Xử lý xe quá tải: Làm quyết liệt ngay từ ngày đầu ra quân

10:46, 15/02/2014

Không có gì thay đổi thì sau ngày 20-2 này, lực lượng liên ngành của tỉnh sẽ ra quân thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý xe quá tải trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ đoạn qua địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và liên Bộ: Giao thông - Vận tải, Công an. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải và Công an tỉnh đều khẳng định: Lần này sẽ làm bài bản, quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lực lượng liên ngành sẽ hoạt động 24/24 giờ và tối thiểu 20 ngày/tháng. Trước mắt, lực lượng liên ngành sẽ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ 3, 37,1B và các tuyến tỉnh lộ 264B, 268, 269 cùng một số tuyến đường trọng điểm khác trên địa bàn. Vị trí dừng xe để kiểm tra, xử lý thường được chọn ở những đoạn có mặt đường đủ rộng và có bãi hạ tải.  

 

Đủ lực lượng và không thiếu phương tiện

 

Theo kế hoạch phối hợp thì lực lượng liên ngành xử lý hành vi chở hàng quá tải trọng trên đường bộ thuộc tỉnh gồm: Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải có 6 cán bộ tham gia; Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) có 6 cán bộ; Phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh) có 9 cán bộ. Đối với tuyến Quốc lộ 3, Thanh tra Tổng Cục đường bộ sẽ cử thêm 3 cán bộ tham gia. Lực lượng tuần tra kiểm soát sẽ bố trí thành 3 tổ công tác. Trong đó, mỗi tổ công tác có một tổ trưởng là chỉ huy cấp Đội của lực lượng Cảnh sát giao thông và một tổ phó là chỉ huy cấp Đội của Thanh tra giao thông. Phương tiện trang bị cho lực lượng liên ngành cũng khá đầy đủ, hiện đại gồm 2 ô tô, 2 mô tô chuyên dụng cùng hệ thống cân điện tử, máy camera của Thanh tra giao thông.

 

Được biết, mới đây Bộ Giao thông - Vận tải đã cấp cho tỉnh một trạm cân di động với đầy đủ chức năng, chỉ số tiện ích để dễ dàng phát hiện và xử lý chính xác các phương tiện vận chuyển quá tải (trạm cân là một chiếc ô tô 24 chỗ đã hoán cải để chở toàn bộ hệ thống cân xe gồm máy tính, máy phát, bàn cân…). Điều đáng nói là trạm cân sẽ liên tục được kết nối với Tổng Cục đường bộ để tiện theo dõi. Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Các lực lượng và phương tiện đều được phân công rõ ràng từ dừng phương tiện để kiểm tra, hướng dẫn các xe đến trạm cân, tổ chức cân xe, xác định mức độ quá tải, lập biên bản, ra quyết định xử phạt, tiến hành hạ tải, đảm bảo trật tự tại nơi kiểm tra… Với điều kiện này, việc thực hiện xử lý các trường hợp chở quá tải trên địa bàn sẽ khá triệt để.

 

“Sau 10 ngày sẽ không còn xe chở quá tải!”

 

Thực tế cho thấy, việc xử lý các trường hợp vận chuyển quá tải trong cả nước lâu nay chưa được thực hiện một cách bài bản, triệt để. Việc xử lý không thường xuyên, nghiêm túc, đôi khi làm ngơ của lực lượng chức năng đã khiến tình trạng chở quá tải ngày một phổ biến. Có những tỉnh, thành, việc vận chuyển quá tải gần như là điều hiển nhiên. Với Thái Nguyên chúng ta, thời gian qua việc xử lý các phương tiện vận chuyển quá tải cũng chưa hiệu quả. Bằng chứng là trên các tuyến Quốc lộ 1B, 3, 37, Tỉnh lộ 269… vẫn nhan nhản các xe tải “khủng” chở quặng, vật liệu xây dựng quá tải trọng cho phép đi lại. Có xe chở vượt quá tải trọng cho phép tới 50 đến 60%. Việc xử lý của các lực lượng chức năng chỉ giảm bớt phần nào lỗi vi phạm quá tải chứ chưa thể chấm dứt được tình trạng trên. Dư luận trong tỉnh thời gian qua cho rằng các ngành chức năng khó có thể xử lý được triệt để tình trạng quá tải vốn đã diễn ra từ nhiều năm nay.

 

Tuy nhiên, tại một phiên họp toàn thể của UBND tỉnh mới đây, khi có ý kiến về vấn đề xử lý xe quá tải trong những ngày tới, Thiếu tướng Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Chỉ trong vòng 10 ngày ra quân kiểm tra, xử lý của lực lượng liên ngành, đảm bảo tình trạng xe vận chuyển quá tải trọng cho phép trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn Thái Nguyên sẽ không còn. Tuy nhiên, nếu tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều làm đồng bộ và nghiêm ngặt thì tính hiệu quả mới cao và mới duy trì được bền lâu.


Vẫn còn ý kiến trái chiều

 

Khi biết lực lượng liên ngành của tỉnh sẽ ra quân thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh tình trạng vận chuyển quá tải trên địa bàn, dư luận địa phương có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, việc xử lý triệt để là không khó, nhưng vấn đề là ở chỗ hoạt động vận tải hàng hóa sẽ xáo trộn, các xe vận tải lớn có thể phải tạm dừng hoạt động và điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mỗi doanh nghiệp vận tải thường sử dụng phương tiện chuyên dùng có tải trọng lớn như: xe chở thép, quặng, chở cát sỏi, xi măng… Khi các xe vận tải này ngừng hoạt động do không chấp nhận giá cước thấp (khi chở đúng tải) thì việc lưu thông hàng hóa sẽ đình trệ. Mặt khác, nếu các tỉnh, thành trong cả nước không cùng làm đồng bộ, chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng “ngăn sông cấm chợ” đối với những tỉnh làm nghiêm túc như từng diễn ra trước đây.

 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến, trong đó không ít là doanh nghiệp vận tải hàng hóa lại bày tỏ quan điểm đồng tình với việc triển khai quyết liệt trên. Họ cho rằng, dù cước xe có giảm nhưng chi phí khấu hao khi chở quá tải cũng như một số chi phí khác trong quá trình vận tải trên đường sẽ bị hạn chế rất nhiều. Việc vận chuyển đúng tải sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh, góp phần kéo dài tuổi thọ công trình giao thông. Việc làm quyết liệt, triệt để sẽ không ngoại trừ trường hợp có doanh nghiệp vận tải “quen” chở quá tải phải tạm dừng hoạt động, nhưng như thế là tự loại mình ra khỏi sân chơi lành mạnh mà cả cộng đồng đang ủng hộ và hướng tới.