vận chuyển quặng sắt trên tuyến tỉnh lộ 269 đối với những xe vận tải có từ 3 trục bánh xe trở lên. Ngoài ra, lực lượng chức năng của tỉnh, huyện gồm: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Đội kiểm tra liên ngành, Đội chống thất thu ngân sách… thường xuyên lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vận chuyển quá tải qua đây.

 

Xe “khủng” vẫn chạy

 

 

Mặc dù từ tháng 1-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai biện pháp không phê duyệt phương án vận chuyển quặng sắt cho các xe “khủng” (từ 3 trục bánh xe trở lên) qua tuyến Tỉnh lộ 269, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi hôm 7-2-2014 vẫn có những xe có 4 trục bánh vận chuyển với khối lượng lên tới 60-70 tấn chạy qua. Hôm 10-2 vừa qua, có mặt tại tuyến đường này đoạn qua địa phận xã Nam Hòa, chúng tôi lại bắt gặp một số xe vận tải quặng sắt có 3 trục bánh lặc lè chạy trên đường. Ông Liễu Văn Thông, Trưởng Công an xã Nam Hòa cho biết: Thời điểm trước và sau Tết mấy ngày, chúng tôi thường thấy các xe tải lớn vận chuyển quặng sắt qua địa bàn. Hiện nay đã giảm nhưng loại xe có 3 trục bánh vận chuyển từ 25-30 tấn quặng thỉnh thoảng vẫn chạy qua đây.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, điểm mấu chốt của vấn đề là ở chỗ hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trên tuyến đường này còn có biểu hiện thiếu rõ ràng, trách nhiệm của cán bộ tại đây chưa cao. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động thực thi công vụ của Tổ chốt kiểm tra khoáng sản tại xã Linh Sơn còn có sự buông lỏng. Bằng chứng là ngày 7-2 vừa qua, lực lượng chức năng của huyện đã tạm giữ 4 xe vận chuyển quặng sắt trên tuyến Tỉnh lộ 269, đoạn qua Tổ chốt khoáng sản. Tải trọng của các xe khi kiểm tra đều ở mức từ 26 đến trên 30 tấn/xe, vượt quá 50% trọng tải ghi trong Giấy đăng ký xe đối với xe có tải trọng trên 5 tấn. Điều đáng nói là khi yêu cầu xuất trình giấy tờ, người điều khiển các xe trên đã đưa ra phiếu cân chỉ với trên 4 tấn/xe - con số rất vô lý so với thực tế. Dư luận đặt dấu hỏi, vậy có phải Tổ chốt kiểm tra khoáng sản của huyện đã làm ngơ để xe vượt tải trọng cho phép đi qua? Mặt khác, dư luận cũng cho rằng việc sử dụng phiếu cân sai thực tế, ngoài trốn bị xử lý quá tải còn có thể giúp các đối tượng trốn thuế, gian lận thương mại.

 

Quyết liệt gắn với hiệu quả

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quy định và quyết liệt triển khai các phương án quản lý hoạt động vận chuyển khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói chung và trên tuyến Tỉnh lộ 269 nói riêng. Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ. Cái quan trọng chính là sự vào cuộc thực sự của các cấp chính quyền sở tại. Nếu huyện tăng cường thêm lực lượng, phương tiện và làm nghiêm tại Tổ chốt liên ngành kiểm tra khoáng sản thì đã có thể quản lý hiệu quả hoạt động vận chuyển quá tải và chống thất thu ngân sách trên tuyến 269.

 

Trong các Quyết định phê duyệt phương án vận chuyển quặng sắt đối với  doanh nghiệp vận tải qua tuyến 269 của Sở Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu: UBND xã có khoáng sản, Tổ chốt kiểm tra khoáng sản phải có chữ ký xác nhận vào phía sau hóa đơn, chứng từ đi kèm theo xe vận chuyển. Khi vận chuyển, số lượng quặng sắt ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng phải bằng với số lượng quặng sắt chở trên xe và phiếu cân. Đơn vị vận chuyển phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông, đảm bảo trọng tải không vượt quá quy định tải trọng cầu, đường… Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện các quy định trên dường như chỉ là chiếu lệ. Vấn đề kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của lực lượng chức năng cũng chưa được thường xuyên, liên tục.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, để giải quyết vấn đề quá tải, đảm bảo an toàn cho tuyến đường 269, ngoài các biện pháp đã triển khai, theo tôi tỉnh cũng nên bố trí một điểm cân điện tử tại đây. Có thể bố trí cân ngay tại khu vực mà Tổ chốt kiểm tra khoáng sản đóng chân hiện nay. Có điểm cân điện tử thì cơ bản vấn đề quá tải trên tuyến đường này sẽ được xử lý. Về đề xuất này, khi được hỏi, đại diện một số cơ quan liên quan, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và đông đảo người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đều có ý kiến đồng tình. Và theo chúng tôi, việc bố trí điểm cân điện tử tại đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất đối với việc triển khai chống quá tải trên tuyến tỉnh lộ 269, điều mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được, ít nhất là tại thời điểm hiện nay.