Xử lý xe chở quá tải: Ý kiến của các doanh nghiệp vận tải

09:37, 09/04/2014

Như thông tin chúng tôi đã đưa, từ ngày 1-4-2014, các lực lượng chức năng của tỉnh đã mở đợt cao điểm xử lý phương tiện vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép và tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe trái quy định trên địa bàn tỉnh. Việc siết chặt quản lý vận tải đã có tác động tích cực nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh hư hỏng cầu, đường, song bước đầu cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp vận tải vốn trước nay vẫn quen chở hàng quá tải.

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định

 

Sau 3 ngày tỉnh ta siết chặt quản lý hoạt động vận tải hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, ngày 3-4, chúng tôi có mặt tại Cơ sở gia công thùng bệ ô tô Nam Thăng, xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) để tìm hiểu việc chấp hành quy định xử lý xe hoán cải của các doanh nghiệp vận tải. Tại đây, đang có 3 xe vận tải loại 4 chân (4 trục bánh xe) của hai doanh nghiệp vận tải là Phú Lộc và Hoàng Đạt tiến hành cắt thành xe đã cơi nới thêm trước đây. Chủ cơ sở thùng bệ Nam Thăng, ông Vũ Văn Thăng cho biết: Từ mấy hôm nay, ngày nào cơ sở cũng nhận cắt và gia công lại thùng cho từ 3 đến 4 xe tải trọng lớn. Có hôm xe đến cắt thùng đông quá phải xếp thành hàng dài chờ ngoài cửa. Bình quân mỗi một thùng xe sau khi cắt xong phải tốn khoảng 12 bình ô xi và 3 bình gas. Tổng chi phí sau khi cắt thùng là khoảng 8 triệu đồng/xe.

 

Tại các cơ sở gia công thùng bệ, các xưởng cơ khí chế tạo và nhiều gara ô tô khác trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây thường rất đông các phương tiện đến tháo gỡ phần thành xe đã cơi nới thêm. Có mặt tại Gara ô tô Thành Đạt, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) trong ngày 1-4, chúng tôi thấy một số xe tải đang được xử lý kích cỡ thùng xe. Anh Hà Văn Tiệp, phường Tích Lương, chủ chiếc xe tải mang biển kiểm soát 20C. 02343 đang gia công tại đây cho biết: Trước đây tôi cho nâng thùng xe lên 30cm để chở quá tải, nay tôi cho cắt đi nhằm đảm bảo đúng quy định. Lái xe Lê Quang Long, làm việc cho Doanh nghiệp Xuân Phương, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) cũng cho hay, trước đây, thiết kế xe tải chỉ cho phép chở 5 tấn, đơn vị đã cơi nới thêm thùng để chở được tới 9 tấn. Nay biết nếu chở quá tải hoặc không cắt bỏ thùng xe sẽ bị xử phạt nặng nên chủ doanh nghiệp giao cho tôi đi gia công lại.

 

Được biết, hiện nay lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và lực lượng cảnh sát khác đã lập 5 tổ chốt cơ động, lực lượng liên ngành của tỉnh cũng lập 2 tổ chốt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn để kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm chở quá tải trọng cho phép. Tính đến ngày 8-4, các lực lượng đã tiến hành xử lý hàng trăm trường hợp xe chở quá tải. Theo quan sát của chúng tôi và theo phản ánh của các lực lượng chức năng, hiện tại tỷ lệ các xe chở quá tải trọng cho phép trên địa bàn đã giảm rất nhiều, chỉ còn một vài trường hợp vi phạm nhưng ở mức độ nhẹ.

 

Nhiều kiến nghị, đề xuất

 

Ngay sau khi tỉnh ta thực hiện các biện pháp xử lý xe chở quá tải, 15 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn huyện Phổ Yên và T.X Sông Công đã tổ chức gặp mặt trao đổi và cùng thống nhất thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về vận chuyển hàng hóa. Tại đây, các doanh nghiệp đã cùng nhau phân tích những khó khăn trước mắt, tìm giải pháp tháo gỡ và có những kiến nghị, đề xuất thiết thực.

 

Theo ông Đinh Huy Hồng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Hùng Hồng, trước đây toàn bộ xe vận tải của đơn vị đều cơi nới thùng xe để chở gấp 3 đến 4 lần tải trọng quy định. Nay chở đúng tải thì chắc chắn cước sẽ tăng lên 3 đến 4 lần. Với giá cước cao như vậy, thời điểm này các chủ hàng thường không chấp nhận và đành chịu để hàng tồn kho. Doanh nghiệp vận tải cũng chịu chung cảnh ngộ. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương xử lý xe quá tải của Nhà nước, song cũng mong muốn tất cả các địa phương đều phải triển khai đồng bộ, tránh trường hợp tỉnh này làm chặt, tỉnh khác "lỏng tay".

 

Ông Trần Hải Nam, Giám đốc Công ty CP dịch vụ thương mại Trung Bình (T.X Sông Công) thì kiến nghị: Trong quá trình kiểm tra, xử lý, đề nghị lực lượng chức năng xem xét tính số lượng trọng tải quy định trên đầu mỗi trục xe. Ví dụ, nếu cho phép mỗi trục xe được mang tải trọng là 6 tấn thì tương ứng với mỗi xe (3 trục hay 4 trục) để tính số lượng hàng được vận chuyển sẽ dễ hơn...

 

Những ngày gần đây, chúng tôi cũng đã tiếp cận và trao đổi với một số doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Các doanh nghiệp này đều lộ rõ những trăn trở, băn khoăn và đưa ra những ý kiến nghị liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa.

 

Ông Trương Ngọc Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quang Anh (phường Phú Xá) cho biết: Chúng tôi đang có 25 xe vận tải, trong đó chủ yếu là xe rơ moóc. Doanh nghiệp rất ủng hộ quy định quản lý chặt chẽ về tải trọng của Nhà nước. Tuy nhiên, là người hoạt động vận tải lâu năm tôi đề nghị, với xe tải trọng lớn, mỗi trục xe nên cho phép chở đến 8 tấn. Tôi được biết nhiều tỉnh, thành trong cả nước hiện đang thực hiện như vậy. Ở mức đó là hợp lý bởi sẽ vừa an toàn cho lái xe, vừa đảm bảo các yếu tố về cầu, đường cũng như các chi phí khác.

 

Tại Doanh nghiệp Tư nhân Hữu Thành (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên), đơn vị có tới gần 60 đầu xe vận tải 4 chân, chúng tôi được ông Ngô Tuấn Hùng, Giám đốc Doanh nghiệp thông tin: Hiện toàn bộ xe vận tải của đơn vị đang cho đi tu sửa và nằm chờ tại bãi. Hàng hóa vận tải truyền thống của đơn vị hiện cũng chung cảnh ngộ vì giá cước cũ không còn phù hợp. Ông Hùng cho biết, doanh nghiệp sẽ chấp hành đúng tải trọng theo quy định nhưng cũng mong tất cả các địa phương đều phải làm chặt chẽ như nhau. 

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Thắng Lá (xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên): Chúng tôi mong rằng, nếu đã kiên quyết xử lý xe quá tải thì cần phải duy trì thường xuyên, tránh trường hợp chỉ làm mạnh trong mỗi đợt ra quân cao điểm. Vì như thế sẽ để lại những hệ quả xấu, trong đó người làm vận tải chịu thiệt nhiều nhất.

 

Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Phương Dương (phường Phố Cò, T.X Sông Công): Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc siết chặt quản lý vận tải trên địa bàn, nhưng mong rằng các chốt kiểm tra, xử lý quá tải trong tỉnh cũng phải có sự thống nhất, đồng bộ, tránh trường hợp chốt thì khắc khe, chốt lại "lỏng tay" hoặc khó với đơn vị này, nhưng lại dễ dãi với đơn vị khác.