Tiếng còi tàu hú liền 3 hồi dài, tiếng xình xịch của đoàn tàu chậm dần rồi dừng hẳn. Ga Quán Triều (T.P Thái Nguyên) trở lên náo nhiệt bởi sự gặp gỡ, chào đón của người thân gặp lại người thân. Từ hàng chục năm nay, sân ga này mỗi ngày chứng kiến bao cuộc chia tay và đoàn tụ. Phía sau mỗi cuộc đoàn viên, là những người thợ lặng lẽ chỉnh sửa từng thanh ray, cho bánh goòng mải miết lăn, đưa từng chuyến tàu bình yên về đến sân ga.
Lúc cả đoàn tàu dài như một dãy phố đứng yên, ngơi nghỉ trên sân ga sau một lý trình an toàn, anh Nguyễn Quốc Thẩm, Cung trưởng Cung đường sắt Quán Triều mới nở nụ cười tươi. Tận khi ấy tôi mới biết “cái” nghề anh làm - nghề của những người thợ duy tu, bảo dưỡng và tuần đường sắt, bằng mọi giá bảo đảm an toàn cho tàu hàng, tàu khách từ ga Quán Triều, qua Lưu Xá, về Hà Nội và ngược lại. Nếu nhìn bề ngoài sẽ thấy công việc hết sức thảnh thơi, thậm chí là nhàn tản, nhưng tận mắt chứng kiến mới thấy nghề anh Thẩm và các đồng nghiệp đang làm phải đổ nhiều mồ hôi. Hơn thế, đây còn là công việc phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu trước giờ khởi hành. Bởi trên mỗi chuyến tàu luôn mang theo hàng trăm sinh mạng con người và tài sản. Anh Thẩm cho biết: Cung đường sắt Quán Triều dài 6.675m, được bắt đầu từ km48 (ga Lưu Xá) đến điểm cuối là km54+675 (Quán Triều). Cung có 13 người, chia 2 tổ: Tổ duy tu, bảo dưỡng và tổ tuần đường.
Ấn tượng của tôi với anh chị em trong cung là cách trò chuyện mộc mạc, thân thiện. Khi vào việc thì cùng gắng sức, lựa đà để luồn từng thanh tà vẹt mới thay thế vào vị trí thanh tà vẹt cũ mục, không còn bảo đảm chất lượng. Công việc của tổ duy tu, bảo dưỡng có nhiều hạng mục khác nhau, thoạt nghe đã thấy nặng nhọc, như: Dùng cuốc chim để đào cỏ trên nền đá; sàng đá phá cốt để tạo độ xốp nâng cao đàn hồi cho đoàn tàu; thay tà vẹt; nâng, giật, chèn để nắn thẳng đường tàu do bị biến dạng khi tàu chạy… Công việc trong tổ đòi hỏi mọi người có tinh thần đoàn kết, biết phối hợp trong khi làm việc. Theo chị Lê Thị Hương: Trước khi thay thế 1 thanh tà vẹt hỏng, anh, chị em trong tổ phải cuốc phá, đào bỏ thanh hỏng rồi bắt đầu hò nhau khiêng, kéo, đẩy, chèn... đưa thanh tà vẹt vào đúng vị trí để khi đoàn tàu đi qua không bị xóc, lắc.
24 năm làm việc trong ngành đường sắt, gắn bó với cung Quán Triều, chị Hương trực tiếp cùng anh, chị em trong tổ duy tu, bảo dưỡng đã thực hiện thay thế hàng nghìn thanh ray gỗ mục bằng thanh ray bê tông, mỗi thanh ray nặng 180kg. Khi thay thế 1 thanh ray phải cần đến sức lực của 3 người cộng lại, gồm 2 người kéo, 1 người dùng xà beng đẩy. Công việc nặng nhọc, nhưng gia đình chị Hương có 3 thế hệ gắn bó với ngành. Bố mẹ chị đã nghỉ hưu, hiện chị cùng con gái là Đỗ Thị Chinh làm việc cùng tổ. Chuyện thay tà vẹt đường tàu, anh Thẩm nói vui: Thời gian thay thế hoàn thiện 1 thanh ray bằng thời gian của 1 trận đá bóng quốc tế (90 phút). Với những đoạn đường đào (đường tàu đi qua đồi, núi) phải mất nhiều công sức và thời gian hơn, mất ít nhất 2 tiếng. Công việc nặng nhọc, chỉ sơ sểnh có thể bị thanh bê tông đè dập xương chân, đùi. Do đó, đơn vị luôn quán triệt cho anh, chị em phải chú ý bảo đảm an toàn cho mình và mọi người trong khi làm nhiệm vụ.
29 năm vào làm việc trong ngành đường sắt, là từng ấy năm anh Thẩm thao thức theo tiếng còi tàu vào, ra sân ga. Công việc của Trưởng Cung bận rộn, nhưng chí ít trong tuần anh dành thời gian 1 đến 3 lần đi bộ dọc theo đường tàu, kiểm tra kỹ lưỡng từng con ốc vít, từng đoạn đường sắt, từng thanh ray để có báo cáo kịp thời với Đội đường về thực trạng đường tàu, đồng thời đề xuất phương án sửa chữa, thay thế. Do gắn bó với cung đường và luôn có đề xuất sửa chữa kịp thời với cấp trên, nên cung đường anh quản lý chưa bao giờ xảy ra sự cố tầu chật bánh.
Đường sắt, những chuyến tàu vào, ra ga luôn đúng hẹn, do đó đội ngũ công nhân làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng không kể thời gian. Vì thế anh, chị em đã có những lúc phải làm việc thông tầm dưới nắng trưa khắc nghiệt, hoặc lúc trời đêm đang có mưa dông cho 2 thanh ray đều đặn, để bánh goòng mải miết đưa đoàn tàu về sân ga an toàn. Mới đây thôi, anh, chị em trong tổ bảo dưỡng được tăng cường cùng cán bộ, công nhân bên Cung Lưu Xá làm việc liên tục cả đêm 25 và cả ngày 26 để thay thế thanh ray, tà vẹt, chỉnh cự ly, phương hướng cho hơn 100 mét đường tàu bị hỏng. Anh Tô Ngọc Tám, công nhân tuần đường cho biết: Vất vả nhất là khi trời đổ mưa, gió, công việc của chúng tôi càng vất vả hơn. Vì cây đổ, rãnh thoát nước ứ đọng, đất ở ta luy dương sạt lở… nếu việc ít thì chúng tôi tự làm, còn khi việc nhiều phải nhờ người dân gần hiện trường ra giúp đỡ. 19 năm vào làm việc trong ngành Đường sắt, thì 17 năm gắn bó với công việc tuần đường, bền bỉ đi lại trên quãng đường của Cung dài hơn 6,6km, anh Tám thuộc nằm lòng từng thanh tà vẹt, từng đoạn đường ray. Mưa cũng như nắng, ngày cũng như đêm, đúng ca là có mặt. Lặng lẽ đi với lỉnh kỉnh sổ sách, cờ lê, pháo báo hiệu, còi hiệu; vào ca đêm còn có thêm đèn hiệu.
Tôi bắt tay anh Tám, cảm động, bảo: Trong 17 năm qua, anh đã đi bộ trên một quãng đường dài 40.392km, nếu đi bộ từ Thái Nguyên về T.P Hồ Chí Minh và trở về, anh đã đi được hơn 10 lần. Và anh, cùng những đồng nghiệp của mình vẫn tiếp tục đi, và tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn cho những chuyến tàu. Để mỗi ngày nơi sân ga lại đầm ấm bao cuộc gặp gỡ, chào đón, hạnh phúc và có những nụ hôn nồng nàn của những người yêu nhau lâu ngày gặp lại. Sau mỗi ca, những người công nhân đường sắt như anh Thẩm, chị Hương, anh Tám… mới có một nụ cười trọn vẹn.