Trăn trở từ bến đò ngang an toàn

15:14, 03/06/2014

Để tuyên truyền người dân, chủ đò chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn cho người đi đò ngang, ngày 26-5-2014, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức Bến đò ngang an toàn tại xã Đông Cao (Phổ Yên). Tuy nhiên, sau khi triển khai, nhiều người đi đò vẫn không chấp hành quy định và chủ đò gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Ngày 2-6, trong vai những người khách đi đò, chúng tôi tới bến đò an toàn giao thông thuộc địa phận xã Đông Cao (Phổ Yên) qua sông Cầu để sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Khi vừa xuống đò, chủ đò niềm nở đưa cho chúng tôi dụng cụ nổi và hướng dẫn sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, cùng qua đò với chúng tôi có một số thanh niên đi xe máy không chấp hành quy định mà treo dụng cụ nổi lên xe máy, đặt xuống thuyền hoặc cầm trên tay. Không chỉ có những chuyến đò vào ngày 2-6 mà quan sát nhiều ngày trước đó, chúng tôi thấy phần lớn hành khách đều không dùng dụng cụ nổi đúng cách mà chỉ cầm chống đối cho qua chuyện. Thậm chí, chúng tôi chứng kiến một số người đã bực tức, to tiếng khi chủ đò một mực yêu cầu những người khách đó đeo dụng cụ nổi trước khi xuống đò.

 

Ông Lê Văn Chiến, chủ đò cho biết: Làm nghề nhiều năm, tôi rất hiểu những nguy cơ tiềm ẩn khi lái đò qua sông, việc trang bị bảo hộ cho khách hàng, chúng tôi đều chấp hành và tích cực thực hiện. Khi khách lên đò, chúng tôi tuyên truyền, yêu cầu khách chấp hành nghiêm quy định sử dụng trang bị bảo hộ và phát dụng cụ nổi cho khách. Sau đó, chúng tôi chú ý bố trí cho khách chỗ ngồi, nơi để phương tiện phù hợp, an toàn nhất. Tuy nhiên, khi yêu cầu sử dụng trang bị bảo hộ, hầu hết khách đi đò chỉ cầm để chống đối, có lần tôi đeo dụng cụ nổi xong, khách lại cởi ra. Mặc dù biết như vậy chưa đúng quy định nhưng chúng tôi sợ nếu ép buộc quá người dân chuyển sang đi bến đò khác.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân của việc không sử dụng thiết bị bảo hộ là do tâm lý chủ quan và ngại thay đổi của người dân. Những người qua bến đò an toàn giao thông chủ yếu là khách quen, đã đi đò nhiều lần. Những lần trước người này không sử dụng thiết bị bảo hộ nhưng vẫn an toàn nên những lần sau khi nhìn áo phao, dụng cụ nổi, ai cũng coi đó là thừa, không cần thiết. Việc sử dụng thiết bị cứu hộ khi qua đò cũng là việc mới nên tâm lý người dân đều coi đây là việc “kỳ cục”, đáng buồn cười. Ngoài ra, vì đò ngang chở quãng đường ngắn (khoảng trên 50m), thời gian qua sông chỉ mất khoảng 2 phút nên người dân cảm thấy việc sử dụng thêm các thiết bị cứu hộ sẽ vướng víu và mất thời gian.

 

Chị Đặng Thị Phượng ở xóm Quyết Tiến, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Hàng chục năm qua, ngày nào tôi cũng qua đò này nhưng có bị làm sao đâu. Bây giờ trời thì nóng, lại còn phải dắt theo xe đạp và hàng đi chợ tôi chỉ muốn qua đò nhanh nhanh cho được việc, chứ lên đò, xuống đò lại vướng víu trang bị bảo hộ khó chịu lắm.

 

Bên cạnh đó cũng phải nói đến trách nhiệm của chủ đò chưa có biện pháp hiệu quả, kiên quyết để khách thực hiện nghiêm quy định. Thượng úy Dương Trần Quyết, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự cơ động huyện Phổ Yên cho rằng: Nếu hành khách không được trang bị bảo hộ hoặc trang bị bảo hộ không đúng cách khi đi trên các thiết bị đường thủy thì chủ phương tiện phải chịu phạt theo mức quy định. Đối với trường hợp ở bến đò an toàn giao thông tại khu vực đê Chã, thuộc địa phận xã Đông Cao (Phổ Yên), trách nhiệm vẫn thuộc về chủ phương tiện. Chủ đò cần yêu cầu các hành khách sử dụng trang bị bảo hộ đầy đủ, đúng cách trước khi lên đò, nếu hành khách không chấp hành, kiên quyết không cho qua đò. Sau khi thực hiện nhiều lần như vậy, các người đi đò sẽ tự giác và có ý thức chấp hành đầy đủ hơn.

 

Việc người dân không chấp hành trang bị bảo hộ theo quy định khi đi đò khiến chúng tôi nhớ đến quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Mặc dù những ngày đầu, người dân không chấp hành nhưng sau khi được triển khai đồng bộ, quyết liệt, người dân đã coi mũ bảo hiểm là phương tiện không thể thiếu khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ, việc áp dụng trang bị bảo hộ cho các chuyến đò ngang an toàn ngoài công tác tuyên truyền để người dân, chủ đò chấp hành quy định thì cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, có biện pháp cụ thể để tránh trường hợp “mất an toàn tại bến đò an toàn giao thông”.