Doanh nghiệp có hàng đi đường thủy lại lo tắc luồng mùa cạn

08:04, 25/09/2014

Doanh nghiệp đầu tư cảng bến, phương tiện vận chuyển hàng tuyến sông Hồng, sông Lô đang như ngồi trên đống lửa bởi tình trạng ùn tắc giao thông trong mùa cạn.    

Chuyển hướng sang đường thủy

 

Vài tháng gần đây, sau khi Bộ GTVT siết chặt quản lý tải trọng phương tiện đường bộ và chủ trương thúc đẩy vận tải đường thủy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang lập tức đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cảng, bến, phương tiện vận chuyển hàng hóa theo tuyến sông Hồng, sông Lô.

 

Điển hình là cảng sông Lô (xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng) do Công ty CP thương mại Hào Hưng Đoan Hùng làm chủ đầu tư, có diện tích gần 45 nghìn m2, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, được thiết kế để tiếp nhận tàu hàng ngàn tấn trong mùa nước lớn và 500 - 600 tấn vào mùa cạn. Sau hơn ba tháng khởi công, dự án đã hoàn thành 2/3 khối lượng xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện, hiện trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn bốn vạn tấn hàng hóa.

 

Ông Đoàn Văn Nghị - Phụ trách vận tải cảng sông Lô cho biết, hàng hóa thông qua cảng chủ yếu gồm các loại quặng, xi măng, vật liệu xây dựng và hành trình vận chuyển đến các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ.

 

Còn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, để đón đầu nhu cầu vận chuyển quặng, than, vật liệu xây dựng và các sản phẩm công nghiệp, tháng 8/2014, lần đầu tiên đã xuất hiện một dự án bến thủy nội địa (bến An Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương), do Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 10 nghìn m2. Ông Nguyễn Hữu Thập - Tổng Giám đốc đơn vị này cho biết, hiện bến đang có ba tàu thường xuyên hoạt động. Doanh nghiệp cũng đang đóng mới 10 tàu có sức chở 700 -1 nghìn tấn vào mùa nước và 300 tấn trong mùa khô, dự kiến đầu năm 2015 sẽ xong để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn theo tuyến sông Lô, sông Hồng về các tỉnh phía Bắc.

 

Ngoài hai cảng, bến trên, theo Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II, từ đầu năm 2014 đến nay trên tuyến sông Hồng, sông Lô qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang có gần chục cảng, bến mới khác đã được cấp phép hoạt động.

 

Lo tắc đường và chướng ngại vật

 

Theo diễn biến trong nhiều năm gần đây, vào mùa nước cạn (từ cuối tháng 10 đến tháng 2-3 năm sau), trên tuyến sông Lô, sông Hồng xuất hiện các đoạn sông bị khan cạn nghiêm trọng, thậm chí có những đoạn tàu thuyền phải chờ hàng tuần mới vượt qua được. Bên cạnh đó, là nguy cơ xuất hiện chướng ngại vật trong mùa cạn, gây cản trở giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn đối với phương tiện.

 

Ông Nguyễn Hữu Thập cho biết thêm: “Trước khi đầu tư, chúng tôi đã khảo sát đặc điểm luồng tuyến và quyết định đóng các tàu rộng đáy, mớn nông để có thể đảm bảo vận chuyển trong mùa nước cạn. Tuy nhiên, chúng tôi không thể yên tâm khi biết trên sông Lô có ba dàn đá ngầm nguy hiểm tại Km 67, 71 và 78”.

 

Ông Trần Xuân Khơi - Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 xác nhận, trên tuyến sông Lô còn một số đoạn nguy hiểm như: Km 45-Km46,  Km73- Km74, Km 11.  Trong đó, Km11 hiện không thể phá đá để giải quyết chướng ngại vật, do khu vực này gần nhà dân.

 

Còn trên tuyến sông Hồng từ Việt Trì về Hà Nội, ông Cao Văn Định - Giám đốc Công ty CP quản lý đường sông số 6 cho biết, mùa cạn những năm trước thường xuất hiện nhiều vị trí bị cạn nghiêm trọng như tại:  Km5-Km7 (khu vực Bắc Biên), Km20-Km21, bến đò Vân Nam (Phúc Thọ), Minh Châu - Cao Đại (Vĩnh Phúc)...