Chạy quá tốc độ quy định dường như đã trở thành “căn bệnh” đối với một số người tham gia giao thông nhất là trên các tuyến Quốc lộ. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt là đối với các vụ TNGT nghiêm trọng.
21h, chúng tôi theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh tuần tra kiểm soát, xử lý xe vi phạm tốc độ trên tuyến Quốc lộ 3, đoạn thị trấn Giang Tiên. Tại đây, lực lượng chức năng đã lập chốt thực hiện việc bắn tốc độ đối với xe chạy trên đường. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ lực lượng chức năng đã phát hiện trên 10 trường hợp vi phạm về tốc độ. Theo quan sát của chúng tôi, tỷ lệ xe vi phạm tốc độ khi đi trên tuyến đường này là rất cao, chiếm khoảng 50-60%.
Đồng chí Trần Trung Dũng, cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt cho biết: Thực trạng trên diễn ra thường xuyên ở đây. Xe vi phạm về tốc độ chủ yếu tập trung ở các tuyến Quốc lộ, đặc biệt là ban đêm tỷ lệ xe vi phạm càng nhiều. Chủ yếu các xe vượt tốc độ ở mức 10-20%, cá biệt có trường hợp vượt đến 40% như trường hợp lái xe ô tô biển kiểm soát 29C-32922 đi với tốc độ 90km/h, trong khi đoạn đường này quy định tốc độ tối đa là 50km/h. Cùng với xe ô tô thì xe mô tô vi phạm tốc độ cũng khá phổ biến, cứ 10 xe mô tô tham gia giao thông thì có 2-3 xe vi phạm.
Khi được hỏi hầu hết những người vi phạm đều cho rằng vẫn làm chủ được tốc độ, họ chỉ chạy xe nhanh ở những đoạn đường đường rộng, vắng người qua lại… một tài xế lái xe vi phạm giấu tên cho biết: “Khi tôi chạy xe đến địa phận xã Sơn Cẩm (Phú Lương), bị CSGT ra hiệu dừng xe lập biên bản xử lý, tôi mới biết là trước đó mình đã bị bắn tốc độ. Do đoạn đường này ít phương tiện qua lại và đường rộng nên tôi mới tăng tốc…” Chính vì suy nghĩ chủ quan này mà hằng năm đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến tốc độ, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong đó có những vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Qua số liệu điều tra của cơ quan chức năng thì trên 90% nạn nhân tử vong từ những vụ TNGT có liên quan đến hành vi vi phạm tốc độ. Thế nhưng, trên các tuyến giao thông vẫn còn khá nhiều phương tiện chạy quá tốc độ khi tham gia giao thông. Biết được hậu quả nhưng vẫn vi phạm, điều này đã trở thành thói quen của không ít người tham gia giao thông.
Để giảm thiểu TNGT và những thiệt hại về người và tài sản do TNGT cần phải thay đổi cách nghĩ và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Xác định rõ điều này, Phòng CSGT Công an tỉnh cùng với các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm kiềm chế các vi phạm về tốc độ. Trong đó, tập trung vào kiểm tra, xử lý, lập chốt bắn tốc độ trên các tuyến đường, sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại để bắn tốc độ cả ngày lẫn đêm.
Đồng chí Trần Minh Đức, Phó phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Hiện, Phòng được trang bị máy bắn tốc độ hiện đại. Với loại máy này, CSGT sẽ ghi hình xe vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội. Việc bắn tốc độ được lực lượng CSGT thay đổi địa điểm liên tục để thực sự phát huy hiệu quả. Tránh trường hợp đứng lâu tại một địa điểm, các phương tiện thông báo cho nhau giảm tốc độ khi đến đoạn đường có CSGT. Tính riêng trong tháng cao điểm về xử lý xe chạy quá tốc độ từ 1-7-2014 đến nay, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 458 trường hợp vi phạm về tốc độ, trong đó có 58 xe ô tô, còn lại là xe mô tô. Toàn bộ các trường hợp này, lực lượng CSGT đã, đang kiên quyết xử lý nghiêm không nương tay.
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm tốc độ, Ban ATGT tỉnh cũng đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt... nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe, gắn trách nhiệm của người lái xe với công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự vận tải. Tính từ đầu năm đến nay, Ban ATGT tỉnh đã cấp phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền, căng treo hàng trăm panô, áp phích, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tại các đơn vị, trường học, địa phương… qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.