Có nên cấm xe giường nằm chạy trên đường đèo dốc?

14:53, 06/09/2014

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) xe khách giường nằm (XKGN) thảm khốc xảy ra tại Lào Cai ngày 1-9 vừa qua đã là "giọt nước tràn ly". Ngay sau vụ tai nạn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ trương đề xuất cấm XKGN hoạt động trên đường đồi núi, đèo dốc. Chủ trương này ngay lập tức "gây sốc" đối với các hãng vận tải đang kinh doanh XKGN. Nên cấm hay không đối với loại hình vận tải này là vấn đề đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Tiện lợi, nhưng...

 

Khoảng năm 2006, hãng vận tải Hoàng Long "mở màn" dịch vụ XKGN đầu tiên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Ðến nay, số lượng XKGN trong cả nước đã tăng "chóng mặt" với hơn 4.500 chiếc, minh chứng hùng hồn về những ưu điểm mà loại hình vận tải khách này mang lại. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Ðình (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, XKGN hoạt động chủ yếu trên các tuyến từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Cao Bằng, Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai hoặc đi Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoạt động XKGN nở rộ từ năm 2010, sau khi bến Mỹ Ðình cho phép xuất bến ban đêm, những tuyến ít thì từ hai đến ba xe, nhiều lên tới 15 xe/đêm như các tuyến đi Sơn La, Quảng Ninh. Thậm chí, những tuyến như đi Ðiện Biên, Lai Châu, Cao Bằng,... hiện chỉ có XKGN hoạt động, còn xe ghế ngồi thường không có ai đi.

 

Người dân vẫn thích đi XKGN hơn vì xe này có không gian riêng, thoải mái và đỡ mệt mỏi hơn trên những hành trình dài, xe lại chạy ban đêm, giúp hành khách có thể ngủ đủ giấc trên xe, tiết kiệm thời gian, bảo đảm sức khỏe. Những cung đường quanh co, khách đi xe ghế ngồi dễ bị say xe hơn XKGN. Trên thực tế, XKGN đã có mặt ở nhiều tuyến đường trên cả nước với hàng trăm hãng xe hoạt động.

 

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (VATA) Thân Văn Thanh, XKGN là phương tiện vận tải hành khách chất lượng cao, đem lại nhiều tiện ích và thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý là hoàn toàn cần thiết, nhất là trong việc kiểm soát nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, để bảo đảm cho người dân được hưởng dịch vụ vận tải hành khách chất lượng và an toàn.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, tại Hà Giang có sáu hãng XKGN khai thác tuyến Hà Giang - Hà Nội và ngược lại. Ðó là các hãng Cầu Mè, Bằng Phấn, Hải Vân, Hiền Hương, Ngọc Cường và Hưng Thành. Các hãng đều có vé bán tại bến, song khách đều gọi đặt chỗ trực tiếp với nhà xe. Không hiếm trường hợp khi đặt chỗ, nhà xe báo còn giường, nhưng khi lên xe lại được bố trí ngủ ở sàn. Khách phản ứng, nhà xe mặc kệ. Vì cuối tuần, ngày lễ có được xe để đi đã là may mắn lắm.

 

Chặng Hà Giang - Hà Nội dài 330 km, những khách đặt vé muộn đành chấp nhận ngồi bệt theo kiểu "người nọ ngồi vào lòng người kia" suốt hành trình. Những dịp lễ, Tết, cuối tuần, mỗi xe có thể chở 60 đến 70 khách/chuyến. Phần lớn xe đều xuất phát buổi tối, đi suốt đêm, gần sáng sẽ đến bến. Có nhảy lên xe Cầu Mè, Hiền Hương chạy ban ngày mới thấy, nếu chẳng may xảy ra sự cố, phần lớn khách sẽ không biết làm cách nào để chui ra khỏi xe. Ðây là những XKGN được hoán cải từ xe ghế ngồi, chỉ có một cửa lên xuống. Sau khi lắp giường hai tầng, ô kính bị chia hai, chiều cao cửa kính tầng dưới chỉ còn chưa đến 30 cm, không đủ cho người chui lọt trong tình huống khẩn cấp. Tuy lãnh đạo Sở GTVT Hà Giang thừa nhận XKGN hoán cải tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng phần lớn các xe này đều có hồ sơ cải tạo và đã đăng kiểm nên trước mắt, Sở vẫn... không có ý kiến gì.

 

Siết chặt quản lý

 

Theo thống kê của Cục Ðăng kiểm Việt Nam (ÐKVN), trên cả nước hiện có khoảng 80 XKGN một tầng, 4.553 XKGN hai tầng, trong đó gần 860 xe được hoán cải từ xe chở khách ghế ngồi thông thường, 80 xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, còn lại hơn 3.600 xe sản xuất, lắp ráp mới. Từ tháng 4 vừa qua, Cục ÐKVN đã cấm chuyển đổi xe ghế ngồi thông thường thành XKGN. Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Trí, XKGN thường hoạt động trên những tuyến đường dài (hơn 300 km), thường chạy vào ban đêm, vì thế, lái xe dễ bị mệt mỏi và buồn ngủ, dẫn đến mất an toàn khi điều khiển phương tiện. Nhiều xe sau khi kiểm định còn tự ý hoán cải, sắp xếp lại vị trí và lắp đặt thêm giường, ghế, cơi nới hầm hàng,... so với thiết kế của nhà sản xuất, gây mất ổn định, cân bằng của phương tiện, là nguy cơ trực tiếp xảy ra TNGT. Thậm chí, nhiều XKGN chở khách nhưng... tiện thể kết hợp chở luôn hàng hóa, ảnh hưởng đến an toàn của xe.

 

Một số chuyên gia cho rằng, XKGN có chiều cao lớn, hệ số ổn định thấp, dễ lật, hơn nữa khả năng lèn khách nhiều hơn và nguy hiểm hơn xe ghế ngồi. Vì thế, nên có quy định tuyến đường riêng, không nên cho XKGN chạy trên đường miền núi có độ dốc lớn hơn 10% hoặc bán kính cong dưới 6 m.

 

Theo thống kê của Cục ÐKVN, từ tháng đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã xảy ra 22 vụ TNGT điển hình đối với XKGN và hầu hết trong số đó xảy ra trong thời gian đêm và sáng sớm, khoảng 30% số vụ xảy ra trên các đoạn đường đèo núi hẹp, dốc, tầm nhìn hạn chế. Cục ÐKVN đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của XKGN, các xe đều bảo đảm góc nghiêng, được chế tạo chủ yếu tại Nhà máy ô-tô Trường Hải và Nhà máy ô-tô 1-5. Tuy chưa có vụ nào được xác định do nguyên nhân kỹ thuật và có tới 19/22 vụ là XKGN nguyên bản được sản xuất, lắp ráp mới, nhưng rõ ràng cần phải xem xét lại về tiêu chuẩn kỹ thuật của loại hình này.

 

Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng nhấn mạnh, chưa đầy hai năm mà xảy ra tới 22 vụ TNGT liên quan XKGN là khó chấp nhận. Do vậy, cần phải xác định rõ có nguyên nhân kỹ thuật thuộc về cấu tạo xe hay do hạ tầng; cấu tạo xe chỉ có thể đi những tuyến đường nào, đạt tiêu chuẩn nào cũng phải làm rõ. Dứt khoát phải quy định XKGN không được đi đường đèo dốc, đường miền núi quanh co.

 

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, Bộ GTVT luôn ủng hộ những doanh nghiệp kinh doanh vận tải chân chính, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tiện nghi cho hành khách, nhưng yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm an toàn cho người dân. Vấn đề ATGT không thể thay thế bằng bất kỳ mục tiêu nào khác. Vì thế, việc siết chặt quản lý các phương tiện xe khách, đặc biệt đối với XKGN phải được thực hiện ngay, nhằm chấm dứt tình trạng số vụ tai nạn liên quan đến xe khách đang có xu hướng gia tăng. Với XKGN, mấu chốt là quy hoạch luồng tuyến, phải làm rõ XKGN là loại hình phải giới hạn phạm vi hoạt động, chỉ được phép chạy trên một số luồng tuyến và cấp đường chứ không phải mọi luồng tuyến, mọi cấp đường. Nội dung này phải đưa vào điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm quy định làm rõ nội dung này khi ban hành thông tư hướng dẫn.