Mũ bảo hiểm rởm rầm rộ tái xuất

10:38, 29/04/2014

Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) rởm, nhưng loại mũ này vẫn được bày bán công khai và được nhiều người dân tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM sử dụng.  

MBH không đạt chuẩn tràn lan

 

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại địa bàn Hà Nội cho thấy, những chiếc MBH chỉ có một lớp nhựa và một lớp vải được bày bán công khai tại nhiều tuyến phố như: Phạm Hùng, Đường Bưởi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương… Thậm chí, ngay tại nội đô như: Phố Gầm Cầu khách hàng có thể thoải mái lựa chọn để có một chiếc MBH nhẹ, thời trang, mầu sắc bắt mắt, mẫu mã đẹp… giá chỉ 50 -70.000 đồng.

 

Chị Nguyễn Hồng Nhung ngụ tại làng Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ không ngần ngại mua liền hai chiếc để tiện cho việc thay đổi. Chị cho biết, trước có nghe thông tin đội MBH không đạt chuẩn sẽ bị phạt, nhưng giờ đi ngoài đường thấy nhiều người đội mũ này không bị phạt nên mua.

 

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trên các tuyến đường lớn như: Lý Thường Kiệt, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh… nhan nhản các điểm bán MBH thời trang giá “bèo”. Tại các quận nội thành chỉ cần một khoảng trống trên vỉa hè là người dân tha hồ bày biện các loại MBH với đủ màu sắc. Đi xa hơn, trên các tuyến đường dẫn ra ngoại thành như: Trường Chinh, QL1, xa lộ Hà Nội… chỉ cần một cây gỗ làm giá đỡ, nhiều người bày biện đủ loại MBH không rõ nguồn gốc. Thậm chí có người còn làm giá gắn trên xe máy bán rong khắp nơi. Hầu hết các loại MBH ở đây được bán với giá từ 30.000 - 45.000 đồng/chiếc với mẫu mã, màu sắc đa dạng và thời trang. Chỉ cần cầm lên tay là người bình thường cũng có thể đánh giá được chất lượng của những chiếc MBH.

 

Chị Lành, một người bán MBH trên đường Nguyễn Trãi (Q 5, TP HCM) chia sẻ: Có cầu thì có cung, những MBH này dù biết không đạt chất lượng, nhưng có khi người ta chỉ cần mua đội đi dọc đường tránh bị công an bắt chứ không phải sử dụng lâu dài. Trong khi đó cô Loan, bán cơm ở QL1 (Q Thủ Đức), cho biết, do nhà ở mặt tiền, tiện buôn bán nên lấy thêm mấy cái MBH về treo lên, ai có nhu cầu thì bán. Nguồn gốc xuất xứ của các loại MBH thì cô Loan cũng không hề biết mà chỉ lấy qua mấy người đưa hàng tới bán.

 

MBH rởm được bày bán nhưng vẫn treo biển là MBH chính hãng (Chụp trên đường Phạm Hùng, Hà Nội).

 

70% cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đảm bảo

 

Chiều 24/4, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trị cuộc họp với đại diện các bộ, ngành và Ban ATGT Hà Nội về việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Nghị định 171/CP có quy định xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH hoặc đội mũ không đạt chuẩn từ 1/1/2014 sẽ bị xử phạt từ 100 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt thời gian vừa qua còn rất hạn chế, nhất là tại các thành phố, thị xã. “Để tạo điều kiện cho lực lượng CSGT tiến hành xử lý, các cơ quan chức năng cần quy định rõ kiểu dáng, mẫu mã, tem phân biệt hàng thật và hàng giả. Đồng thời, để giải quyết tận gốc MBH không đạt chuẩn các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất và lưu thông mặt hàng này” - Đại tá Tuấn nói.

 

Ông Vũ Đại Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm - Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất mũ, hoặc sản xuất mũ cầm chừng vì MBH giả, kém chất lượng bầy bán tràn lan, không thể cạnh tranh được. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các cơ sở sản xuất nhỏ tại Hải Dương chỉ thực hiện việc gia công hoàn thiện còn các chi tiết như vỏ nhựa, vải được mua tại Hưng Yên, nhiều chi tiết khác được ra công tại các xưởng cơ khí.

 

Chia sẻ điều này ông Trần Hùng - Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương cho biết, sau đợt triển khai kiểm tra việc kinh doanh, sản xuất MBH của Uỷ ban ATGT Quốc gia theo Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2013 cho thấy, 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong số đó, đa phần là MBH không đạt chuẩn. Cá biệt tại doanh nghiệp Duyên Lành (TP HCM) đoàn liên ngành phát hiện đang sản xuất và lắp ráp 7.000 chiếc MBH không đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng đến nay doanh nghiệp này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không bị khởi tố hình sự.

 

Theo ông Hùng, chính sự vào cuộc không quyết liệt và buông lỏng của các cơ quan quản lý nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới dùng chiêu đối phó đưa MBH dỏm, kém chất lượng ra  thị trường.

 

Còn Đại tá Trần Đức Vĩnh, Phó cục Trưởng Cục CSKT (C46) Bộ Công an cho rằng, phải kiểm tra, giám sát thường xuyên các nhà sản xuất. Khi có “thông tin thì các anh hãy thông báo cho tôi” để phối hợp giải quyết. Đồng thời phải mời được lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan tham gia để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái từ các cửa khẩu.

 

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:

                                    Từ 25/5 đến 5/6 cưỡng chế vi phạm kinh doanh MBH

 

Tôi yêu cầu Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp chặt chẽ cùng Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền về cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy để người dân biết, nhà sản xuất và kinh doanh biết. Từ ngày 25/5 cho đến 5/6 sẽ tiến hành cưỡng chế vi phạm.

 

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia:

                                                                         Hà Nội sẽ làm điểm kiểm tra, xử lý MHB rởm

 

Trong tháng 5, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ chọn Hà Nội là địa phương triển khai thực hiện cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm về sản xuất và kinh doanh và sử dụng MBH không đạt chuẩn cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Các tổ liên ngành gồm công an, quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ sẽ được thành lập và huy động cả các tổ 141 vào triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tham gia giao thông không đội MBH, hoặc đội mũ không đạt chuẩn.

 

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương):

                                                                                   Đề nghị không thu phí khi kiểm định MBH

 

Chúng tôi vẫn tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm bán MBH giả, MBH thời trang. Tuy nhiên, có tình trạng các điểm bày bán ở vỉa hè áp dụng chiêu thức rất tinh vi là treo biển “không phải MBH” nên không thể xử lý triệt để được. Theo tôi, để xử lý tận gốc loại MBH rởm này, Bộ KH&CN, Bộ Công an cần vào cuộc mạnh hơn nữa, quy định cụ thể doanh nghiệp phải có tiêu chí nào thì mới được phép sản xuất MBH. Lực lượng CSGT cũng cần xử lý mạnh tay những người đội loại MBH này. Theo quy định khi nghi ngờ một loại MBH giả, không đạt chất lượng thì phải đem đi kiểm định mới đủ cơ sở xử lý. Nhưng để làm việc này phải có kinh phí và thời gian. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị việc kiểm định này không nên mất phí, hoặc nguồn kinh phí được lấy ở đâu cũng cần được rõ ràng.