Hàng không Việt được lợi hàng chục triệu USD

09:46, 18/04/2014

Hôm nay (18/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. Gia nhập Cape Town, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để phát triển khi được hưởng nhiều ưu đãi từ các quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng quốc tế...

Cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi

 

Ngành Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại là rất lớn. Theo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng sản lượng vận tải của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự tính đến năm 2030 là 132 triệu khách và 125.000 triệu hành khách/km; 3,2 triệu tấn và 3.400 triệu tấn/km hàng hóa. Để đáp ứng được sản lượng vận tải kể trên, đội tàu bay của Vietnam Airlines đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 140-150 tàu bay, trong đó 50% là tàu bay sở hữu.

 

Cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng dự kiến phát triển đội tàu bay lên 30 chiếc cho đến năm 2020 và sẽ mua 93 tàu bay cho giai đoạn đến 2030 theo hợp đồng nguyên tắc đã ký với Airbus.

 

Jetstar Pacific cũng lên kế hoạch xây dựng đội tàu bay đến năm 2016 là 15 chiếc. Vì vậy, nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các hãng hàng không là rất cấp bách.

 

Phía các quốc gia có nhà sản xuất tàu bay (Boeing, Airbus), do muốn tăng sản lượng bán tàu bay nên đã dành rất nhiều ưu đãi cho các hãng hàng không mua sắm tàu bay thông qua tín dụng xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với các nguồn vay ưu đãi, cần có những bảo đảm bằng cơ chế pháp lý quốc tế. Cụ thể việc tham gia công ước Cape Town được coi là điều kiện tiên quyết cho hãng hàng không của quốc gia đó được tiếp cận các nguồn vay ưu đãi.

 

Tiết kiệm hàng chục triệu USD

 

Thống kê cho thấy, vốn vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài chiếm 85% tổng số vốn đầu tư để mua tàu bay.

 

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, do Việt Nam chưa gia nhập Cape Town nên đến nay, các hãng hàng không của Việt Nam khi thu xếp các nguồn vay tín dụng cho những dự án mua tàu bay, động cơ tàu bay phải chịu thủ tục phức tạp, lãi suất cao, không được hưởng các ưu đãi từ các hãng sản xuất tàu bay, quốc gia sản xuất tàu bay. Cụ thể là không được giảm giá trực tiếp từ các hãng sản xuất tàu bay như: Boeing, Airbus cũng như không được các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xuất khẩu giảm đặt cọc, tăng chiết khấu, cho hưởng lãi suất tín dụng xuất khẩu, giảm tối đa 10% chi phí bảo hiểm thân tàu bay, giảm chi phí đi vay...

 

Tính toán cho thấy, ngay khi gia nhập Cape Town, Vietnam Airlines có thể tiết kiệm được vài chục triệu USD do được giảm 0,61 triệu USD/ tàu bay đối với dự án mua 10 tàu bay A321 giai đoạn 2013-2015; giảm giá 1 triệu USD/tàu bay khi thực hiện hợp đồng mua 26 tàu bay Boeing 787 và A350 đã ký. Tổng chi phí của các hợp đồng trên giảm 32,1 triệu USD; nhận lại khoản đặt cọc 24 triệu USD từ Ex-Im Bank đối với dự án mua 4 tàu bay Boeing 777...

 

Không chỉ có Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, mà VietJet Air  cũng được hưởng các lợi ích từ việc Việt Nam gia nhập Công ước. Cụ thể, VietJet Air sẽ có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc phát triển đội tàu bay sở hữu với chi phí tiết kiệm khoảng hơn 56 triệu USD từ Hợp đồng nguyên tắc đã ký với Airbus.

 

“Việc dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, giảm chi phí mua sắm tàu bay của các hãng hàng không khi Việt Nam gia nhập Công ước sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam tăng năng lực khai thác, thu hút thêm các nhà đầu tư vào thị trường kinh doanh vận tải hàng không, từ đó tăng tính cạnh tranh của thị trường, có lợi cho người tiêu dùng” - ông Thanh khẳng định.

 

Cape Town là công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town, Nam Phi vào năm 2001. Nhiều quốc gia trong khu vực hiện đã là thành viên của Công ước như: Ấn Độ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanma, Singapore… Các thị trường lớn về hàng không dân dụng như Liên minh châu Âu và thị trường Bắc Mỹ đều là thành viên của Công ước.

 

Công ước tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, Công ước xác lập một cơ chế pháp luật vững chắc, thống nhất ở phạm vi quốc tế để bảo vệ các lợi ích được bảo đảm, bảo lưu quyền sở hữu; công nhận, bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng, cho thuê và giảm các chi phí liên quan trong quá trình tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.