Xã Bình Sơn (T. X Sông Công) là địa phương bị ảnh hưởng lớn sau cơn bão số 3 vừa qua. Đặc biệt, 2 cây cầu sắt để người dân vượt sông Công sang T.P Thái Nguyên bị nước cuốn trôi khiến người dân, học sinh phải đi đoạn đường xa gấp đôi, một số người lại mạo hiểm vượt sông bằng thuyền.
Sau cơn bão số 3, chúng tôi đến xóm Bình Định 3 là một trong những xóm có nhiều nhà dân bị ngập nước trong cơn lũ vừa qua. Một số người dân đang vật lộn để kéo những gì còn sót lại của cây cầu nối giữa xóm Bình Định 3 với xóm Bàn Tiến (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) lên bờ. Anh Lê Văn Cường (người góp vốn xây dựng cầu) thẫn thờ cho biết: Trong 2 năm chúng tôi đã bị cuốn trôi 2 cây cầu, bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư hết vào đây, tiền vốn chưa thu hồi được thì cầu đã bị cuốn trôi. Nhu cầu đi lại qua cầu của người dân ở đây rất lớn nhưng hiện tại chúng tôi không còn khả năng để dựng lại cầu.
Được biết, từ trước tới nay, người dân ở 3 xóm Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3 muốn đi sang T.P Thái Nguyên nhanh nhất chỉ có cách chèo đò hoặc dùng thuyền qua sông Công. Năm 2009, cây cầu sắt (do tư nhân đứng ra xây dựng) nối giữa Bình Định 1 với xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) được xây dựng. Đến đầu năm 2012, cây cầu sắt thứ 2 được xây dựng tại xóm Bình Định 3 nối với xóm Đà Tiến của xã Thịnh Đức. Tháng 6/2013, cây cầu này bị nước cuốn trôi. Tháng 9/ 2013, các anh lại góp gần 200 triệu đồng để xây dựng cầu mới. Việc xây dựng được 2 cầu sắt này đã giúp người người dân 3 xóm trên sang T.P Thái Nguyên gần hơn 7km. Nhưng sau cơn bão số 3 vừa qua, 2 cây cầu sắt này đã bị nước cuốn trôi khiến một số người dân, học sinh bất chấp nguy hiểm quay trở lại dùng thuyền vượt sông.
Vì nước sông chảy xiết nên một số người dân thấy việc đưa con em mình bằng thuyền qua sông rất nguy hiểm nên đã động viên các em đi xe đạp theo đường bê tông ra trung tâm xã rồi vòng lên Thịnh Đức để tới trường. Trong khi đó, một số người dân vẫn liều mình qua sông bằng thuyền. Khi cầu bị cuốn trôi, hơn 50 học sinh của 3 xóm này đang theo học tại Trường THPT Ngô Quyền phải đi tuyến đường xa gấp đôi (đạp xe 14 km). Em Phạm Thị Thảo ở xóm Bình Định 3 đang theo học lớp 12 A4, Trường THPT Ngô Quyền cho biết: Cây cầu sắt ở đây bị cuốn trôi khiến chúng em đi học rất vất vả. Trước đây, 6 giờ kém chúng em dậy chuẩn bị đi học là vừa thì nay phải dậy từ 4 giờ 30 phút sáng nhưng vẫn có buổi đi học muộn, ảnh hưởng tới việc học tập…
Việc cầu bị cuốn trôi không chỉ ảnh hưởng tới học sinh mà hơn 20 công nhân ở 3 xóm Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3 đang làm việc tại Công ty Sam Sung (Phổ Yên) cũng phải sang phường Thịnh Đán để đến điểm xe của Công ty đón đi làm.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Ngay sau cơn bão số 3 đi qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo khôi phục tuyến đò nối xóm Bình Định 1 với xã Tân Cương để giúp người dân có thể qua sông Công sang T.P Thái Nguyên nhanh hơn. Trong thời gian chưa khôi phục được tuyến đò, chúng tôi đã khuyến cáo người dân, học sinh không nên qua sông bằng thuyền vì như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Theo thông tin chúng tôi được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có dự án xây dựng cầu ở khu vực này (dự án cầu cấp thiết), tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cụ thể về thời gian. Trong khi chờ đợi một cây cầu mới được xây dựng người dân, hàng ngày vẫn phải đi một quãng đường rất xa. Bởi thế nhiều người còn đi thuyền để cho kịp thời gian làm việc, học hành việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người đi trên đoạn sông này.