Đồng Hỷ là huyện miền núi nên nhiều nơi có địa hình đồi núi cao xen lẫn suối, khe cạn có độ dốc lớn khi mưa to dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Nhiều tuyến đường do độ dốc lớn, mặt đường đất, nên khi mưa to, tạo ra bùn lầy, trơn trượt gây mất an toàn giao thông. Huyện có sông Cầu chảy qua các xã: Văn Lăng, Hòa Bình, Minh Lập, Huống Thượng và sông Linh Nham chảy qua các xã: Hóa Trung, Khe Mo, Linh Sơn. Khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao khiến các xã ở vùng trũng, ven sông bị ngập lụt. Mùa mưa, bão năm 2013, trên địa bàn huyện có 2 người chết đuối, nhiều đoạn đường tỉnh lộ 269, đường liên xóm, liên xã của 6/18 xã, thị trấn bị ngập sâu gây ách tắc giao thông nhiều ngày.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, bão năm nay, các cơ quan chức năng của huyện Đồng Hỷ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tại xã Văn Lăng, ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã, đường giao thông liên xã, liên thôn hầu hết đều là đường đất, đường cấp phối, nhiều đoạn là đường mới san mặt bằng, bờ taluy cao, khi mưa to, đường đi rất lầy lội. Năm 2013, ở các tuyến Tân Lập đi Khe Quân, Tân Lập đi Liên Phương, Văn Lăng đi Bản Tèn, Tân Thịnh đi Dạt bị sạt lở khoảng 1 nghìn m3 đất xuống mặt đường. May mắn chưa gây tai nạn chết người nhưng nhiều người dân khi tham gia giao thông bị tai nạn đâm va do trơn trượt, do mặt đường không bằng phẳng… Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, bão năm nay, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tham gia giao thông. Huy động lực lượng tại chỗ để sửa chữa những đoạn đường đã xuống cấp. Các xóm, bản đều thành lập các đội xung kích đảm bảo giao thông trong mùa mưa, lũ; tuyến đường bị mưa, lũ làm hư hỏng đến đâu, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục ngay đến đó trong điều kiện có thể, đảm bảo sự lưu thông an toàn cho nhân dân.
Còn ông Lăng Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Xã Tân Long hiện có đoạn đường lên núi đến chỗ cư trú của 40 gia đình ở xóm Lân Quan dài khoảng 1km dễ bị sạt lở. Năm 2013, khi trời mưa to, nước từ trên núi chảy xuống đã làm xói mòn khoảng 1 nghìn m3 đất đá. Dòng chảy cuốn theo đất đá xối xuống Phân trường Lân Quan thuộc Trường Tiểu học Sa Lung và Phân trường Mầm non Tân Long. Để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn trên đoạn đường này, được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, chúng tôi đã làm cống thoát nước, dùng cọc gỗ, đá kè 2 bên đường tránh xói mòn.
Ông Phạm Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Thường trực Ban An toàn Giao thông huyện cho biết: Để đảm bảo giao thông trong mùa mưa, lũ có những dự báo diễn biến phức tạp như năm nay, đối với các tuyến đường có thể xảy ra sạt lở, ngập úng, lũ quét, huyện đều đặt các biển cảnh báo và tuyên truyền, khuyến cáo để nhân dân chủ động đề phòng khi đi qua. Đối với những tuyến đường nguy cơ bị sạt lở cao, chúng tôi đã tiến hành cải tạo, gia cố đường, hạ thấp taluy đường, đặt thêm cống thoát nước để giảm sức cuốn của dòng chảy. Đối với những tuyến đường hay bị ngập lụt do nước sông dâng cao khi có mưa lớn, huyện đã thẩm định và đặt các cống to nhằm thoát nước nhanh hơn trước, tránh bị ngập lụt gây tắc đường cục bộ, mất an toàn cho người dân. Trong trường hợp không đặt được cống thoát nước, chúng tôi dự kiến làm đường vòng tránh, cầu tạm để việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn. Đơn cử như trục đường 269 đi qua xã Linh Sơn, khu vực xóm Núi Hột, thường xuyên bị ngập khi mưa to, chúng tôi dự kiến làm đường vòng tránh dài 150m, rộng 4m; đường qua suối ở xóm Làng Giếng, xã Tân Long, dự kiến sẽ làm cầu tạm dài khoảng 6m bằng tre, gỗ cách nơi bị ngập 10m… để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông trong mùa mưa, bão. Còn đối với những tuyến đường dễ xảy ra lũ quét, chúng tôi đã có những khuyến cáo để di dời dân cư, chằng néo nhà cửa. Huyện đã rà soát 27 ngôi nhà và công trình cần gia cố, chằng néo. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã chủ động chuẩn bị vật tư, lực lượng sẵn sàng tham gia giải tỏa ách tắc giao trên các tuyến đường khi xảy ra mưa lớn.