Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, từ năm 1960, quân đội ta bắt đầu xây dựng lực lượng không quân. Tuy nhiên, những sân bay cũ như Gia Lâm, Bạch Mai… chỉ có thể phục vụ việc luyện tập rất hạn hẹp của không quân trong thời kỳ đầu.
Chính vì vậy, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã giao cho Đảng Bộ GTVT cùng với Bộ Quốc phòng xây dựng một số sân bay mới. Đây là công việc rất mới mẻ đối với ngành GTVT.
Sân bay đầu tiên mà Bộ GTVT phụ trách thi công là Sân bay Đa Phúc (nay là Sân bay Nội Bài). Việc thiết kế do Bộ Quốc phòng đảm nhận (có chuyên gia nước ngoài giúp). Kinh phí cũng do Bộ Quốc phòng chuẩn bị. Bộ GTVT đảm nhận tổ chức thi công.
Công trường xây dựng được gọi là Công trường 120 do đồng chí Đặng Hạ phụ trách (đồng chí Đặng Hạ sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường sắt).
Ngành GTVT đã huy động một lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật, công nhân và nhiều thiết bị để thi công. Các cán bộ ngành GTVT lúc bấy giờ một mặt đã không quản ngày đêm làm việc miệt mài, mặt khác vẫn đảm bảo giữ bí mật về công trình một cách tuyệt đối.
Mặc dù lần đầu tiên xây sân bay phản lực hạng nặng, còn thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ nỗ lực nghiên cứu, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới và với tinh thần lao động quên mình của hàng nghìn cán bộ và công nhân, công trình đã được hoàn thành đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt.
Suốt thời kỳ chống Mỹ, Sân bay Đa Phúc là căn cứ chủ yếu của không quân ta, dùng để chiến đấu với máy bay Mỹ và đã lập nên những chiến công vẻ vang.
Sau thành công trong việc thi công Sân bay Đa Phúc, ngành GTVT đã được tin tưởng giao nhiệm vụ cùng lực lượng công binh xây dựng thêm các sân bay Kép (Bắc Giang), Hòa Lạc (Hà Tây), Vinh (Nghệ An) và Yên Bái. Những sân bay trên cũng được hoàn thành tốt và bàn giao cho Bộ Quốc phòng.