Sớm sửa chữa lại cầu treo xuống cấp

16:10, 12/06/2014

Nhiều năm nay, khi mùa mưa đến, nước ở các đập tràn dâng cao người dân xã Bình Sơn (T.X Sông Công) chỉ có một con đường duy nhất là đi qua cây cầu treo bắc qua sông Công để giao lưu, buôn bán với các địa phương lân cận. Nhưng, hiện nay cầu treo Bình Sơn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.100 hộ dân thì có hơn 90% số hộ làm nông nghiệp. Nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão là xã Bình Sơn gần như biến thành một “ốc đảo” bởi đường vào xã chủ yếu phải đi qua nhiều đập tràn, mỗi lần mưa xuống, nước ở các đập dâng cao, chảy xiết nên không thể  đi lại được. Muốn ra ngoài, người dân chỉ có một con đường duy nhất là qua cây cầu treo Bình Sơn. Cây cầu này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong xã Bình Sơn mà còn phục vụ giao thương của người dân xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên bởi xã Bình Sơn và xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) chỉ cách nhau một cây cầu nên người dân ở 2 xã vẫn thường xuyên qua lại giao lưu, buôn bán. Trong khi nhu cầu đi lại của người dân lớn như vậy thì cầu treo Bình Sơn lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do cầu được làm từ năm 1971, nhưng không được tu sửa thường xuyên nên đến nay phần lớn các dây cáp, thanh sắt ở dầm cầu đã bị han gỉ, mố cầu cũng không còn chắc chắn. Đầu tháng 4 năm nay, xã đã có biển cấm không cho các loại ô tô, xe máy lưu thông trên cầu để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

 

Chúng tôi đến cầu treo Bình Sơn để có thể tìm hiểu rõ hơn về cây cầu. Theo quan sát, cây cầu này có chiều dài khoảng 100m, chiều rộng khoảng 1,5m, hai bên thành cầu được đan lưa thưa bởi những sợi dây thép mỏng manh. Mặt cầu được ghép từ nhiều thanh tre, trong đó có những đoạn tre đã bị mục hoặc mất thanh tạo thành lỗ hổng trên mặt cầu. Dầm cầu làm bằng sắt nhưng phần lớn đều đã bị han gỉ. Ông Phạm Đa Linh, người được UBND xã Bình Sơn giao quản lý cây cầu từ năm 1997 đến nay cho biết: Hiện tại cầu treo Bình Sơn đang cần một số tiền lớn để “đại tu” lại thì mới đảm bảo an toàn cho người dân. Vài năm nay, vào những ngày cây cầu trở thành con đường độc đạo để người dân giao lưu với bên ngoài thì tôi phải phối hợp với công an địa phương túc trực ở 2 đầu cầu điều phối lượng người lưu thông để cầu không bị quá tải.

 

Khi chúng tôi qua cầu, mặc dù chỉ đi bộ cùng với 2, 3 người dân dắt theo xe đạp nhưng cũng không khỏi rùng mình bởi sự rung, lắc, kèm theo đó là nỗi lo bị thụt chân xuống dưới mỗi khi đi qua những đoạn tre mục. Chị Trương Thị Mười, ở xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức cho biết: Hai đứa con của tôi đều theo học tại trường Tiểu học và trường THCS Bình Sơn nên hầu như ngày nào các cháu cũng phải đi qua cầu treo ít nhất 2 lần để sang bên đó. Dù biết là cây cầu đang bị xuống cấp, có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu các cháu không đi thì không còn đường nào để sang.

 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, rút kinh nghiệm từ những mùa mưa trước, đầu năm nay, thị xã Sông Công đã đầu tư kinh phí để nâng cao 1 đập tràn của xã Bình Sơn lên khoảng hơn 1m để nhân dân có đường ra trung tâm xã trong mùa mưa lũ sắp tới. Đồng thời, tu sửa lại một số bộ phận của cầu treo Bình Sơn như gia cố lại chân trụ, hàn thêm 30 bộ quang treo dầm ngang, sửa lại dây cáp…Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Quang thì đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, phần nào hạn chế những rủi ro khi đi qua cầu treo chứ không thể đảm bảo an toàn cho mọi người. Hiện tại, xã vẫn đang thường xuyên nhắc nhở mọi người không được đi ô tô, xe máy qua cầu và cố gắng đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho mình.

 

Bình Sơn là một xã nghèo, để xây dựng một cây cầu khác kiên cố, an toàn hơn qua dòng sông Công là điều rất khó thực hiện. Vì vậy, người dân nơi đây đang mong mỏi sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các cấp có thẩm quyền để cầu treo Bình Sơn không còn là nỗi bất an đối với mọi người mỗi khi đi qua cầu.