Tai nạn giao thông - Lời cảnh tỉnh từ bia, rượu

09:01, 10/09/2014

Rầm... nghe tiếng va đập chát chúa mọi người hốt hoảng nhìn lại thấy 2 chiếc mô tô đâm đối đầu, cạnh đó là 2 nạn nhân nằm sóng soài, bất tỉnh trên mặt đường. Vụ va chạm xảy ra vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 31-1-2014, tại km 21-900, đường tỉnh 265, thuộc xóm Chợ, xã Bình Long (Võ Nhai), dẫn đến hậu quả là Phan Văn Tuân, 20 tuổi, thường trú tại xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá (Võ Nhai) chết trên đường đưa đi cấp cứu; còn Giáp Văn Hoàn, 35 tuổi, trú tại xóm Huệ Vận, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Vụ va chạm gây tai nạn giao thông giữa Tuân và Hoàn xảy ra từ nhiều tháng trước đây. Người chết mồ đã xanh cỏ, còn người sống phải mang thương tật, dằn vặt suốt đời. Theo lời khai của nhân chứng với cán bộ điều tra, Công an tỉnh: Tuân đã uống rượu trước khi điều khiển xe mô tô. Ông Triệu Đình Hưng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Vì uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện xe máy, xe cơ giới tham gia giao thông, nhiều người đã gây tai nạn dẫn đến tử vong hoặc vĩnh viễn chung sống cùng thương tật - Tuân chỉ là một trong số những nạn nhân bị “bia đưa lối, rượu dẫn đường” và phải chịu hậu quả đáng tiếc.

 

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông: Năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 327 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Hậu quả làm 122 người chết, 332 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản gần 2 tỷ đồng. Trong năm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 44.874 trường hợp, trong đó có 239 trường hợp vi phạm lỗi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 33,3 tỷ đồng. Sang 7 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông, hậu quả làm 56 người chết, 111 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản gần 1 tỷ đồng, trong số đó có nhiều trường hợp gây tai nạn do trước đó đã sử dụng bia, rượu... Tuy nhiên, đây là những vụ tai nạn giao thông do va chạm giữa các loại phương tiện: xe mô tô với mô tô, xe ô tô với ô tô và xe máy với xe ô tô... được cơ quan chức năng vào cuộc, thống kê. Chưa kể có rất nhiều vụ va chạm giữa các phương tiện khi tham gia giao thông gây tai nạn, nhưng 2 bên “nạn nhân” tự dàn hoà, tự giải quyết bồi thường cho nhau thoả đáng, nên cơ quan chức năng không can thiệp hoặc không nắm bắt được để thống kê.

 

Khi Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện C Thái Nguyên, tôi được các thầy thuốc cho biết: Nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, hơi thở còn nồng nặc mùi cồn. Còn các nhân viên phòng xét nghiệm trong các bệnh viện cho biết: Nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm trong máu có nồng độ cồn cao, thậm chí cao hơn mức cho phép hàng trăm lần.

 

Đầu năm 2014, khi vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thăm người quen bị tai nạn giao thông, tôi được chứng kiến một câu chuyện thật như bịa: Sau phẫu thuật, nằm hôn mê mất 3 ngày mới tỉnh, anh bạn tôi đã hỏi người nhà: “Tao đang uống ruợu cơ mà, sao lại nằm ở đây”?! Mọi người ai nấy mừng rỡ, cười ra nước mắt vì người thân đã “trở về từ cõi chết”.

 

Dù biết là uống bia, rượu quá liều lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tan cửa, nát nhà”, như: bạo lực gia đình, bệnh tật, mất trí nhớ và có thể bị ngộ độc dẫn đến chết hoặc sống đời thực vật. Tệ hại hơn, người sau khi uống rượu, bia rồi điều khiển xe mô tô, hoặc xe ô tô sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Tai nạn có thể đến bất thình lình do nồng độ cồn trong máu làm người điều khiển phương tiện bị giảm thị lực, gây buồn ngủ, không tỉnh táo... khi xử lý các tình huống giao thông. Vậy nhưng, hằng ngày trên đường, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn phải lập biên bản xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe ô tô do trước lúc ra đường đã uống rượu, bia.