Cầu treo dân sinh mất an toàn: Lời giải không dễ

08:02, 01/03/2014

Với đặc thù là tỉnh trung du miền núi nên tỉnh ta có rất nhiều cầu treo dân sinh. Tuy nhiên, vấn đề khiến người dân lo lắng hiện nay là tình trạng xuống cấp của nhiều cây cầu trong khi việc sửa chữa nâng cấp của các địa phương lại luôn là bài toán khó.

Nhiều cây cầu treo xuống cấp

 

Có mặt tại cầu treo Hà Châu, xã Hà Châu (Phú Bình) ngày 26-2 chúng tôi thấy trên thành cầu nhiều mối hàn đã gỉ sét, lung lay tạm bợ, trên mặt cầu nhiều cây miếng ván đã cũ nát. Mỗi ngày trên chiếc cầu treo “ọp ẹp” này có hàng trăm lượt người qua lại. Ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, cho biết: “Cầu treo Hà Châu bắc qua sông Cầu nối liền hai xã Hà Châu (Phú Bình) và Đồng Tân (Bắc Giang). Cây cầu là nơi đi lại, vận chuyển nông sản chính của trên 800 hộ dân trong xã. Tuy nhiên, do được xây dựng từ năm 1997 nên cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Kinh phí của xã cũng chỉ đủ để mua những cây gỗ nhỏ về để ken vào vào các miếng ván cầu quá mục nên năm 2012 chúng tôi đã có văn bản đề nghị huyện cho sửa chữa nâng cấp lại cầu và thông báo cầu hỏng để bà con chú ý mỗi khi qua cầu”.

 

Dừng lại bên mố cầu đợi đàn trâu đi qua rồi mới đi tiếp bà Đinh Thị Hiếu, xóm Sỏi xã Hà Châu chia sẻ: Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã có ý kiến phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa cầu trong khi nhà tôi có ruộng ở bên sông nên hàng ngày vẫn cứ phải qua đây. Cháu Trần Thị Lâm, xóm Ngói, xã Hà Châu cho biết: Hàng ngày chúng cháu phải đi học qua cầu, nhưng quả thật cháu rất sợ mỗi lần đi qua đây vì cầu rung lắc mạnh lắm.

 

Còn tại huyện Võ Nhai, địa phương có tới 10 cây cầu treo dân sinh thì tình trạng xuống cấp của các cây cầu cũng trong tình trạng báo động. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 cây cầu treo là Thành Tiến, Làng Đèn và Đồng Danh nhưng cả tất cả đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, là hai cây cầu liên xã lưu lượng người và phương tiện qua cầu đông là Thành Tiến và Làng Đèn, mặt cầu nhiều chỗ mục gãy, một số dây cáp treo đã bị đứt trong khi bà con vùng cao có thói quen tất cả mọi thứ cứ đi qua cầu được là đi kể cả máy kéo, xe ngựa… nên nguy cơ mất an toàn là rất cao”.


Lực bất tòng tâm

 

Theo phân cấp quản lý, toàn bộ cầu treo dân sinh đều do các huyện tự quản lý sử dụng. Do vậy, khi cầu treo xuống cấp các địa phương cũng đã tổ chức sửa chữa lại nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp thì việc sửa chữa cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch xã Tràng Xá phần trần: Năm 2012 khi thấy cầu xuống cấp mạnh chúng tôi đã có văn bản đề nghị huyện cấp kinh phí sửa cầu. Năm 2013 huyện đã thẩm định và cấp trên 10 triệu để sửa cầu Thành Tiến và trên 30 triệu sửa cầu Làng Đèn; còn với cầu Đồng Danh thì đến nay vẫn chưa có kinh phí để tu sửa. Nhưng quả thật với số tiền đó chúng tôi cũng chỉ thay được ván mặt cầu còn các hệ thống khác như cáp treo, dầm dọc, dầm ngang thì phải mất hàng tỷ đồng nên… phải đợi tỉnh đầu tư”.

 

Tại huyện Định Hóa địa phương có 10 cầu treo dân sinh thì kinh phí bảo dưỡng sửa chữa cầu cũng đang là bài toán khó. Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mỗi năm huyện cố gắng cân đối dành khoảng 400 triệu để bảo dưỡng sửa chữa lại cầu treo nhưng cũng chỉ đủ để sơn lại và thay ván mặt cầu còn sửa chữa lớn thì rất khó”. Với huyện Phú Bình thì việc đầu tư sửa chữa cầu Hà Châu lại lại càng khó hơn bởi đây là cây cây cầu liên tỉnh”.

 

Theo đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện: “Từ khi làm cầu  (năm 1997) huyện Phú bình và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã có văn bản phối hợp quản lý, sử dụng cầu và từ đó đến nay 2 địa phương đã thực hiện cải tạo cầu 3 lần vào các năm 2001, 2003 và 2007. Tuy nhiên do ban đầu cầu thiết kế cầu quy mô nhỏ nhưng qua thời gian nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên trong khi việc cả tạo sửa chữa chỉ dừng lại ở phần mặt cầu nên không đảm bảo an toàn. Năm 2012 hai địa phương đã họp cho xây hai mố cầu hai bên để hạn chế phương tiện qua cầu và lập dự toán sửa chữa lớn. Nhưng tại thông báo số 24 ngày 24-11-2013 UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đồng ý sửa chữa cầu với kinh phí dưới 1 tỷ đồng. Do vậy, đến nay hai bên không thống nhất được phương án sửa cầu. Vừa qua huyện đã có công văn đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để huyện cải tạo sửa chữa lại cầu đảm bảo an toàn cho người dân.           

 

Nên xã hội hóa làm cầu

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 cầu treo dân sinh, do UBND các huyện quản lý, sử dụng. Tuy nhiên một số cầu do được xây dựng từ những năm 90 nên đã xuống cấp, trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển qua cầu của người dân lại tăng lên do đó đầu năm 2013 Sở Giao thông - Vận tải đã có thông báo yêu cầu tất cả các huyện thành thị rà soát lại hiện trạng của cầu để có phương án cải tạo, sửa chữa. Ông Đỗ Vũ Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Bắt đầu từ ngày 1-3, Sở sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra thực trạng của tất cả các cầu treo trên địa bàn để có đánh giá cụ thể từng công trình từ báo cáo tỉnh có hướng chỉ đạo giải quyết. Đối với những cây cầu hư hỏng nặng, không an toàn yêu cầu địa phương sửa chữa ngay, nếu kinh phí sửa chữa nâng cấp lớn sẽ trình tỉnh xem xét với quan điểm nội lực địa phương là chính tỉnh chỉ hỗ trợ phần nào”.

 

Trong khi nguồn ngân sách địa phương eo hẹp thì giải pháp xã hội hóa làm cầu theo hình thức BOT có thể xem là lời giải tốt. Bởi qua thực tế 3 cây cầu được làm theo hình thức BOT là: Cầu treo Bến Oánh, cầu treo Đát Ma và cầu treo Đồng Liên thì việc quản lý, duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng cầu được các đơn vị làm rất tốt, hiệu quả và an toàn.