Đường vừa làm đã hỏng: Trách nhiệm thuộc về ai?

11:11, 20/09/2014

Mặc dù mới đưa vào sử dụng được hơn 2 năm nhưng tuyến đường đê nối từ đầu Quốc lộ 37 thuộc địa phận thị trấn Hương Sơn đi qua địa phận xã Lương Phú, Thanh Ninh và kết thúc tại xã Tân Đức (Phú Bình) đã và đang rơi vào tình trạng hỏng nặng và đến nay đã phải qua nhiều lần sửa chữa.

Tuyến đường có chiều dài 6,7km, trong đó, 4km đầu (từ Quốc lộ 37 đến ngã ba xã Thanh Ninh - Dương Thành) nằm trong Dự án đường Úc Sơn - Lữ Vân, thuộc Chương trình thử nghiệm mặt đường Dự án giao thông nông thôn 3 tỉnh Thái Nguyên (sau đây gọi tắt là dự án 1), do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải làm đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý các dự án giao thông nông thôn 3 Thái Nguyên là đại diện chủ đầu tư địa phương được ủy nhiệm điều hành thực hiện Dự án) với tổng kinh phí đầu tư gần 9,7 tỷ đồng. Đoạn còn lại dài 2,7km, nằm trong Dự án đường Lữ Vân - Tân Đức - Thanh Ninh - Dương Thành, do UBND huyện Phú Bình làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư gần 11 tỷ đồng (gọi tắt là Dự án 2).

 

Dự án 1 được khởi công xây dựng từ năm 2011, được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng bắt đầu từ tháng 5-2012, với thời gian bảo hành 1 năm. Theo thiết kế, đây là tuyến đường giao thông nông thôn loại A, có bề rộng nền đường 5m, trong đó, mặt đường rộng 3,5m. Do nằm trong Chương trình thử nghiệm mặt đường nên mỗi km thuộc Dự án này được làm bằng 1 loại vật liệu thử nghiệm khác nhau. Cụ thể, đoạn 1, lớp mặt đường được láng nhũ tương đá dăm 2 lớp; đoạn 2, lớp mặt đường láng nhựa nóng đá dăm 2 lớp; đoạn 3, lớp mặt đường bê tông không cốt dày 20cm; đoạn 4, lớp mặt đường láng nhũ tương đá dăm 2 lớp.

 

Còn ở Dự án 2, được khởi công và đưa vào sử dụng cuối năm 2011, cũng là loại Công trình giao thông cấp 3, có nền đường rộng 6,5m, trong đó, bề rộng mặt đường láng nhựa 5m. Cả 2 dự án này chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng thì nhiều đoạn trên tuyến đường đã rơi vào tình trạng hỏng nặng, khiến việc tham gia giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn, buộc chủ đầu tư phải tiến hành sửa chữa nhiều lần.

 

Thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là mức độ hư hỏng của đoạn đường thuộc Dự án 2 có phần nặng hơn tuyến đường thuộc Dự án 1. Nhiều đoạn mặt đường bị lún võng, cong vênh, gồ ghề với những hố sâu với độ rộng có chỗ lên tới vài m. Hàng cọc tiêu 2 bên đường ở nhiều đoạn đã nghiêng hẳn sang bên phải. Còn ở Dự án 1, cơ bản mặt đường đã không còn bằng phẳng như ban đầu và đoạn hỏng nặng nhất ở Km3 và Km4. Ở đoạn Km3, mặt đường bê tông phần lớn trong tình trạng bị rạn nứt, thậm chí nhiều đoạn còn bị vỡ vụn, làm vỡ kết cấu mặt đường.

 

Chị Hoàng Thị Luyến, xóm Phú Lương, xã Lương Phú cho biết: Ngay khi mới làm xong thì nhiều đoạn trên tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng, có chỗ xe ô tô con còn bị chạm gầm. Đồng chí Dương Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức thông tin: Tuyến đường này khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ không ít bất cập. Nhiều đoạn không có rãnh thoát nước dọc, cộng thêm việc lu lèn có thể không đảm bảo nên mỗi khi trời mưa, nước bị đọng lạinhiều ngày. Thêm vào đó, vì không có đơn vị nào đứng ra quản lý tuyến đường nên nhiều xe có tải trọng lớn thường xuyên đi lại trên tuyến đường đã gây vỡ, lún mặt đường.

 

Bắt đầu từ tháng 7-2014, huyện đã cắm biển hạn chế tải trọng 10 tấn/trục, nhưng tình trạng xe có tải trọng lớn vẫn mặc nhiên lưu hành mà không hề vấp phải sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng. Chỉ từ đầu tháng 9 trở lại đây, do tuyến đường xuống cấp quá nghiêm trọng, các xe không thể lưu thông thì số lượng xe có tải trọng lớn mới có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, theo đồng chí Hiển, việc hạn chế tải trọng của xe ở mức 10 tấn/trục đối với tuyến đường liên tỉnh (tuyến đường nối với huyện Tân Yên, đi thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) như thế này cũng không hợp lý. Do đó, các cơ quan chức năng cần thiết phải tính toán làm sao để tuyến đường vừa được bảo vệ an toàn, vừa không trở thành vật cản cho các phương tiện tham gia giao thông có trọng tải trên 10 tấn/trục đi qua.

 

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông nông thôn 3 Thái Nguyên - đơn vị được ủy nhiệm điều hành quản lý dự án cho biết: 4km đường thử nghiệm nằm trong Dự án giao thông nông thôn 3 (WB3), vốn vay của Ngân hàng thế giới. Khi chúng tôi bàn giao tuyến đường cho UBND huyện Phú Bình quản lý thì huyện có trách nhiệm trong việc xử lý xe vượt quá tải trọng để bảo vệ con đường. Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thì sau khi Dự án hoàn thành, UBND huyện đã có Công văn đề nghị chuyển tuyến đường về tỉnh quản lý, do nguồn kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên của huyện có hạn, hơn nữa mật độ phương tiện giao thông tham gia trên tuyến đường lại nhiều, trong đó nhiều xe có tải trọng lớn mà cả huyện lại không có một địa điểm cân xe nào. Song cho đến nay, huyện Phú Bình vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào của tỉnh về việc này.

 

Thiết nghĩ, một tuyến đường có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng mà chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm xem xét, làm rõ trách nhiệm để công trình thực sự phát huy hiệu quả, tránh gây nghi hoặc và những bức xúc không đáng có trong nhân dân