Sẽ kiểm soát tải trọng cả xe khách

08:51, 22/09/2014

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Lộ trình nào an toàn cho xe khách giường nằm” do Báo Giao thông tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tới đây không chỉ xe tải, mà cả xe khách cũng phải kiểm tra tải trọng.

Xe khách giường nằm có an toàn?

 

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các cơ quan liên quan đã vào cuộc và đang triển khai quyết liệt để có chính sách quản lý hợp lý nhất với xe giường nằm. “Thời gian qua, Cục Đăng kiểm VN tiến hành nghiên cứu, áp dụng các định mức kỹ thuật, đồng thời nâng cao các hệ số an toàn, đảm bảo nguyện vọng của người dân khi sử dụng phương tiện này. Thực tế, một số ý kiến cho rằng, xe giường nằm vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại nên phải có nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình rõ ràng để mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn khi đi trên các luồng tuyến này”, Thứ trưởng Thọ nói.

 

"Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng đề xuất với Bộ GTVT không cho phép xe giường nằm đi trên cấp đường thấp, hoặc những tuyến đường đã cải tạo nâng cấp nhưng có địa hình quanh co, đèo núi dốc, phải có biển hạn chế tốc độ với xe khách giường nằm”.

 Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.

 

Liên quan đến độ an toàn của xe khách giường nằm so với các xe ghế ngồi thông thường, PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Giao thông, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM cho rằng, về độ dài, rộng, xe khách giường nằm cũng không khác xe khách thông thường là bao, cũng dài 12m. Về phương diện kỹ thuật, kích thước như nhau thì độ an toàn như nhau.

 

Cùng quan điểm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải nói: “Nếu so sánh trong cùng điều kiện sử dụng, xe ghế ngồi cũng nguy hiểm. Về yếu tố an toàn, nếu nhà sản xuất không đáp ứng yêu cầu khách hàng, hành khách sẽ không đi. Các nhà xe mua xe hơn 3 tỷ đồng, đi vay ngân hàng mà thu tiền hàng ngày, họ phải lựa chọn rất kỹ, nếu xe không đảm bảo khách sẽ không đi.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN lại cho rằng, độ ổn định của xe khách giường nằm nhỏ hơn xe ghế ngồi, mất ổn định động cơ cao hơn. “Về trực quan, lối thoát hiểm xe giường nằm chật hơn, khả năng lưu thông ít hơn nên Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm hai tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động. Chúng tôi sẽ sớm có báo cáo Bộ GTVT về kết quả thử nghiệm này”, ông Trí nói.

 

Sẽ kiểm soát tải trọng xe khách

 

Ông Hoàng Thế Tùng - Vụ Phó Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, để đảm bảo an toàn, cần có quy định rõ ràng về tải trọng cũng như cách xếp hàng trên xe khách. “Vừa qua, khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thì hàng hoá đã bị tung ra ngoài, mất mát, không còn nguyên trạng nên rất khó đánh giá có nguyên nhân liên quan trực tiếp tới tai nạn hay không. Nhưng tôi tin rằng, việc sắp xếp hàng hoá, chất hàng quá tải gắn liền tới những vụ tai nạn khi xe vào cua, trên các đoạn đèo dốc. Nếu hàng hoá xô lệch đột ngột có thể khiến xe mất trọng tâm, lái xe không xử lý kịp sẽ dẫn tới tai nạn”, ông Tùng nói.

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.500 xe khách giường nằm. Trong số này chủ yếu là xe hai tầng, chỉ có khoảng 80 xe một tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3.000, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc.

Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho biết, chúng ta phải quan tâm tới việc xếp hàng lên xe khách giường nằm như thế nào để an toàn. Các nhà sản xuất và quản lý cần lưu ý xử lý được tình trạng hiện nay là trong quá trình vận hành, có rất nhiều nhà xe cho rằng nhét được bao nhiêu hàng thì tốt bấy nhiêu, rất nguy hiểm. Chưa kể, nếu hàng hoá đặt lệch tâm có thể gây lật xe khi xe vào cua. Vì vậy khi chúng ta cần khảo sát đánh giá các vấn đề về kỹ thuật xếp hàng.

 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, xếp hàng hóa không chuẩn sẽ liên quan đến an toàn của xe. Nếu thiết kế xe để rỗng nhiều quá là cơ hội để nhồi nhét hàng hóa. “Tôi biết có xe khách còn chở gỗ, chở cả bình ga, thậm chí chở đến 10 bình ga, rồi xe khách chở cả máy nổ… Vì thế xe khách chở hàng hóa nếu không kiểm soát được sẽ nguy hiểm vô cùng. Tới đây, không chỉ với xe tải, phải tập trung kiểm tra cả tải trọng đối với xe khách”, Thứ trưởng Thọ khẳng định.