Theo lời đề nghị của nhiều người dân, chúng tôi đã đi trên đoạn đường nối từ đầu cầu Bằng xã Tân Đức, thuộc xóm Diễn Ngoài, rồi đi qua các xóm Hân, Vực Giảng, Trụ Sở, Cà (xã Tân Hòa), nối tiếp là Vo, La Lẻ (xã Tân Thành) và kết thúc là ở 6 xóm của xã Tân Kim. Tuyến đường nNhỏ hẹp, lầy lội, có những đoạn tưởng chừng không thể đi được...
Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ đầu cầu Bằng xã Tân Đức. Con đường rộng chừng 2m với lổn nhổn đất đá vậy nhưng theo bà con ở đây thì việc đi lại của người dân đã dễ dàng hơn mấy tháng trước rất nhiều vì xóm vừa tổ chức huy động người dân vá lấp mặt đường. Ngoài số tiền trích từ quỹ chung của xóm, mỗi hộ dân nơi đây phải đóng góp 200 nghìn đồng cho việc vá lấp này. Tuy nhiên, do việc san sửa hoàn toàn bằng thủ công, không được lu lèn theo đúng quy trình nên chỉ là giải pháp tình thế, do đó, tuổi thọ mặt đường chắc chắn sẽ không dài. Nhiều người dân lo ngại, có lẽ chỉ sau mùa mưa bão năm nay, mặt đường sẽ lại trở về nguyên trạng và như thế, sự thiếu an toàn cho người tham gia giao thông trên đoạn đường này sẽ lại hiện hữu. Và rồi, sẽ lại có những tai nạn giao thông xảy ra như đối với trường hợp của bà Dương Thị Đáng (người dân trong xóm đã tự ngã khi đi xe đạp) phải khâu hàng chục mũi ở đầu vì đường quá trơn.
Trong 4 xã có tuyến đường đi qua, Tân Hòa là xã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với chiều dài trên 6km, đi qua các xóm: Làng Hân, Vực Giảng, Trụ Sở và Cà. Ở những xóm này, ngày nắng đi lại vất vả một thì ngày mưa đi lại vất vả gấp hàng trăm lần. Nhất là hồi đầu năm nay, nhiều tháng liền trời đổ mưa, chẳng ai muốn bước chân ra khỏi nhà. Thậm chí, ngay cả ô tô cũng không thể đi được. Nhiều gia đình chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại phải thuê chở từng bao cám trên chiếc xe Minsk khiến giá thành đội lên đáng kể. Đồng chí Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: 100% người dân sống dọc tuyến đường và bị ảnh hưởng bởi tuyến đường này đều phải mua ủng để đi vào những ngày trời mưa. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải sắm xe rùa để đẩy con đến trường. Không ít đám cưới phải thuê xe công nông hoặc dùng xe trâu làm xe hoa. Những câu chuyện thoạt nghe tưởng đùa nhưng lại đã và đang hiện hữu ở những gia đình sống dọc tuyến đường này.
Theo đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, trên địa bàn huyện hiện vẫn còn nhiều tuyến đường liên xã là đường đất và đã xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của người dân, tuy nhiên, đây đang là tuyến đường nhỏ hẹp, lầy lội, khó khăn nhất của huyện và số hộ dân bị ảnh hưởng cũng rất lớn - khoảng trên 1 nghìn hộ, mà trực tiếp nhất là 14 xóm, thuộc 4 xã: Tân Đức (2 xóm), Tân Hòa (4 xóm), Tân Thành (2 xóm) và Tân Kim (6 xóm). Trong đó, Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim là những xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chưa lúc nào người dân lại không đề cập đến con đường này và họ luôn mong mỏi con đường sẽ sớm được Nhà nước quan tâm đầu tư.
Hiện nay, trong tổng số hơn 13km của tuyến đường, có 3km thuộc xóm Cà và một phần xóm Trụ Sở (xã Tân Hòa) và xóm Vo (xã Tân Thành) đã được người dân tự nguyện hiến đất mở rộng mặt đường lên từ 6-8m. Theo đại diện lãnh đạo chính quyền các xã có tuyến đường đi qua, đại bộ phận người dân sống dọc tuyến đường đều sẵn sàng hiến đất để mở rộng mặt đường. Nhiều hộ không ngần ngại đăng ký hiến vài trăm, thậm chí cả nghìn m2 đất sản xuất cũng bởi họ quá khát khao về một con đường rộng rãi, bằng phẳng để thuận tiện cho đời sống sinh hoạt, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Và đối với họ, đây là điều duy nhất họ có thể làm, chứ nếu bảo họ phải đóng góp tiền bạc để bê tông hóa tuyến đường có lẽ sẽ là điều không thể vì phần lớn người dân nơi đây đều rất khó khăn. Nhiều xóm như Hân, Cà thuộc xã Tân Thành là những xóm 135, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lớn. Trong khi đó, để làm được tuyến đường này cần một khoản đầu tư không hề nhỏ.
Được biết, từ năm 2008, tuyến đường này đã được quy hoạch nằm trong dự án đầu tư xây dựng công trình đường Tân Đức - Tân Hòa - Tân Thành - Tân Kim - Tân Khánh - Bàn Đạt - Đồng Liên (huyện Phú Bình) với quy mô chiều dài là 24,4km, đường cấp VI miền núi, với tổng mức đầu tư là hơn 47 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1591. Trước những khó khăn mà người dân đang gặp phải từ tuyến đường, rất cần sự quan tâm, đầu tư sớm của Nhà nước để giúp các hộ dân nơi đây vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình.