Thúc đẩy vận tải thủy khu vực ĐB sông Hồng

15:37, 06/08/2014

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Hồng diễn ra hôm qua (5/8), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, lâu nay chúng ta đầu tư lệch cho đường bộ quá nhiều mà ít quan tâm đến các lĩnh vực vận tải khác. Vận tải thủy nội địa vừa có lợi thế về địa lý, đầu tư ít, giá cước lại rất rẻ thì không có lý gì không thúc đẩy phát triển.  

Lợi thế chưa được phát huy

 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên, tình hình mất cân đối trong cơ cấu đầu tư, đặc biệt giữa đường bộ với các lĩnh vực khác, trong đó có đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã diễn ra trong một thời gian dài. Bộ GTVT đã có nhiều biện pháp nhưng đến nay loại hình vận tải này vẫn còn nghèo nàn, chưa khai thác hết tiềm năng.

 

“Hiện hệ thống ĐTNĐ vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đảm nhận khoảng 15 - 17% khối lượng vận tải, chủ yếu vận chuyển cát, tỷ lệ các loại hàng hóa khác rất ít. Vì sao vận tải đường bộ có cự ly xa hơn, khối lượng vận chuyển không lớn trong khi vận tải thủy nội địa vừa có lợi thế về địa lý, giá cước rẻ nhưng lại không phát huy được? - Thứ trưởng Viên đặt câu hỏi.

 

Ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN lý giải: “Điểm nghẽn là những bất cập về hạ tầng. Bên cạnh đó là tình trạng cảng bến phân tán và không đồng bộ. Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính và phương tiện cũ, không phát huy được lợi thế. Không những thế, quản lý Nhà nước chưa chú trọng, không có sự điều tiết của nhà nước để tạo điều kiện cho phát triển, chưa phát triển vận tải đa phương thức để vận tải thủy phát triển. Với tình trạng đó, các doanh nghiệp khó tiếp cận với các mặt hàng siêu trường, siêu trọng. Vì thế, vận tải thủy tại khu vực Đồng bằng sông Hồng từ năm 2008 - 2013 luôn có xu hướng giảm”.

 

Với tư cách là doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy cho biết: “Vận tải thủy được đầu tư quá ít. Có những cái rất đơn giản nhưng không thực hiện được. Chẳng hạn tuyến Hà Nội - Việt Trì cứ mùa nước cạn là không đi được. Vận tải thủy so với đường bộ rẻ hơn tới 10 lần. Nếu vận tải thủy từ Hà Nội đi Việt Trì chỉ có 145.000 đồng/tấn hàng thì đường bộ là 260.000 đồng/tấn hàng. Vì thế cần đầu tư về hạ tầng để phát triển vận tải đường thủy, kết nối giữa đường thủy với các loại hình vận tải khác”.

 

Thay đổi từ nhận thức

 

Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, để thay đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy, trước hết phải thay đổi nhận thức về loại hình vận tải này. Bên cạnh đó cần tập trung triển khai Luật Giao thông ĐTNĐ để tạo ra các hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy phát triển và cần có cơ chế thu hút được các nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia phát triển ĐTNĐ.

 

Thời gian tới, cần tập trung tái cơ cấu ngành GTVT theo hướng sắp xếp, phân bổ hợp lý các lĩnh vực vận tải, tránh tình trạng đầu tư lệch cho đường bộ. Bộ GTVT sẽ xử lý các vấn đề chưa rõ ràng giữa lĩnh vực ĐTNĐ và hàng hải để tránh chồng chéo, tạo cho hai bên cùng phát triển. Bộ cũng sẽ đề xuất cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy nội địa, cảng, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư cảng, phương tiện thủy. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ tập trung phê duyệt các dự án, đề án, luồng tuyến đã được quy hoạch. Sớm công bố các luồng tuyến, có giải pháp kết nối các phương thức vận tải pha sông biển.

 

Đối với các doanh nghiệp vận tải thủy, Bộ sẽ tạo cơ chế thúc đẩy tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo liên kết giữa chủ hàng với các doanh nghiệp, tạo nguồn nhân lực cho vận tải thủy. Nâng cao hạ tầng, bốc xếp hiện đại để có thể giải phóng nhanh hàng hóa. Phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức.

 

“Việc đầu tư phát triển vận tải thủy nội địa là nằm trong chiến lược tái cơ cấu ngành GTVT góp phần đảm bảo trật tự ATGT và giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, phát huy lợi thế địa phương, tạo ra thị trường vận tải mới, có giá cước hợp lý…” - Bộ trưởng kết luận.