Vì cuộc sống nên nhiều người dân phải mưu sinh ngay bên lòng, lề đường, biết mình vi phạm trật tự an toàn giao thông nhưng họ phải nhắm mắt làm liều để kiếm tiền.
-Chạy, chạy nhanh…
Cả một quãng đường Bến Oánh nháo nhác, tiếng va chạm của sọt hàng, của quả cân ném vội trên đĩa sắt, tiếng thở mạnh, lời chí chóe của mấy chị bán hàng rong làm khu vực cổng chợ Thái trở lên bức bối. Lúc nhân viên Đội Quản lý Trật tự Xây dựng & Giao thông T.P Thái Nguyên (Đội QLTT>) đến nơi thì mọi sự đã trở lại bình thường. Đoạn đường vốn dĩ hay bị ùn tắc “chợt” trở nên thông, thoáng như chưa hề có sự tụ tập lấn chiếm vỉa hè, lòng đường sai quy định của người bán hàng rong và người đi chợ.
Lúc nhân viên Đội QLTT> vừa đi khuất, lòng đường Bến Oánh lại “náo nức” cảnh mua, bán gây ách tắc giao thông. Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Mịch, người bán rau:
-Sao các chị lại bỏ chạy khi thấy nhân viên Đội QLTT>?
-Vì chúng tôi biết mình đang vi phạm an toàn trật tự giao thông và mỹ quan đô thị. Không chạy nhanh sẽ bị cán bộ lập biên bản tạm thu hàng, xử phạt hành chính.
Chị Trần thị Tươi, người bán rau, quả cạnh đó góp chuyện như một lời than phiền: -Chúng tôi nghèo, đành liều việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán lặt vặt kiếm sống.
Nhìn cái cửa hàng di động của chị Mịch, chị Tươi được đặt phía sau chiếc xe đạp cà tàng, vốn liếng chỉ chừng dăm, ba trăm nghìn, lại vừa bán, vừa chạy chỗ như những kẻ làm ăn phi pháp, tôi nhớ lại câu chuyện với anh Trần Văn Đông, nhân viên Đội QLTT> vào 1 ngày đầu tháng 8-2014. Anh Đông nói như tâm sự: Không có gì khổ bằng việc hằng ngày đi lập biên bản xử phạt những người bán hàng rong, vì họ là những người nghèo, không có đủ điều kiện để thuê gian hàng trong chợ. Nhiều trường hợp khi bị tạm thu giữ hàng hóa, lúc đến đơn vị giải quyết còn mang theo cả giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình là nạn nhân chất độc da cam. Hôm đầu tháng 2 mới đây, khi giải quyết 2 trường hợp phụ nữ vi phạm bán hàng rong trên đường. Do hết giờ làm việc, tôi đã hẹn 2 chị vào sáng ngày hôm sau đến Công an T.P Thái Nguyên nộp phạt, lấy lại xe đạp và hàng hóa. 2 chị đã khóc nức nở, bảo không có tiền thuê xe ôm để về nhà. Cổ họng tôi nghẹn lại, vội lấy đưa cho mỗi chị 50 nghìn đồng để đi xe ôm về nhà. Các chị luýnh quýnh, mãi mới dám nhận. Lúc ra đến cửa còn bảo: Việc vi phạm của chúng em còn liên lụy đến cán bộ. Chúng em có cam kết không tái phạm, nhưng chúng em sẽ làm gì để sống?
Hơn 10 năm đời nghề, anh Đông đã trải nhiều hệ lụy từ công việc. Như dạo tháng 6-2012, trong giờ làm nhiệm vụ, anh đã bị 1 thanh niên lăng mạ, giật xé quần áo, phù hiệu. Hành động mất nhân tính của người thanh niên này đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Không riêng anh Đông, nhiều thành viên trong Đội và nhân viên Tổ quản lý Trật tự Xây Dựng, Môi trường đô thị và Vệ sinh môi trường ở các phường, xã cũng bị đối tượng quá khích lăng mạ, chửi bới vô lý và hành hung, như trường hợp anh Vũ Đại Thắng, anh Thùy Anh, chị Nghiêm Thị Thúy. Gần đây nhất, hôm 31-7, anh Trần Văn Hà trong lúc làm nhiệm vụ đã bị ông Ngô Tăng Việt, tổ dân phố 19 (Quang Trung), chửi bới rồi vác cả tấm biển quảng cáo đập vào đầu anh Hà. Sau sự việc xảy ra, tất cả những đối tượng vi phạm, xâm phạm danh dự, thân thể cán bộ thi hành công vụ đều phải ra tòa lĩnh án. Nhưng với cán bộ, nhân viên trong Đội QLTT> thì đây không phải là một sự an ủi, mà là một nỗi buồn có nguồn cơn từ do nhiều người dân chưa có ý thức “mình vì mọi người”.
Anh Nguyễn Tô Vũ, Đội phó Đội QLTT> cho biết: Công việc của Đội thường xuyên phải đối diện với các thành phần phức tạp, vì bản thân họ đã biết, song cố tình vi phạm. Có trường hợp vi phạm, khi bị lập biên bản xử lý theo quy định, họ đã dùng xi lanh dọa có HIV/AIDS. Phức tạp hơn là những đối tượng ăn không ngồi rồi, chúng chủ động gây sự, xông thẳng lên thùng xe để cướp hiện vật của người vi phạm bị thu giữ. Những lúc như thế, anh em trong Đội phải kiềm nén, bảo nhau hạ hỏa, tuyệt đối không gây va chạm với đối tượng và chờ “cứu viện” của bên Công an.
Trò chuyện với anh Vũ và các nhân viên Đội QLTT>, tôi mới hiểu thêm trong cuộc sống còn có những điều không muốn lại thường đến. Ngay cả với những người đang hằng ngày bền bỉ với công việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị thành phố, cũng phải chịu không ít thiệt thòi, như trường hợp của anh Đông, anh Hà, anh Thắng và chị Thúy… Ấm ức vì bị đòn oan, nhưng nhiệm vụ Nhà nước đặt lên vai, các anh, chị không thể làm ngơ cho ai đó vì chút tư lợi riêng mà lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Anh Vũ cho biết thêm: Các khu vực: đường Bến Oánh, cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, cổng Bệnh viện A Thái Nguyên, Đường Bắc Kạn, đường Minh Cầu… là những điểm thường ngày có nhiều người ngang nhiên đứng bán hàng rong. Họ là một trong những nguyên nhân vô hình gây nên sự cố ùn tắc đường, thậm chí bản thân họ có thể trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông. Nhiệm vụ của Đội là tuyên truyền, vận động nhân dân tự chấp hành. Trong trường hợp cố tình vi phạm, Đội buộc phải lập biên bản xử lý theo quy định.
Hơn 20 năm vào nghề, nghiệp thấm vào máu, có khi nằm bên vợ, con anh Vũ còn nghĩ đến mấy tấm biển quảng cáo treo vi phạm bên trục đường nào đó gây mất mỹ quan; tuyến đường nào đó có nhiều người bán hàng rong tụ họp… Anh Vũ kể: Không ít lần vì công việc mà vợ chồng phải tranh cãi, giận nhau mấy ngày vợ mới chịu làm lành. Mà mình không kiên quyết, nể nang, né tránh thì nhiều đường phố sẽ trở thành nơi họp chợ, lề phố có khi treo đầy… rẻ rách.
Yêu nghề và có tâm với nghề, đồng nghiệp nhận xét về anh Vũ như vậy. Cũng chính anh Vũ đã cùng các đồng nghiệp của mình nghĩ ra nhiều sáng kiến phục vụ cho công việc, như việc dùng kéo, dây buộc trên đầu sào để cắt hạ các tấm băng rôn, cờ phướn, lều bạt trái vẩy sai phạm, thay cho việc dùng câu liêm móc giật dễ gây nguy hiểm cho người làm nhiệm vụ và người qua đường; sáng kiến thực hiện phương án cho nhân viên của Đội đi quay phim, chụp ảnh người vi phạm trước làm bằng chứng, sau đó mới cho nhân viên của Đội đến giải thích, yêu cầu người vi phạm viết cam kết. Tuy giản đơn, nhưng đã làm người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”. Mỗi năm, Đội QLTT> phải thực hiện tháo dỡ hàng trăm băng zôn quảng cáo treo không đúng quy định; tạm giữ hàng nghìn tang vật gồm biển quảng cáo, bàn, ghế, ô dù, xe đẩy; tạm giữ hàng trăm bộ giấy tờ xe ô tô, xe mô tô… Song hằng ngày trên các trục đường phố vẫn chưa chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Chỉ riêng trong tháng 7-2014, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 13 trường hợp xây dựng không phép, 20 trường hợp xây dựng trái phép, 8 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng; 4 công trình phải cưỡng chế phá dỡ; tạm giữ gần 900 tang vật gồm biển quảng cáo, bàn, ghế, ô dù.
Phạt rồi lại phạt - một sự lặp lại đã trở nên phổ biến giữa nhân viên Đội QLTT> và người vi phạm. Bởi những khu chung cư trong thành phố được mở rộng, thì theo đó có thêm nhiều hộ nông dân không có đất sản xuất. Họ phải ra đường mưu sinh ngay ở lòng, lề đường, như trường hợp của chị Mịch, chị Tươi. Dù biết bản thân mình đang vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhưng phải nhắm mắt làm liều để kiếm tiền mua gạo. Chị Mịch đã nói với tôi đầy suy tư: Giá như thành phố mình có một nơi dành cho người nghèo như chúng em bán hàng, thì các anh ở Đội QLTT> không phải đi xua đuổi, người nghèo chúng em cũng thấy ấm lòng vì không phải vừa bán hàng, vừa chạy chỗ. Cực lắm anh à.