Bất an từ những cây cầu tạm

10:51, 12/03/2014

Nhiều năm qua, người dân xã Phủ Lý (Phú Lương) luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, bất an khi hàng ngày phải đi qua những chiếc cầu tạm, mất an toàn…

Với địa hình nằm dọc bờ kênh Đu nên hầu hết các hoạt động giao thương, lao động sản xuất của người dân xã Phủ Lý đều phải đi qua những cây cầu tạm được bắc qua bờ kênh Đu. Cũng chính vì thế, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều người bị nạn khi đi qua những cây cầu tạm này. Một số người dân địa phương cho biết, họ đã chứng kiến rất nhiều người bị nạn khi qua cầu, đặc biệt là 3 cây cầu thuộc 3 xóm: Đồng Rôm, Khe Ván và Đồng Cháy. Chị Bùi Thị Huệ, xóm Nam Mọn, một trong những nạn nhân bị ngã khi qua cầu tạm xóm Đồng Cháy cho biết: Tháng 9-2013, trên đường về nhà bố mẹ đẻ tại xóm Đồng Cháy, khi qua cầu cả xe và người đều rơi xuống cầu. Cũng may thanh niên trong xóm nhìn thấy và xuống cứu kịp thời tôi nên tôi không bị thương tích…

 

Ông Phạm Văn Lương, Trưởng xóm Đồng Cháy cho biết: Cây cầu tạm xóm Đồng Cháy là nơi nhiều người bị ngã nhất cầu là nơi đi lại của người dân 3 xóm: Đồng Chợ, Đồng Cháy (Phủ Lý) và xóm Khe Thương (Yên Đổ) với trung bình khoảng trên dưới 300 lượt người qua lại trong một ngày. Do đó, từ trước đến nay, cây cầu này được nhắc đến là “cầu đen”.  Gọi là “cầu tạm” nhưng nó lại là đường đi chính của bà con, do đó, dù đã xảy ra rất nhiều trường hợp rơi xuống cầu làm gẫy tay, gẫy chân nhưng người dân vẫn phải đi qua.

 

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những cây cầu tạm trên địa bàn xã Phủ Lý đều được lắp ghép từ những cây tre, ván gỗ để làm thành một cây cầu với bề rộng mặt cầu chưa đầy 1m, bắc chơi vơi qua dòng kênh Đu với độ cao từ cầu đến mặt nước gần 6m, hai bên cầu đều không có tay vịn, phía dưới dòng kênh là những tảng đá lớn. Ông Phạm Văn Lương cho biết thêm: Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương những đều nhận được câu trả lời đợi kinh phí từ cấp trên. Do đó, để tránh tình trạng cầu gẫy, sập, mỗi năm người dân đã đóng góp tiền, ngày công lao động để sửa cầu 2 đến 3 lần và làm lại cầu một lần vào dịp cuối năm. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao cuốn trôi cả cây cầu, hầu hết trẻ con đều phải nghỉ học cho đến khi dựng lại được cầu.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Chúng tôi đã có nhiều ý kiến lên huyện Phú Lương để xin kinh phí xây cầu mới nhưng do huyện chưa có kinh phí nên người dân vẫn phải đi qua những cây cầu tạm mặc dù nó rất nguy hiểm. Đời sống của nhân dân trong xã còn khó khăn nên việc vận động đóng góp xây dựng cầu chưa thực hiện được. Về phía chính quyền xã, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền bà con nhân dân cần cẩn trọng khi qua cầu và bắt buộc phải đưa đón trẻ nhỏ khi qua những cây cầu này.

 

Câu chuyện về mất an toàn từ những cây cầu tạm đã được nhắc nhiều nhưng nó sẽ còn được nói tới nhiều hơn nữa nếu như việc này chưa được quan tâm, để ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân như hiện nay.