Xử lý xe chở quá tải: Không "đánh trống bỏ dùi"

16:46, 12/05/2014

Đây không phải là chủ trương mới, nhưng do bị buông lỏng quản lý quá lâu, nên nhiều người vẫn cho rằng việc chở quá tải là… điều hiển nhiên, được xã hội chấp nhận. Bởi vậy, khi các ngành chức năng siết chặt quản lý tải trọng xe đã gây "sốc" cho không ít đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết nhằm lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hàng hóa, góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Chuyển biến tích cực

 

Sau hơn một tháng (từ ngày 1-4-2014) các lực lượng chức năng của tỉnh quyết liệt triển khai xử lý xe hoán cải và chở quá tải trên địa bàn, đến nay các tổ chức, cá nhân liên quan đã cơ bản chấp hành quy định trên. Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, trong tháng đầu triển khai, số lượng xe hoán cải và vi phạm chở quá tải trên địa bàn bị xử lý lên tới 500 - 600 trường hợp. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng vi phạm rất ít, chỉ khoảng trên 10 trường hợp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động đến các cơ sở gia công cơ khí để cắt thùng bệ xe đã cơi nới trước đây.

 

Báo cáo tại cuộc họp toàn thể của UBND tỉnh hôm  12-5, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thông tin: Tỉnh đã yêu cầu chủ xe của trên 500 đầu xe vận tải ký cam kết không chở quá tải trọng cho phép, đồng thời yêu cầu 6 doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ cơi nới thùng bệ xe trước đây phải dừng dịch vụ này. Ngoài ra, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thành lập được 6 tổ chốt liên ngành và không liên ngành thực hiện việc siết chặt quản lý xe quá khổ, quá tải tại các tuyến đường chính qua tỉnh; thực hiện nghiêm việc cân xe, san tải và xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, đến nay tình trạng xe chở quá tải đã giảm đi rất nhiều.

 

Cũng bởi lẽ đó, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn được giảm tải, tình trạng tai nạn giao thông được kìm chế. Trong 3 tuần gần đây, từ 15-4 đến 7-5 (trong đó có thời điểm nghỉ lễ), trên địa bàn tỉnh ta chỉ có một người chết vì tai nạn giao thông...

 

Ý kiến người trong cuộc

 

Bà Hoàng Thị Mỹ Huyến, Giám đốc Doanh nghiệp Sơn Luyến trăn trở: Là đơn vị chuyên kinh doanh và vận tải hàng hóa là vật tư nông nghiệp, trong đó có những mặt hàng đặc thù, không để được lâu, cần giải phóng ngay sau khi nhập, nên khi tỉnh ta siết chặt hoạt động vận tải, chúng tôi thực sự bị "sốc", không phản ứng kịp. Những ngày qua doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý nghiêm xe chở quá tải là chủ trương đúng của Nhà nước, doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng nếu làm được theo lộ trình, bố trí từng giai đoạn sao cho hợp lý thì chắc chắn sẽ không gây "sốc" cho doanh nghiệp.

 

Cũng theo bà Huyến thì cước vận chuyển hàng nông sản đã tăng khá cao khiến giá bán sản phẩm đội lên trên 200% so với trước. Thị trường nội địa có thể chấp nhận điều này, nhưng lại rất nhiều khó khăn với thị trường xuất khẩu. Được biết, hiện tại để thích ứng với chủ trương trên, Doanh nghiệp Sơn Luyến đã đầu tư thêm xe vận tải để kịp giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, trong kho của đơn vị vẫn để tồn tới 50% sản lượng so với trước đây.

 

Bày tỏ về vấn đề này, ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên và một số doanh nghiệp chuyên hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh cho rằng, cần phải đảm bảo tính công bằng, đồng bộ và xuyên suốt trong quá trình thực hiện kiểm soát xe quá tải trọng. Ông Đông cho biết: Trong khi tỉnh ta hiện đang triển khai rất quyết liệt việc xử lý xe quá tải, quá khổ, thì thực tế một số địa phương khác lại chưa cương quyết, hay nói cách khác là làm chưa nghiêm. Nếu không có sự đồng bộ, xuyên suốt thì sẽ gây thiệt hại cho những địa phương, doanh nghiệp gương mẫu chấp hành. Hiện nay, nhiều mặt hàng trên thị trường đã tăng giá mạnh mẽ do cước vận tải tăng, một số mặt hàng cũng lợi dụng để đội giá làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Dó đó, tôi đề xuất, giai đoạn đầu có thể chỉ xử lý các xe cơi nới thùng bệ, giai đoạn sau sẽ xử lý quá tải và rút dần mức quá tải để doanh nghiệp đỡ sốc, nền kinh tế đỡ chịu tác động mạnh. Về lâu dài, ngoài tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngành Giao thông - Vận tải cũng nên trình cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh nâng tải trọng đối với xe vận tải lên đến mức nào phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn cầu đường, vừa tránh ùn tắc giao thông và tồn kho hàng hóa...

 

Đối với Công ty CP Thương mại Thái Hưng, quan điểm của bà Nguyễn Thị Cải, Tổng giám đốc là không có cách nào khác là tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia vận tải phải đầu tư tăng xe, tăng chuyến để vừa chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, vừa duy trì hoạt động đơn vị. Công ty hiện đang có trên 100 đầu xe vận tải lớn với hơn 200 lái xe, nhưng tới đây Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm xe vận tải để đảm bảo hoạt động.

 

Tiếp tục xử lý quyết liệt

 

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại nhiều cuộc họp bàn về nội dung này gần đây. Đồng chí đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai quyết liệt, thường xuyên và lâu dài nhiệm vụ trên, tránh để xảy ra trường hợp ngày kiểm soát chặt, đêm thả lỏng hoặc chốt này xử lý nghiêm, chốt khác lại buông lỏng. Sẽ xử phạt thật nghiêm đối với những cán bộ thực thi nhiệm vụ mà buông lỏng hoặc bao che cho các trường hợp chở quá tải. Tóm lại là không được "đánh trống bỏ dùi". Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức đoàn kiểm tra giá cả thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp lợi dụng việc siết chặt vận tải để tăng giá hàng hóa, náo loạn thị trường.

 

Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ hiện đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc xử lý xe quá khổ, quá tải ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Các lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra, kiểm soát thường xuyên 24/24 giờ, 7 ngày/tuần; tiến tới sẽ xử lý cả các doanh nghiệp xuất hàng quá tải trọng cho phép đối với xe vận tải. Bộ cũng đang tính toán tới phương án tùy từng loại đường có thể xử lý theo mức độ quá tải khác nhau, mức độ nào thì mới xử phạt. Trong trường hợp đảm bảo an toàn giao thông có thể tính tới phương án cho phép đóng phí vận tải...