Trèo lên, leo lên, nhảy lên… là những từ người dân hai bên bờ kênh Núi Cốc thường dùng khi sử dụng cầu. Nguy hiểm, sợ hãi, vô lý… là những từ họ nhận xét về những cây cầu này.
Cầu kênh - “đặc sản” của Phúc Trìu
- Nói thật với chị chứ, “ông kỹ sư” nào thiết kế cái cầu này ăn “phí gạo” nhà nước. Tôi chỉ là người dân thường mà cũng nhìn thấy sự vô lý của nó.
Anh Đinh Văn Cảnh, nhà đối diện với cầu bắc qua kênh Núi Cốc (gọi tắt là cầu kênh), địa bàn xóm Cây De, bên kia kênh là xóm Khuân 2 (Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) bức xúc “tuôn” một mạch như vậy. Nói rồi anh kéo tôi ra tận cầu chỉ: - Chị nhìn xem, cầu cao hơn mặt đường gần 1 mét, đấy là đường mới làm tôn lên bao nhiêu rồi, trước còn “kinh” hơn. Vút một cái lên mặt cầu, ai “bay” lên được? Chúng tôi phải đổ bê tông đường dẫn này đấy. Nhưng vô lý hơn là cây cầu không nối thông với bất cứ con đường nào, trong khi chỉ vài bước chân nữa thôi có hai đường ở hai đầu xóm đi ra, đặt cầu vào chỗ ấy có phải thuận lợi cho dân biết bao nhiêu không?
Chúng tôi đang nói chuyện thì có người rồ ga lên cầu. Do góc cua 90 độ nên tay lái gập lại, người xe loạng choạng suýt ngã. Anh Cảnh bảo: Ông ấy là người xóm bên, quen rồi mà còn thế. Người lạ đố dám đi, tôi ở đây liên tục “được” nhờ đủn hoặc đi hộ xe qua cầu. Còn tai nạn ý hả? Nhiều không nhớ hết. Người, trâu, bò rơi xuống kênh là thường. Chị xem này, cầu rộng có hơn 1m, không lan can, mặt cầu lồi lõm, vấp một cái là lao xuống nước ngay. Ông Phan nhà bên Khuân 2 lao cả người cả xe máy xuống kênh; ngay đầu tháng 8 này, trâu nhà ông Hùng loạng quạng thế nào cũng rơi xuống, què chân. Chúng tôi có ý kiến chán rồi, ăn thua gì đâu. Cách đây 6-7 năm, một đoàn người đến chỉ trỏ khảo sát gì đó, rồi mất hút đến giờ.
Tôi không ngạc nhiên về câu chuyện của anh Cảnh, bởi đây là cuộc trò chuyện thứ 3 ở đầu 3 trong số 7 cây cầu kênh (CK) chạy dọc địa bàn xã Phúc Trìu.
Trước đó, ngồi trong nhà chị Lê Thị Kết (xóm Đồng Nội), tôi có thể nhìn thẳng ra CK. Chị Kết phì cười khi nghe tôi hỏi “lưu lượng” người qua lại cầu.
- Ai trèo lên được đấy mà “lưu lượng”. Thi thoảng cũng có người dong trâu dong bò đi qua. Nhiều người có nhà bên này, ruộng bên kia phải sang cấy hái, nhưng gánh lúa nặng cũng chả lên được cầu.
Anh Phạm Trọng Hiền, chồng chị Kết dù đang ốm nằm trên giường cũng phải “bật” dậy góp chuyện: - Cầu này coi như bỏ, nói đến làm gì cho mất thời gian. Lý ra là mặt kênh phải cao bằng mặt cầu, ai đời lại làm thế.
Cầu “Trường học” - mối lo cho học sinh
Nằm ngay gần đập chính của hồ Núi cốc, địa bàn xã Phúc Trìu bị chia cắt làm đôi bởi con kênh dài 7 km dẫn nước tưới tắm đồng đất các huyện phía Nam của tỉnh Thái Nguyên và một phần tỉnh Bắc Giang. Bởi thế, cùng với sự ra đời của kênh chính Núi Cốc, chủ đầu tư cũng đồng thời xây dựng những CK. Hơn 6.000 dân xã Phúc Trìu sinh sống, sản xuất, giao thương thường xuyên phải qua lại 7 cây CK này.
Mường tượng lại hoàn cảnh ra đời những CK mới thấy, cách đây hơn 40 năm, Phúc Trìu chỉ có 3.000 dân, phương tiện đi lại thô sơ (chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp); phương tiện sản xuất nông nghiệp là cày cuốc, trâu bò. Vì thế các CK thiết kế giống nhau: Cầu cách cầu khoảng 1km, bề mặt rộng hơn 1 mét, không có lan can, bắc chênh vênh cao hơn mặt kênh có chỗ đến gần 1 mét. Dù vô lý như vậy nhưng giai đoạn đó đã đáp ứng được nhu cầu giao thông, sản xuất của nhân dân hai bên kênh. Nay dân số xã Phúc Trìu đã tăng gấp đôi, lưu lượng giao thông tăng gấp 60-70 lần, sản xuất nông nghiệp được hiện đại hóa bằng máy móc, đi lại của nông dân chủ yếu bằng xe máy, ô tô thì những CK này không còn hợp lý nữa.
Tuy nhiên, những người tôi gặp ở các đầu cầu đều thể hiện sự lo ngại lớn của họ khi nói đến CK có tên dân tự đặt là cầu “Trường học”. Sở dĩ có tên này vì bên này cầu (phía UBND xã Phúc Trìu) có Trường Mầm non, bên kia cầu có Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở. Ngày ngày, qua lại trên cầu “Trường học” là hàng nghìn giáo viên và học sinh nhỏ tuổi.
Chị Lê Thị Kết là giáo viên Trường Tiểu học kể: Lo sợ nhất lúc học sinh tan trường. Các em nô đùa, chen chúc, cầu thì bé quá, sểnh chân một cái là rơi xuống kênh ngay. Con tôi chứ ai, cháu được cô giáo đèo xe máy, cầu đông, cô chống chân xuống, trượt một cái, hai cô trò ngã cắm đầu, may kênh nhiều nước lại có người cứu ngay, chứ rơi vào hòn đá thì…
Đã xảy ra những cái chết thương tâm đến nay nhiều người còn nhớ: Bố con ông Hợp đèo nhau cua lên mặt cầu nhưng bị trượt chân ngã xuống chết cả hai; một học sinh nữ 16 tuổi ngã không ai biết, dạt xác xuống tận xóm Lai Thành mắc vào rọ tôm…
Thấy tôi loanh quanh chụp ảnh ở cầu “Trường học”, chị Trịnh Thị Phương, bán thịt lợn ở đầu cầu quan tâm lắm: Khảo sát làm cầu cho các cháu đỡ khổ phải không cô? Rồi chẳng đợi tôi hỏi, chị bảo: Xã thấy cầu nguy hiểm quá nên làm cho cái lan can, đổ xiên xẹo rồi nhưng cũng cứu được ối vụ cô ạ. Năm nào cũng có người, xe đạp, xe máy “nhảy dù” từ cầu xuống đấy. Mỗi khi học sinh tan học là dân hai bên kênh nhắc nhở, quát nạt, sẵn sàng ứng cứu nếu có chuyện xảy ra.
Trưởng xóm Khuân 1 Đặng Văn Lâm tôi tìm gặp nhưng không có nhà, con gái ông là Đặng Thị Bích Diệp, Phó Bí thư Chi đoàn kể cho tôi nghe những tai nạn cô từng chứng kiến ở cây cầu này. Diệp kể: Cháu nhớ nhất lần hai cô đèo bao tải chè cồng kềnh ngã trên cầu xuống, tóc hai người quấn vào xe, bố cháu phải lấy kéo cắt mới lôi người lên được. Hai năm trước, cầu chưa có lan can, mỗi tuần 2-3 vụ học sinh ngã xuống kênh. Chi đoàn chúng cháu hiện đang tổ chức dạy bơi cho trẻ con trong xóm, có 15 cháu học, 3 anh chị đoàn viên dạy, mục đích là để chống đuối nước cô ạ.
Gặp tôi ngay đầu cầu lúc gần 12 giờ trưa, thày giáo Trần Văn Trung, hiệu trưởng Trường THCS vừa để mắt đám học trò đang đói ngấu vội qua cầu về nhà ăn cơm vừa thổ lộ: Những cây CK thế này không chỉ nguy hiểm cho người qua lại mà còn hạn chế sự phát triển kinh tế của xã. Ví dụ, đầu năm học mới, cán bộ, phụ huynh về trường khai giảng mà đi ô tô là phải gửi xe bên này đi bộ sang. Rồi việc chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng… cũng bị cản trở, ách tắc.
Vắt vẻo cầu “khỉ”
Bắc qua kênh Núi Cốc, ngoài 7 CK bằng bê tông cốt thép như đã miêu tả, còn có 1 cây cầu “khỉ”. Vài cái cột cắm xuống, vài đoạn tre nối vào nhau vắt sang bờ bên kia, thế là thành cây cầu. Ông Đinh Xuân Độ (90 tuổi) và bà Trần Thị Thắm (81 tuổi) là người “khai sinh” ra cầu này.
- Nhà tôi ở bên kia kênh, con cái làm cho cái quán ti ti bên này bán hàng, mỗi ngày cả gốc cả lãi được vài chục nghìn đồng. - bà Thắm xởi lởi cho biết.
Khi tôi hỏi về cây cầu đặc biệt trước nhà, bà bảo: - Cái hồi xây kênh, tôi nói với chú thợ làm ơn đổ sẵn cho tôi mấy cái lỗ bê tông. Thế rồi tôi hô hào mọi người làm ra cái cầu này được 24 năm rồi.
Ông bà Độ - Thắm là 1 trong 70 hộ dân theo đạo Thiên chúa của xóm Lai Thành. Anh Ngô Văn Thành, Trưởng hội Gia trưởng (một nhóm khoảng 30 gia đình) cho biết: cứ vào ngày nghỉ, các dịp lễ là bà con giáo dân của xóm và những vùng khác đi lễ nhà thờ xứ Tân Cương (bên kia kênh) rất đông. Nếu qua cầu “khỉ” này chỉ mất 15 phút là đến nhà thờ, còn đi đúng đường thì phải vòng khoảng 2km. Chúng tôi tha thiết mong muốn cấp trên giúp xóm tôi một cây cầu vững chắc hơn ở vị trí này, tiện cho chúng tôi đi lễ Nhà thờ - anh Thành nói.
Bà Thắm vừa chống gậy lò dò ra “cầu khỉ” vừa kể: 3 vụ suýt chết ở đây cô ạ. Cháu ngoại tôi là Đỗ Thị Thu Hoài rơi xuống, tôi lao ra kéo vào thì cháu đã ngất, may được hô hấp sống lại đấy.
Trở về UBND xã Phúc Trìu, những điều thấy, nghe được của tôi cũng là trăn trở nhiều năm qua của lãnh đạo xã. Ông Trịnh Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã đưa tôi xem Tờ trình về việc xây dựng cầu qua kênh chính Núi Cốc ông vừa ký trước đó vài phút. Ông Xuyên bày tỏ: Xã Phúc Trìu thuần nông, kinh phí dành cho tu bổ, sửa sang những cây CK rất ít. 7 cây CK đều nguy hiểm cả, nhưng cầu “Trường học” nguy hiểm nhất nên chúng tôi làm Tờ trình này lên Thành phố và Công ty Khai thác thủy lợi, đề nghị ưu tiên xây cầu cứng qua vị trí này, khái toán khoảng 1,7 tỷ đồng…
Nói đến tiền tỷ là rất to. Nhưng so với nhu cầu cuộc sống của 6.000 dân, nhất là so với giá trị mạng người lại là quá nhỏ.
Người dân Phúc Trìu một lần nữa hy vọng sẽ có cầu rộng, an toàn để sử dụng. Nhưng hy vọng liệu có thành thất vọng như nhiều lần trước?