Đề nghị Thủ tướng cấm tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động, vì sao?

08:54, 07/05/2014

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho dừng hoạt động các tàu cao tốc cánh ngầm tuyến TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu để đảm bảo an toàn, tính mạng cho hàng nghìn hành khách do đội tàu này quá “già nua”, mất ATGT.

“Già nua”, không có khả năng sửa chữa

 

Loại hình vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu  xuất hiện vào năm 1993 và được đánh giá là hình thức vận chuyển thuận tiện nhanh chóng. Các doanh nghiệp đã nhập nhiều tàu đã qua sử dụng tại các nước thuộc Liên Xô cũ, thậm chí là điều tàu đang hoạt động ở các tuyến phía Bắc vào tăng cường năng lực vận tải giữa các hãng tàu.

 

Theo thống kê của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có 22 chiếc tàu khách cánh ngầm đăng ký hoạt động tại tuyến này. Mặc dù giá vé cao hơn nhiều so với đường bộ, nhưng tuyến vận tải đường thủy này vẫn thu hút một lượng lớn hành khách, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, tết nhu cầu đi lại của hành khách càng tăng cao. Mặc dù nhà tàu đã tăng chuyến, tăng tần suất chạy, nhưng tình trạng cháy vé vẫn thường xuyên diễn ra. Bình quân 1 năm đội tàu cánh ngầm vận chuyển được hơn 900 ngàn lượt hành khách với khoảng 6.000 - 6.500 lượt tàu hoạt động, do đó đã giảm tải cho giao thông đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu và ngược lại.

 

Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, các tàu cánh ngầm này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong việc mất ATGT. Gần đây đã có 12 tàu phải ngừng hoạt động do quá cũ, không có khả năng sửa chữa, khôi phục. Tính đến 22/1/2014 (thời điểm đình chỉ hoạt động của tàu cao tốc), chỉ còn 10 tàu đang hoạt động, trong đó có 8 tàu trên 20 tuổi, tàu trẻ nhất cũng 18 tuổi và 1 tàu 19 tuổi. Trong tổng số 10 tàu đang hoạt động này, có tới 9 tàu đã được hoán cải thay máy chính mới.

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc cánh ngầm cho biết, đã phát hiện ra 254 khiếm khuyết ở 8 tàu được kiểm tra (2 tàu đang trên đà sửa chữa). Theo ông Thuấn, các khiếm khuyết này nếu có khắc phục được cũng chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và không đồng bộ do tàu quá cũ, sửa chữa nhiều lần. Đây là nguy cơ lớn đối với trật tự ATGT đường thủy, đặc biệt là các nguy cơ liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy như những khiếm khuyết về hệ thống máy và điện.

 

Phương tiện và cấp sông không đồng bộ

 

Bất cập lớn nhất là trước đây, hầu hết các tàu này được nhập về đều đã qua sử dụng và được thiết kế chạy trên sông. Tuy nhiên, trên thực tế hành trình tại tuyến vận tải (dài 77km) và có tới 22km chạy trên vịnh Gành Rái với thời gian khoảng 20 phút. Ông Phan Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trên tuyến luồng hành trình mà tàu đi qua có mật độ phương tiện vận tải biển, thủy nội địa cao, cộng thêm nhiều phương tiện khai thác thủy sản hoạt động nên rất nguy hiểm. “Hơn nữa, đây là tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa đan xen có nhiều nhánh sông đổ vào tạo ra dòng lưu tốc lớn, biên độ triều chênh lệch gần 2m. Bên cạnh đó trên đoạn vịnh Gành Rái vào thời gian gần tối hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, khi có sự cố khả năng ứng cứu rất khó khăn” - ông Duy nói.

 

Cũng theo ông Duy, tính từ tháng 6/2007 đến hết năm 2013 đã có 38 sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cao tốc cánh ngầm, trong đó có 2 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 2 người và chìm 1 phương tiện nhỏ do va chạm trên sông và có 6 vụ tai nạn xảy ra do thuyền trưởng không làm chủ được tốc độ va chạm với phương tiện khác.

 

Cũng vì những lý do này, ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không ít lần ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN cho phép dừng hoạt động tàu cao tốc cánh ngầm, nhất là loại 1 máy để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách cũng như ngăn chặn những thảm họa có thể xảy ra khi sức chở của loại tàu này từ 75 - hơn 120 hành khách.

 

Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt Nghị định quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách để nâng cao điều kiện an toàn cho hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc. Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ GTVT xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm.