Ngăn chặn tình trạng xe quá tải: Cần chặn gốc, đón đầu

08:31, 20/08/2014

Sau 6 tháng triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ của lực lượng liên ngành Giao thông vận tải - Công an, tình trạng xe ôtô chở quá tải trọng đã giảm xuống rõ rệt.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ nhiều bên, ý kiến của nhiều chuyên gia và cả lực lượng thực thi nhiệm vụ, để xử lý tận gốc vấn nạn xe quá tải, thì chỉ tăng cường tuần tra, kiểm soát là chưa đủ mà phải có những biện pháp phối hợp, vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành - những giải pháp chặn gốc, đón đầu.

 

Đồng bộ từ nhập khẩu, thiết kế phương tiện

 

Theo tổng hợp của Bộ Công an, sau 6 tháng triển khai phối hợp, các trạm kiểm tra tải trọng xe trong cả nước đã dừng, kiểm tra 44.531 xe ôtô, phát hiện và lập biên bản 16.418 trường hợp (chiếm 17%); xử phạt kho bạc Nhà nước thu 46,3 tỷ đồng.

 

Đáng chú ý, theo phân tích, trong số các trường hợp vi phạm, có đến hơn 5.200 trường hợp vi phạm chở quá tải trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên.

 

Trong quá trình kiểm tra xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố, theo phản ánh của lực lượng chức năng, một trong những khó khăn thường gặp là quy định của pháp luật về nhập khẩu chưa chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu có xe tải trọng lớn hơn thiết kế của cầu, đường bộ. Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, cơi nới thành, thùng xe nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.

 

Theo Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam, từ kinh nghiệm của đơn vị trong xử lý xe quá tải trên địa bàn, nhất là các tuyến đường quốc lộ, để ngăn xe quá tải, cần cấm nhập khẩu xe có kích thước thùng chở hàng lớn vượt quá kích cỡ tiêu chuẩn lưu hành.

 

Để xử lý tận gốc vấn đề này, các đơn vị có chức năng kiểm soát nhập khẩu phương tiện hoặc cấp phép thiết kế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng cần không cấp phép nhập khẩu, lưu hành đối với những loại xe tải có thùng hàng vượt quá kích thước lưu hành trên các tuyến đường giao thông trong nước.

 

Phải kiểm soát thùng hàng mở rộng tới hầu hết các chủng loại xe ôtô vận tải hàng hóa, không chỉ dừng ở xe xitec và xe tự đổ như trước đây.

 

Quan điểm này cũng được cả giới tài xế xe tải đồng tình, bởi một tình trạng thực tế là có nhiều xe lái xe tải ngay khi nhận xe mới đã có kích thước thùng hàng cỡ lớn, vượt chuẩn. Với kích thước sẵn có như vậy, giới tài xế thường bị chủ xe, chủ hàng yêu cầu chở với khối lượng lớn, vừa kích thước thùng hàng nhưng lại vượt chuẩn lưu hành của Bộ Giao thông vận tải.

 

Giới chuyên gia cũng có kiến nghị cơ quan đăng kiểm cần dừng đăng kiểm xe vi phạm cơi thùng đối với những xe tải đã và đang hoạt động; dừng việc đăng kiểm đối với những xe vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng xe tại chu kỳ kiểm định tiếp theo.

 

Theo một chuyên gia về giao thông, quy chuẩn về thùng hàng với xe tự đổ, xe tải, xe xitéc tham gia giao thông chỉ được chở khối lượng hàng hóa thấp hơn khả năng chịu tải lớn nhất của các trục xe theo quy định của nhà sản xuất, đồng thời không được lớn hơn giới hạn tải trọng trục và giá trị khối lượng toàn bộ xe cho phép tham gia giao thông. Kích thước thùng hàng được quy định chi tiết về chiều dài, chiều rộng và chiều cao cho từng loại xe nhằm tránh việc chở hàng quá tải.

 

Theo Đại tá Trần Trọng Đạo, thực tế đã phát hiện có những trường hợp nhiều doanh nghiệp cố tình lách luật bằng cách dùng thùng hàng thấp, thùng hàng có trọng lượng siêu nhẹ để lọt qua cửa cơ quan đăng kiểm. Sau đó, khi sử dụng, họ lại gia cường, lắp thùng hàng khác vào để chở, khiến tải trọng hàng chở tăng gấp vài lần so với mức được phép, gây ra tình trạng quá tải.

 

Xe quá tải, nhà thầu cũng phải chịu phạt

 

Bao giờ cũng vậy, để giảm chi phí vận chuyển, chủ hàng hoặc đối tượng cấp hàng luôn thường buộc doanh nghiệp vận tải, chủ xe chở hàng trong thời gian nhanh nhất. Chủ doanh nghiệp vận tải cũng từ đó muốn có lợi nhuận nhiều và nhanh cho xe chở quá tải để sớm hoàn tất hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

 

Cho đến nay, việc xử phạt các đối tượng trên vẫn chưa được pháp lý hóa nên còn nhiều phương tiện vẫn tiếp tục chở hàng quá tải theo yêu cầu của chủ hàng. Vì vậy khi xảy ra tình trạng xe chở quá tải vi phạm giao thông hoặc bị phát hiện xe làm hư hại cầu đường thì pháp luật cũng phải điều chỉnh bổ sung đối tượng cấp hàng cùng chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm này.

 

Theo Trung tá Nguyễn Đình Đuân - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an, cần “đón đầu” trong xử lý xe quá tải bằng cách xây dựng chế tài xử phạt đối với những nhà thầu, bến cảng, đơn vị thi công có nhận xe quá tải phục vụ công trình. Cảnh sát giao thông chặn đường đi, nhà thầu chặn điểm đến, để xe quá tải không còn đất “diễn."

 

Để thực hiện được việc này, ngành giao thông, xây dựng cần giữ vai trò chủ chốt, quyết liệt trong mọi công trình. Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra công trường và nghiêm cấm vi phạm về quá tải hoạt động tại khu vực công trường.

 

Yêu cầu chủ phương tiện cam kết không sử dụng xe vi phạm kích thước thùng hàng, không chở hàng quá tải, nếu vi phạm bị chấm dứt hợp đồng. Nhà thầu để xe ôtô vi phạm kích thước thùng hàng, chở vật liệu quá tải cho dự án sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động. Những nhà thầu tái phạm sẽ bị xem xét việc không ký hợp đồng thi công.

 

Mặt khác, có lẽ cần đưa thẳng nội dung cam kết tuân thủ đúng quy định về tải trọng phương tiện và kích thước thùng hàng xe khi vận chuyển vật liệu cho dự án thành một cam kết trong hợp đồng và coi đây là một trong những tiêu chí để xem xét việc chấm dứt hợp đồng nếu để xảy ra vi phạm.

 

Trên một góc nhìn trách nhiệm lớn hơn, cũng phải quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị các lực lượng chuyên ngành, người đứng đầu chính quyền các cấp địa phương nếu để xảy ra tình trạng xe chở quá tải trong phạm vi đơn vị, địa phương mình có trách nhiệm quản lý. Phải buộc người quản lý địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải gây tai nạn trên phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý./.