Quản lý theo Hợp đồng BOT – Cầu treo luôn bảo đảm an toàn

09:48, 26/04/2014

Hiện nay, hệ thống cầu treo của tỉnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi trên địa bàn có tới 14 cầu đang khai thác trong tình trạng nguy hiểm, 8 cầu bắt đầu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hằng năm, có tới 90% số cầu treo không được duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, với những cầu treo được quản lý theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì việc duy tu, bão dưỡng được thực hiện tốt, bảo đảm an toàn cho việc đi, lại của người dân.

Hộp số liệu: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 cầu treo, trong đó có 48 cầu treo dân sinh thuộc các tuyến đường huyện, đường xã và 1 cầu treo trong Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Số lượng các cầu treo tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Đại Từ: 12 cầu, Định Hóa: 10 cầu, Võ Nhai: 9 cầu. Trong đó có 45 cầu thuộc sự quản lý của địa phương theo quyết định phân cấp quản lý của tỉnh; 3 cầu treo quản lý theo hợp đồng BOT.

 

Khoảng 10 năm trước, cầu treo Oánh bắc qua sông Cầu, nối từ địa phận Tổ dân cư số 3 phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) sang xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) được hoàn thành. Chị Lê Thị Nga, một người dân ở xóm Bến Đò chia sẻ: Linh Sơn là một trong những “vựa” rau xanh lớn của tỉnh. Trước đây, phải đi qua cầu phao nên việc vận chuyển rau xanh từ Linh Sơn sang chợ Túc Duyên - chợ đầu mối lớn nhất tỉnh tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, những hôm nước sông dâng cao, chúng tôi không dám mang rau đi bán.

 

Việc đi, lại của người dân qua khu vực này cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều người khi đi qua cầu phao Oánh đã bị ngã xuống sông. Có người may mắn được cứu sống nhưng cũng có trường hợp không được phát hiện không kịp thời nên đã mất mạng. Từ ngày có chiếc cầu treo chắc chắn nối đôi bờ sông Cầu, hàng nông sản của người dân Linh Sơn sản xuất ra không còn lo bị “ế”. Bà con nơi đây đi lại rất thuận lợi bằng các phương tiện cơ giới… Điều đáng nói là trước đây, nhiều cháu là con em của xã đã tốt nghiệp cấp 2 nhưng không học lên cấp 3 vì đi từ đây tới Trường THPT Đồng Hỷ khá xa, gần 10 cây số. Từ khi có cầu treo, đi, lại an toàn, các trường THPT của T.P Thái Nguyên gần hơn so với trường cấp 3 của huyện nên nhiều cháu đã có điều kiện học lên cấp  3, đại học…

 

Cầu treo Oánh dài 169m, rộng 2,7m, kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 5 tỷ đồng (vào thời điểm cách đây 10 năm). Ông Nguyễn Thanh Kiều, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II, đơn vị đầu tư xây dựng cây cầu này cho hay: Đây là cầu treo dây võng, có tải trọng 2,5 tấn. Trung bình mỗi ngày cầu phục vụ nhu cầu đi, lại cho khoảng 1.000 lượt người dân. Với số lượng người đi lại đông như vậy nên chúng tôi luôn quan tâm duy tu, bảo dưỡng để bảo đảm công trình được khai thác, sử dụng một cách an toàn.

 

Hiện nay, câu treo Oánh đang được Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II quản lý theo hợp đồng BOT. Đây là hình thức hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang có 2 cầu treo khác cũng được quản lý theo hình thức này là cầu Đát Ma, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) cũng do Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II quản lý và cầu treo Đồng Liên (Phú Bình) do Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên quản lý.

 

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải nhận định: Cầu treo thuộc các tuyến đường xã, việc duy tu, bảo dưỡng trực tiếp do cấp xã quản lý. Do đó, việc bố trí kinh phí cho duy tu, sửa chữa cầu thường xuyên là rất khó khăn, thậm chí là không có. Một số cầu được UBND cấp huyện cho phép các xã tổ chức đấu thầu thu phí và tự tổ chức kiểm tra sửa chữa những hư hỏng nhỏ (thay mặt cầu, dọn dẹp vệ sinh), khi xảy ra hư hỏng lớn mới báo cáo UBND cấp huyện để bố trí kinh phí sửa chữa lớn. Nhưng trên thực tế, các địa phương chỉ kiểm tra, nắm tình hình bằng cách quan sát trực tiếp nên cũng chỉ phát hiện những hư hỏng và đưa ra được biện pháp sửa chữa cho mặt cầu, sơn chống rỉ các kết cấu bằng thép. Việc đánh giá lại tải trọng khai thác, chất lượng các kết cấu chủ như dây cáp, tăng đơ, mố neo, cổng cầu… chưa thực hiện được. Do đó việc phát hiện trước những nguy cơ gây mất an toàn giao thông xuất phát từ những kết cấu chủ là rất khó khăn. Duy chỉ những cây cầu treo quản lý theo hợp đồng BOT là được các đơn vị quản lý tiến hành bảo trì tốt; đảm bảo an toàn.

 

Từ thực tế cho thấy, hợp đồng BOT trong nhiều năm gần đây đã được sử dụng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng. Bởi một mặt, việc phát triển cơ sở hạ tầng được coi là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế. Mặt khác, nguồn vốn của Nhà nước chưa thể đáp ứng đủ và càng chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trên bàn tỉnh như hiện nay.