Giao thông nông thôn: Bất an bởi lắm nguy cơ

13:55, 17/04/2014

Nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) và mức độ nghiêm trọng của từng vụ tai nạn có chiều hướng tăng là thực tế đang xảy ra trên các tuyến đường ở khu vực nông thôn (đường huyện, liên xã, xóm). Hạ tầng giao thông, phương tiện và sự chủ quan, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến hậu quả khó lường.

Kỳ I: Mất an toàn vì đâu?

 

Đi bộ cũng… nguy hiểm

 

Không ít người vẫn nghĩ rằng, tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng dẫn đến thương vong thường chỉ xảy ra trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ nên có phần chủ quan khi tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã, xóm. Nhưng thực tế, đã có không ít tai nạn xảy ra trên các tuyến giao thông nông thôn (GTNT) để lại hậu quả nghiêm trọng.

 

Nhiều người dân Tổ dân phố số 27, thị trấn Chùa Hang nơi có trục đường liên xã Đồng Hỷ (từ ngã ba Núi Voi) - Cao Ngạn chạy qua còn nhớ rất rõ vụ tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Quy Lưu (sinh năm 1963) ngay trước cổng nhà mình. Ông Phan Khắc Lợi, Tổ trưởng tổ dân phố 27 và bà Đào Thị Nguyên vợ nạn nhân kể lại: Lúc đó là khoảng 18 giờ ngày 17-1-2014, khi ông Lưu đi bộ qua đường từ phía bên kia đến mép đường phía nhà mình thì bị một chiếc xe máy (mang biển kiểm soát 20L5-9753, do Trần Anh Quang, trú tại tổ 8, thị trấn Chùa Hang) điều khiển chạy với tốc độ rất nhanh lao tới đâm vào người. Cú đâm quá mạnh khiến nạn nhân bị hất lên không trung rồi rơi xuống, bất tỉnh. Ông Lưu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ nhưng do bị vỡ xương sọ, chấn thương sọ não và gãy chân phải nên đã tử vong.

 

Trước đó vào ngày 13-6-2013, tại xóm Tân Lập (xã Minh Lập) trên đường liên xã Hóa Thượng - Minh Lập cũng đã xảy ra vụ đâm va giữa 2 xe mô tô khiến 1 người chết và 1 người bị thương.
Còn tại huyện Đại Từ, theo thống kê của Đội Cảnh sát Giao thông (Công an huyện) thì riêng năm 2013, toàn huyện có 6 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn, làm 4 người chết, 6 người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h ngày 2-9-2013 là một điển hình. Lúc đó, anh Trần Văn Tình (sinh năm 1980, trú tại xóm Bãi Chè, xã Khôi Kỳ) đang điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 20A-00150 đi từ hướng Khôi Kỳ về Mỹ Yên, đến khu vực xóm Đồng Cà, xã Khôi Kỳ thì bất ngờ va chạm với xe mô tô mang biển kiểm soát 20M6-7133 đi ngược chiều do Phạm Văn Tú (sinh năm 1993, trú tại xóm Thắng Lợi, xã Yên Lãng) điều khiển, phía sau chở Vi Tùng Lâm (sinh năm 1991, trú tại xóm Đồng Cà, xã Khôi Kỳ). Vụ tai nạn khiến hai thanh niên đi xe máy bị thương và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tú do bị thương quá nặng nên đã tử vong vào chiều ngày hôm sau.

 

Trên đây chỉ là một vài minh chứng cho hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường GTNT của toàn tỉnh thời gian gần đây. Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh thì hằng năm, tỷ lệ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn chiếm khoảng 10% tổng số vụ TNGT. Tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 165 vụ TNGT trên địa bàn nông thôn, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Còn theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT trên địa bàn nông thôn trong cả nước chiếm tới 29,3% tổng số vụ và đang có chiều hướng gia tăng.

 

Gặp nạn bởi nhiều nguyên nhân

 

Đi trên nhiều tuyến đường liên xã, xóm, chúng tôi nhận thấy, hạ tầng GTNT tại các địa phương đã được nâng cấp, cải tại đáng kể. Nhiều tuyến đường đã được làm mới, mở rộng hơn. Đặc biệt, từ khi tỉnh ta thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện để chủ động xử lý các tình huống, tránh tai nạn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường được lắp đặt rất hạn chế.Ví dụ như: tuyến Quang Sơn - Phú Đô, Hóa Thượng - Hòa Bình (Đồng Hỷ); La Hiên - Vũ Chấn, Tràng Xá - Phương Giao (Võ Nhai); Phú Lương - Bộc Nhiêu (Định Hóa); các tuyến đường liên xã của huyện Đại Từ... Phần lớn các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường này là mô tô, xe máy. Thế nhưng, rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ rất nhanh. Những lúc vào cua, dù đã giảm tốc độ, bấm còi nhưng chúng tôi không khỏi giật mình trước những pha lấn đường “cắt cua” của những xe khác chạy ngược chiều, thậm chí là cùng chiều với tốc độ cao. Có chiếc xe máy nhìn bề ngoài đã rất cũ nát nhưng vẫn cố chạy bạt mạng. Những lúc ấy, nếu gặp vật cản hay tình huống bất ngờ, người tham gia giao thông khó tránh khỏi tai nạn.

 

Nói về điều này, Thượng úy Chu Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Đại Từ) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên địa bàn nông thôn chủ yếu vẫn là do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như: đi không đúng phần đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng đột ngột, chạy nhanh, tránh, vượt sai quy định... Cùng với đó, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia vẫn xảy ra.

 

Ông Trương Việt Hùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết thêm: Bên cạnh những nguyên nhân trên, đối với các vùng nông thôn, trình độ nhận thức của người dân còn thấp, chủ quan không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy. Ngoài ra, chất lượng phương tiện tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, không đảm bảo an toàn, người dân lại ít chú ý đến vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng... Họ thấy đường được nâng cấp, đi lại dễ dàng nên thường điều khiển phương tiện với tốc độ nhanh, khi gặp tình huống bất ngờ thì không kịp xử lý, dẫn đến tai nạn.

 

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh năm 2012, toàn tỉnh có 57 điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT thì có tới 44 vị trí nằm trên các tuyến đường GTNT. Có thể kể đến những vị trí như: tại km2+600 tuyến Tân Linh - Phú Lạc (đường cong rẽ phải hẹp, có nhà dân sát đường làm khuất tầm nhìn, đã xảy 10 vụ va chạm giao thông, trong đó có 3 vụ nghiêm trọng); tại km4+400 tuyến Đại Từ - Mỹ Yên (khúc cua hẹp, có độ dốc lớn lại khuất tầm nhìn phía ta luy dương, đã từng xảy ra 8 vụ va chạm giao thông, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng - Đại Từ); tại km2+200 tuyến đường Kha Sơn - Lương Phú, ngã ba xóm Ngói đi Trường Tiểu học Hà Châu (huyện Phú Bình); ngã ba giao nhau giữa đường Thanh Niên với đường Chùa Hang - Núi Voi (Đồng Hỷ)...

 

Những hạn chế, bất cập nêu trên do hệ thống GTNT chưa được hoàn thiện cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo ATGT, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Giảm thiểu, kiềm chế TNGT tại các vùng nông thôn cần có giải pháp đồng bộ và thực tế đã làm được đến đâu, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở phần sau của bài viết này.

 

Mạng lưới GTNT nối tiếp với hệ thống Quốc lộ, đường tỉnh nhằm đảm bảo các phương tiện cơ giới loại trung, nhẹ và thô sơ qua lại, phục vụ sản xuất và phục vụ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của các làng, xã, thôn, xóm. Đường GTNT là đường cấp huyện trở xuống, bao gồm đường huyện, đường liên xã, đường trục xã, đường liên thôn, đường trong thôn xóm, đường nội đồng và đường hẻm ở các khu dân cư trong đô thị.