Xóa "điểm đen" trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

08:54, 03/08/2014

Ðường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được thông xe toàn tuyến, đi vào khai thác từ tháng 1-2014, tuy nhiên, dự án này vẫn chưa hoàn thiện toàn bộ hạng mục do một số hộ dân cản trở thi công, nhiều người trèo qua rào hộ lan băng qua đường, gây mất an toàn giao thông. Với quyết tâm hoàn thành đồng bộ các hạng mục, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo quyết liệt để gỡ bỏ các "điểm đen" trên tuyến.

Mặc dù tuyến đường đi vào khai thác đã sáu tháng, nhưng công tác quản lý, vận hành vẫn chưa chính quy, chuyên nghiệp. Nhiều hạng mục phụ trợ trên tuyến vẫn còn dở dang, là nguyên nhân khiến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có nhiều "điểm đen" về tai nạn giao thông. Trên toàn tuyến dài 64 km, vẫn còn nhiều vị trí chưa thể đóng được hệ thống rào ray, lưới B40, người dân vẫn thoải mái băng cắt ngang đường, có thể dẫn tới tai nạn nghiêm trọng bất cứ lúc nào. Ðoạn đường qua địa phận Thái Nguyên còn nhiều điểm giao cắt nguy hiểm, trong đó vị trí đấu nối vào khu công nghiệp Yên Bình (Km 43+920) do doanh nghiệp địa phương tự mở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhất. Mỗi ngày, có hàng trăm công nhân bắc thang gỗ, leo qua rào hộ lan để băng qua mặt đường. Cũng từ những đường ngang mở tự phát, người dân sống dọc tuyến đường đi xe máy lưu thông ngược chiều hoặc lùa gia súc băng ngang tuyến cao tốc.

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, kể từ khi đi vào khai thác, trên tuyến đường đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm ba người chết, bảy người bị thương. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân tự ý tháo dỡ, lấy cắp bu-lông, rào ray và một số đoạn đường bắt đầu xuất hiện hằn lún bề mặt.

 

Ngay sau khi Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng chỉ đạo, chấn chỉnh chủ đầu tư, nhà thầu nhằm gấp rút sửa chữa, hoàn thiện các hạng mục dở dang, Ban quản lý dự án (PMU) 2 đã phối hợp các đơn vị rà soát tất cả hạng mục, tổ chức thi công dứt điểm nhằm hoàn thành trước mùa mưa để bảo đảm an toàn công trình. Ngày 1-8, đi thực tế trên tuyến, chúng tôi nhận thấy, công tác bảo đảm giao thông đã có nhiều cải thiện. Hầu hết các đường ngang dân sinh tự phát đã được các đơn vị quản lý đóng lại, ngăn xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc. Công ty cổ phần Quản lý đường bộ 238 được chủ đầu tư giao quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường này. Phó Giám đốc công ty Lại Huy Xuân cho biết, công ty đã tăng cường nhân lực tuần tra, xử lý các nhà thầu để vật liệu rơi vãi trên đường; vệ sinh mặt đường, tổ chức đóng các điểm người dân mở tự phát qua lại. Theo Phó Tổng giám đốc PMU 2 Lưu Việt Khoa, hiện tại trên tuyến vẫn còn lại hai điểm "găng" nhất là vị trí cầu vượt đường ngang FO1 (thuộc gói thầu PK 1A) và nút giao Yên Bình (gói PK 2).

 

Cầu vượt đường ngang FO1 thuộc địa phận xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chỉ mới được thi công trở lại từ ngày 30-7, sau một thời gian dài người dân cản trở thi công. Chính cầu vượt FO1 chưa hoàn thành, dẫn đến việc người dân mở đường ngang dân sinh tự phát tại cùng vị trí để đi ngang qua đường cao tốc. Qua xem xét các kiến nghị của nhân dân, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan của dự án nghiên cứu giảm bớt độ dốc dọc một đoạn tuyến từ 4% theo tiêu chuẩn kỹ thuật xuống còn 2,85% và mở rộng tối đa bán kính đường cong nằm (mặc dù các đơn vị đã thiết kế bán kính đường cong bằng 150 m). PMU 2 đã thống nhất với địa phương các biện pháp bảo vệ thi công và thay thế đơn vị thi công để huy động máy móc thiết bị, hoàn thiện các hạng mục nhỏ lẻ. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành các hạng mục của cầu vượt này vào ngày 15-8, đóng được rào ray tại đây. Tại nút giao Yên Bình (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), hiện tại công trường thi công vẫn còn ngổn ngang. Nút giao này gồm cầu vượt và đoạn đường dài gần ba km nối từ đường cao tốc ra quốc lộ 3 cũ. Nhà thầu tham gia thi công đường ngang nút giao này liên tục bị cản trở, mặc dù người dân đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho dự án. Trước tình hình đó, ngày 23-7, Bộ GTVT đã có công điện gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng. Tuy nhiên, hiện tại còn vướng bốn hộ vẫn cản trở, ảnh hưởng tiến độ thi công nền đường và cầu vượt đường sắt. Ðoạn 80 m đầu tuyến, nhà thầu mới nhận mặt bằng trong tháng 7, nhưng hệ thống công trình công cộng như đường điện, cáp quang, ống nước vẫn chưa được di dời, mặt bằng vẫn là trở ngại lớn nhất để hoàn thành nút giao này. Chúng tôi nhận thấy, cách đó chỉ vài trăm mét, xe chở vật liệu, đất đá, xe máy, xe thô sơ vẫn đi ngang qua đường cao tốc. Xử lý tình trạng hằn lún mặt đường, PMU 2 đã yêu cầu nhà thầu tiến hành sửa chữa các đoạn hằn lún, với tổng chiều dài khoảng sáu km. Những đoạn hằn lún nhỏ và ổn định, chủ đầu tư sẽ theo dõi tiếp trong một đến hai tháng tới, sau đó sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa lại để bảo đảm êm thuận.

 

Ngoài hai vị trí cầu vượt FO1 và nút giao Yên Bình đang khẩn trương thi công, chủ đầu tư tích cực phối hợp nhà thầu, đơn vị quản lý, bảo trì tổ chức đóng 14/18 điểm có hiện tượng người dân tháo dỡ hàng rào ray, hộ lan hai bên để qua lại, bốn vị trí cuối cùng sẽ xử lý dứt điểm sau khi hoàn thành đường gom. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã tổ chức lực lượng chốt chặn tại các điểm ra vào trên tuyến, ngăn không cho xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc. Các lực lượng này cũng thường xuyên phát loa, tờ rơi tuyên truyền người dân sống dọc tuyến đường về các quy định khi tham gia giao thông. Theo đánh giá của thanh tra viên Nguyễn Xuân Khiết, thuộc đội thanh tra giao thông (Cục Quản lý đường bộ 1) ứng trực trên tuyến, tình trạng lộn xộn trên tuyến trong những ngày gần đây đã giảm hẳn, có chuyển biến tích cực.

 

Ðường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sau khi thông xe, đi vào khai thác đã tạo thuận lợi rất lớn cho các địa phương có tuyến đường đi qua, nâng cao năng lực kết nối, rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Thái Nguyên. Tuyến đường này sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi hoàn thành đồng bộ, sẽ bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi lưu thông ở tốc độ cao.

 

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ -đường sắt, kể từ khi đi vào khai thác, trên tuyến đường đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm ba người chết, bảy người bị thương. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân tự ý tháo dỡ, lấy cắp bu-lông, rào ray và một số đoạn đường bắt đầu xuất hiện hằn lún bề mặt.