Tuyến xe khách Thái Nguyên - Hà Nội là tuyến có nhiều đầu xe tham gia hoạt động khai thác vận tải, với 131 xe hoạt động 145 lượt mỗi ngày. Tuy nhiên, chất lượng mỗi chuyến xe còn nhiều bất cập gây bức xúc cho hành khách, như: ngang nhiên dừng, đỗ bắt và trả khách trái quy định, xe “rùa”, xe “quay”, vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ... Trước tình trạng này, lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc nhằm xử lý những trường hợp vi phạm, song bằng nhiều cách chống đối tinh vi, các lái xe vẫn "lách luật" để che mắt lực lượng chức năng.
Vào lúc 14h ngày 3-9, tại khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, chúng tôi theo dõi chiếc xe mang số hiệu 20B-0045* chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Đông, qua thăm dò từ một số xe ôm chúng tôi được biết hôm nay lực lượng công an vẫn “làm”. Phụ xe ngồi ghế cuối cùng liên tục quan sát phía sau xe; phía trước đầu ô tô là một người đàn ông đi xe máy chầm chậm, quan sát xung quanh. Khi thấy khách, người đàn ông đi xe máy ra hiệu cho khách cuốc bộ thêm một đoạn đường nữa chờ cho lực lượng công an đi qua, khi đã cảm thấy an toàn, lái xe mở nhanh cửa để cậu sinh viên vội vàng nhảy lên xe, miệng hô lớn “Nhanh lên, nhanh chân lên…”.
Có những lúc không thể cho hành khách lên xe dọc đường, người đàn ông đi phía trước ô tô làm “nhiệm vụ” chở hành khách từ điểm đứng chờ đến cây xăng Bắc Nam, đường Gia sàng; rẽ vào đây xe khách vờ như vào đổ xăng để cho hành khách thoải mái lên xe .Theo quan sát của chúng tôi thì đây là hành vi mà hầu như tất cả các xe khách đều làm để qua mắt lực lượng chức năng. Một người lái xe ôm trú tại phường Tân Thịnh cho biết: “Có những hôm công an làm mạnh thì phải chở khách xuống điểm đón, trả khách gần cổng Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính, lúc đấy tôi nhận được 5-10 nghìn đồng/khách”.
17h ngày 6-9, chúng tôi có mặt trên chuyến xe mang biển kiểm soát 30P_725* chạy tuyến Thái Nguyên - Nam Thăng Long, xuất phát từ đầu bến, chúng tôi ghi nhận được khi bắt đầu chuyển bánh trên xe chỉ có 6 hành khách. Chiếc xe lăn bánh với tốc độ chậm chạp và dừng lại chờ đèn xanh những ba lượt. Từ cổng bến xe khách Thái Nguyên đến cổng Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên, thường ngày chúng tôi đi xe chưa mất 5 phút còn chiếc xe khách này mất đến 15 phút. Lên tiếng thúc giục lái xe cho chạy nhanh hơn thì chúng tôi nhận được câu trả lời bực dọc từ tài xế: “Nhanh để chết đói! Xe chạy không đủ tiền xăng thì chạy làm sao được…” .
Trao đổi với ông Lê Hải Lân, Giám đốc Bến xe khách Thái Nguyên được biết: Do mật độ xe chở khách dày đặc, số lượng hành khách có hạn vào ngày thường, cùng với thói quen không vào bến xe để đi xe của người dân, nên trung bình một xe khi rời bến lượng khách rất thấp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “xe rùa”.
Hiện rõ vẻ mệt mỏi trên gương mặt anh Nguyễn Văn Cường, trú tại Mai Dịch - Hà Nội, người đã từng tham gia tuyến xe khách Thái Nguyên - Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng này khiến cho hành khách như chúng tôi rất ức chế và mất thời gian, có khi đi cả tiếng đồng hồ vẫn chưa ra khỏi địa phận thành phố Thái Nguyên”.
Tuyến xe khách Thái Nguyên - Hà Nội là tuyến xe khách quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân,song nhiều năm qua, tình trạng bất cập nêu trên vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Trao đổi với ông Bùi Xuân Trưởng, Trưởng phòng Vận tải và phương tiện, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên được biết: Trong những năm qua, cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều phương pháp như; quy định chặt chẽ về thời gian rời bến, xử lý thu hồi giấy phép khai thác tuyến đối với các đơn vị khai thác vận tải vi phạm. Sở cũng đã gửi để xuất đề nghị rút ngắn khoảng cách điểm đừng đỗ xe khách từ 5km xuống 2km giúp người dân thuận tiện hơn trong đi lại và giảm tối đa tình trạng xe “rùa”... Về phía người dân cần nghiêm túc thực hiện Luật Giao thông đường bộ, vào bến và đi xe từ trong bến xe, hoặc các điểm đón trả khách theo quy định, không bắt xe sai điểm quy định, đặc biệt là tuyến đường nội đô. Qua đó giúp đỡ các cơ quan chức trong việc quản lý giao thông đường bộ, góp phần xây dựng tuyến xe khách Thái Nguyên - Hà Nội văn minh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.