Siết chặt quản lý vận tải hành khách

14:00, 22/05/2014

Hiện nay, tại Thái Nguyên có 105 doanh nghiệp vận tải trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động với gần 700 đầu xe chạy 160 tuyến đi hầu khắp các tỉnh trong cả nước. Với việc triển khai nhiều giải pháp trong công tác tổ chức, quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm… hoạt động vận tải hành khách tại Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

 

Thực hiện chủ đề năm 2014 là siết chặt quản lý hoạt động vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp để thực hiện trong toàn ngành: Bến xe khách Thái Nguyên phối hợp với Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra các điều kiện hoạt động vận tải của các xe trước khi xuất bến; thực hiện chặt chẽ biểu đồ chạy xe và niêm yết công khai giá, lịch trình chạy xe ngay tại Bến. Các trung tâm đăng kiểm thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm định  phương tiện. Cùng với đó, Sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động vận tải tại các đơn vị;  phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe cho lái xe tại các doanh nghiệp vận tải. Kết quả đến đầu tháng 5/2014, Thái Nguyên đã hoàn tất việc kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ 1.302 lái xe kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ trên địa bàn...

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở GTVT) cho biết: “Để siết chặt công tác quản lý vận tải khách, Phòng đã thành lập riêng một bộ phận chuyên theo dõi trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đã lắp trên các phương tiện vận tải để theo dõi việc chấp hành về: lịch trình chạy xe, tốc độ chạy xe, thời gian làm việc của lái xe… khi phát hiện vi phạm sẽ cảnh báo, nhắc nhở đơn vị bằng văn bản, nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Năm 2013, chúng tôi đã tiến hành thu hồi phù hiệu của 3 phương tiện vận tải khách do vi phạm tốc độ xe quy định”.

 

Có mặt cùng Đoàn thanh tra của Sở GTVT kiểm tra về hoạt động vận tải tại Công ty CP Vận tải Du lịch Thương mại Phong Dung (có trụ sở tại tổ 4 phường Đồng Quang) chúng tôi thấy, công tác thanh kiểm tra được Đoàn tiến hành tỉ mỉ, chi tiết từ việc kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh, công tác điều hành hoạt động vận tải, thiết bị GSHT, văn bản chấp thuận tuyến, giá cước và chất lượng dịch vụ vận tải theo đăng ký đến lệnh vận chuyển được lưu tại đơn vị, bãi đỗ xe, đường dây nóng…

 

Ông Phạm Tiến Dũng, chuyên viên thanh tra Sở GTVT cho biết: “Từ ngày 23/4 đến 19/5, chúng tôi đã tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động vận tải tại 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy lỗi do lái xe của các doanh nghiệp mắc phải nhiều nhất vẫn là chạy quá tốc độ quy định, số giờ lái xe liên tục (theo quy định không được lái xe liên tục quá 4 tiếng và không lái xe quá 10 tiếng/ngày). Đối với lỗi chạy quá tốc độ quy định, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc chấn chỉnh, trường hợp vi phạm nhiều (quá 20% số lượt xe chạy của tuyến trong 3 tháng liên tục) sẽ thực hiện đình tuyến từ 1-3 tháng, đồng thời tiến hành xử phạt theo Nghị định số 171 với mức xử phạt: doanh nghiệp là 7 triệu đồng; lái xe là là 3,5 triệu đồng; xe chạy sai lịch trình phạt 7 triệu đồng…”.

 

Những chuyển biến tích cực

 

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục đường bộ Việt Nam, số lần vi phạm về chạy quá tốc độ quy định của xe khách Thái Nguyên đã giảm mạnh. Tháng 4/2014, số phương tiện vận tải khách của tỉnh vi phạm tốc độ là 828 lần (có số lần vi phạm gần thấp nhất so với các tỉnh trong cả nước), trong khi đó 2 tháng 10 và 11/2013, số lượt vi phạm là 7.000-8.000 lần/tháng. Như vậy, có thể thấy với việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng đã góp phần nâng cao ý thức của các doanh nghiệp vận tải, các lái xe trong việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải hành khách. Và điều quan trọng hơn là giảm được các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do chạy xe quá tốc độ  quy định gây ra.

 

Bên cạnh đó, qua các đợt thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng đã kịp thời giải đáp, hướng dẫn các đơn vị cách tiếp cận và sử dụng các thiết bị GSHT vào công tác quản lý đảm bảo an toàn giao thông để hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm. Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Công ty CP Vận tải Du lịch Thương mại Phong Dung chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi có 31 đầu xe chạy 15 tuyến từ Thái Nguyên đi các tỉnh. Tôi thấy việc siết chặt quản lý vận tải là cần thiết để thanh loại những đơn vị làm ăn “chộp giật”. Ngoài ra, qua việc thanh, kiểm tra chúng tôi được hướng dẫn những quy định chi tiết để sử dụng hiệu quả GSHT vào quản lý của đơn vị. Ví dụ như, cử cán bộ theo dõi các thông số của GSHT để kịp thời nhắc nhở khi lái xe vi phạm; trong các hành trình dài để thực hiện quy định không lái xe liên tục quá 4 giờ thì thời gian nghỉ giải lao của lái xe phải đủ 15 phút hoặc khi thực hiện đổi lái phải nhắn tin báo Tổng đài GSHT để ghi nhận đã đổi lái…”.

 

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế do Bộ GTVT chưa có quy định cụ thể về số lượng tối thiểu để lập doanh nghiệp vận tải khách nên dù chỉ có 1 hoặc 2 xe thì doanh nghiệp vẫn được cấp phép hoạt động. Thiết nghĩ, để hoạt động vận tải đi vào nền nếp, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thì Bộ GTVT nên bổ sung quy định về số lượng xe tối thiểu (theo hướng tăng về quy mô, năng lực hoạt động) trong điều kiện cấp phép kinh doanh vận tải để đảm bảo các doanh nghiệp này khi được cấp phép sẽ có đủ năng lực thành lập bộ máy hoạt động an toàn, hiệu quả.