Giao thông nông thôn: Bất an bởi lắm nguy cơ (Kỳ II)

16:52, 18/04/2014

Như chúng tôi đã đề cập, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) luôn có nguy cơ tiềm ẩn và đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để giảm thiểu, kiềm chế TNGT ở khu vực nông thôn không thể giải quyết một sớm, một chiều mà phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt. 

Kỳ II: Còn nhiều điều đáng bàn

 

Nhiều điểm đen tồn tại, những cái bẫy vô hình

 

Những năm qua, hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là sau 3 năm Thái Nguyên thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng trăm kilômét đường liên xã, liên xóm đã được trải nhựa, bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Ưu điểm là thế nhưng cũng vì vậy mà bộc lộ những mặt hạn chế: số đường nhánh, ngõ xuất hiện ngày càng nhiều tạo thành những vị trí giao nhau đầy nguy hiểm. Bởi các tuyến đường này tầm nhìn thường bị che khuất trong khi các phương tiện tham gia giao thông chạy với tốc độ cao, khi gặp tình huống bất ngờ thì không kịp xử lý.

 

Mặt khác, phần lớn các điểm đen giao thông trên địa bàn tỉnh đều nằm trên các tuyến GTNT (44/57, thống kê năm 2012), nhưng đến thời điểm này, mới có 5/44 điểm đen được xử lý. Có rất nhiều vị trí đã được xác định từ năm 2009 mà đến nay vẫn chưa được xử lý. Cụ thể như: vị trí Km0+200 đường Đu - Yên Lạc (Phú Lương), Kkm1+800 đường Tân Dương - Phượng Tiến (Định Hoá), Km2+660 đường Tân Linh - Phú Lạc (Đại Từ)...  Nguyên do của hạn chế này vẫn là kinh phí đầu tư cải tạo.

 

Bên cạnh đó, đường GTNT vẫn chưa được hoàn thiện để nâng cao độ an toàn cho người tham gia giao thông, cũng từ đây vô tình tạo thành điểm đen. Ví dụ như tuyến Tràng Xá - Phương Giao của huyện Võ Nhai. Ngay trong kilômét đầu tiên người điều khiển phương tiện giao thông liên tục gặp các khúc cua, bán kính nhỏ, độ dốc lớn, tầm nhìn bị che khuất nhưng lại không có biển báo bên đường. Trên tuyến đường này xuất hiện tới 5 điểm đen giao thông, trong đó, tại vị trí Km4+700 (đỉnh Đèo Đá) đã từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Hay như tuyến đường chính của xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) từ xóm Phúc Thuần - chân đập hồ Núi Cốc đến xóm Đồng Nội dài hơn 5km hầu như không có lề đường, biển báo và cũng chẳng có rào chắn trong khi liền sát mép đường là bờ kênh dốc tuột xuống như bờ vực. Nhiều đoạn dốc, có địa hình khúc khuỷu, uốn lượn chỉ cần một chút sơ xảy người tham gia giao thông có thể gặp nạn bất cứ lúc nào.

 

Một vấn đề đáng bàn nữa là sự kết nối giữa một số tuyến đường GTNT với Quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý. Đoạn nối từ đường tránh Quốc lộ 1B với đường liên xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) - thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) là một ví dụ. Tại vị trí đấu nối thuộc địa phận xóm Thành Công, xã Cao Ngạn, mặt đường lồi lõm tạo thành ổ trâu, ổ voi trơ đá, lúc mưa nước đọng thành vũng, trong khi chỗ rẽ nằm trên mặt cống thoát nước không được mở rộng khiến người điều khiển phương tiện giao thông gặp khó, nhất là đối với những người không quen địa hình.

 

Làm nhiều, chuyển biến ít

 

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng là công việc thường xuyên, có kế hoạch của các cấp, ngành có liên quan. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp này nhưng để tác động, làm chuyển biến trong nhận thức của người dân không dễ.

 

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Đại Từ đặc biệt chú trọng đến công tác này và thực hiện bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị của xã, thị trấn, trường học kết hợp với những hình ảnh, clip do Đội Cảnh sát giao thông tự sưu tầm, thực hiện. Đặc biệt, năm 2014, đơn vị đã tự thiết kế hệ thống phát thanh trong xe mô tô chuyên dụng để tuyên truyền đến tận những xóm bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Công an huyện đã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường GTNT, phát huy vai trò của lực lượng Công an xã.

 

Đặc biệt, năm 2013, Công an huyện đã tham mưu, chỉ đạo mỗi xã thành lập một đội tuần tra, kiểm soát giao thông (có quyết định của Chủ tịch UBND xã) và tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này. Những nỗ lực trên đã cho những kết quả bước đầu. Nếu như năm 2013, huyện Đại Từ xảy ra tới 32 vụ TNGT đường bộ làm chết 17 người, 32 người bị thương (trong đó, có 4 vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn nông thôn làm chết 4 người) thì từ đầu năm 2014 đến thời điểm này, toàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ TNGT đường bộ, xảy ra trên tỉnh lộ (giảm 7 vụ, 2 người chết, 14 người bị thương so với cùng kỳ năm 2013).

 

Tuy nhiên, trong quý I năm nay, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý 875 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 347 triệu đồng. Trong đó, lực lượng Công an các xã, thị trấn xử lý 521 trường hợp. Các lỗi mà người tham gia giao thông thường mắc là: đi không đúng phần đường,  chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe...

 

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm 2013, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý gần 55.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT (năm 2012 là trên 70.000 trường hợp vi phạm). Tổng số bị phát hiện vi phạm có giảm nhưng điều đáng nói là số người bị xử phạt lỗi do không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy lại tăng cao, nếu năm 2012 có 5.846 trường hợp thì năm 2013 con số này lên tới 8.738 trường hợp.

 

Ý thức vẫn là yếu tố hàng đầu

 

Nguyên nhân của những vụ TNGT vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn thấp. Đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn, giải pháp hàng đầu và lâu dài vẫn là tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Nhưng để thực hiện có hiệu quả công tác này thì cần có những giải pháp cụ thể.

 

Thượng tá Triệu Bình Lực, Phó trưởng Công an huyện Đại Từ, Phó ban ATGT huyện chia sẻ: Để đẩy lùi, kiềm chế tai nạn và đảm bảo trật tự ATGT thì công tác tuyên truyền - nâng cao ý thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Tuyên truyền, làm cho họ chuyển biến từ trong nhận thức, cần thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đến tận các xóm vùng sâu, xa và hiệu quả nhất vẫn là người dân tự “nhắc nhở” lẫn nhau. Bởi vậy, đối với huyện Đại Từ, ngoài việc tiếp tục triển khai các biện pháp đã có, tới đây, theo chỉ đạo của huyện, mỗi xã sẽ thành lập 1 tổ tuyên truyền về ATGT. Thành phần của tổ gồm có trưởng công an xã, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch Hội LHPN xã, được tập huấn, trang bị tài liệu về ATGT để hoạt động tại các xóm.

 

Còn theo Trung tá Hoàng Đức Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đồng Hỷ, nếu thực hiện tốt Thông tư số 38/2010/TT-BCA Quy định về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đến nơi cư trú, học tập, công tác thì sẽ tác động và nâng cao được nhận thức về ATGT cho người tham gia giao thông. Bởi hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị lấy đây là một trong những tiêu chí để bình xét các danh hiệu thi đua của cá nhân, gia đình, tập thể. 

 

Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật ATGT, cần nhân rộng, phát huy vai trò những mô hình, câu lạc bộ (CLB) về ATGT hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể... Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 3 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 100 cuộc tuyên truyền cho trên 15 nghìn lượt người tham gia; cấp phát trên 10 nghìn tờ gấp, hàng nghìn cuốn sổ tay hỏi - đáp pháp luật về ATGT đến từng gia đình, cơ sở; xây dựng được 270 CLB, mô hình tham gia giữ gìn, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều tên gọi khác nhau như: CLB phụ nữ với ATGT, Chi hội phụ nữ tự quản về ATGT, Gia đình phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật về ATGT… thu hút hàng nghìn hội viên tham gia.

 

Điều thuận lợi hơn là, Ban ATGT tỉnh vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn dựa trên Kế hoạch số 33/KH-UBATGTQG ngày 27-02-2014 của Ủy ban ATGT Quốc gia về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn”. Kế hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, hoàn thiện hạ tầng GTNT, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an huyện, công an xã...  Như vậy,  có thể nói, vấn đề GTNT chưa bao giờ được quan tâm, chú trọng như hiện nay. Đây là cơ sở để hy vọng rằng, TNGT trên địa bàn nông thôn sẽ được kiềm chế, đẩy lùi trong thời gian tới.