Xe khách “vô tư” đề biển vượt tuyến

08:16, 09/09/2014

Mặc dù chỉ chạy về tới Bến xe Nam Thăng Long hoặc Gia Lâm nhưng rất nhiều xe vẫn đề biển vượt tuyến về Mỹ Đình, Giáp Bát để mời khách. Có người cẩn thận hỏi lại, phụ xe khẳng định là đúng tuyến chắc như đinh đóng cột nhưng cuối cùng, hành khách vẫn  bị "bỏ rơi" giữa chừng.

Khoảng 6 giờ sáng một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt trên chuyến xe khách chạy tuyến Thái Nguyên về Gia Lâm - Giáp Bát. Rời Bến xe khách Thái Nguyên, xe chạy với tốc độ “rùa bò”, mọi người trên xe ai ấy tỏ vẻ sốt ruột khi gần 1 giờ đồng hồ trôi qua mà xe mới chạy được hơn chục cây số. Trong lúc ấy, hễ thấy có người đứng ven đường thì anh phụ xe không ngừng mời gọi: Ai Gia Lâm - Giáp Bát nào? Mãi đến khi qua ngã ba Tích Lương (cách trung tâm T.P Thái Nguyên chừng 12km) chiếc xe mới tăng tốc, có lúc chạy với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người phải “nín thở” vì sợ.

 

Chưa tới 8h, xe đến bến Gia Lâm. Ai cũng nghĩ, xe vào trả khách ở bến Gia Lâm sẽ tiếp tục hành trình sang bên kia sông Hồng vào bến Giáp Bát. Nhưng, lúc này, phụ xe lại nói 1 câu ngắn gọn: Xe dừng ở đây, mọi người lấy hành lý xuống xe! Một hành khách liền thắc mắc với vẻ khá bức xúc: Sao lúc tôi anh lại bảo về tới Giáp Bát, giờ lại dừng ở đây?

 

- Anh và mọi người chịu khó bắt xe buýt đi, có 5 nghìn đồng là đến Giáp Bát. Nói rồi, phụ xe lảng đi chỗ khác, mặc cho khách ngơ ngác, bực bội.

 

Trên chuyến xe đó với tôi, có anh Tuân (quê ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) cũng về bến Giáp Bát. Anh than phiền: Tôi xuống Hà Nội công tác, đã hỏi kỹ “anh lơ” (phụ xe) thế mà vẫn bị lừa. Tưởng xe chạy thẳng Giáp Bát, tôi mới đi, giờ lại bắt thêm vài chặng xe buýt nữa, chắc chắn bị muộn giờ làm việc.

 

Với những hành khách như anh Tuân, chuyện bỏ thêm 5, 10 nghìn đồng cho việc bắt xe buýt, thậm chí vài chục nghìn để đi xe tắc-xi không phải là chuyện lớn mà quan trọng là họ bị mất thời gian, lịch kịch chuyển hành lý.

 

Anh Nguyễn Văn Đức, quận Cầu Giấy, Hà Nội góp chuyện: Tuần trước, tôi cùng vợ lên Thái Nguyên thăm người nhà, lúc quay về, rõ ràng lên xe đề biển Mỹ Đình (xe chạy về Bến xe Mỹ Đình) nhưng cuối cùng cũng bị “thả” ở bến Nam Thăng Long. Khi tôi thắc mắc với nhà xe thì họ giải thích rằng lâu nay xe Thái Nguyên - Mỹ Đình chỉ về được đến Bến xe Nam Thăng Long mà thôi. Tôi chẳng hiểu vì sao nhiều nhà xe Thái Nguyên chạy về các bến ở Hà Nội ghi một đằng, chạy một kiểu, trả khách giữa chừng như vậy? Về bến nào cứ ghi đúng bến ấy thì khách mới biết chủ động cho việc bắt xe chứ?

 

Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực trong và ngoài Bến xe Thái Nguyên (cả những xe đã rời bến), nhiều xe khách vẫn đặt biển hiệu Gia Lâm - Giáp Bát hoặc Mỹ Đình mà không thể biết được xe nào sẽ chạy về tới bến cuối cùng. Được biết, xe xuất phát từ bến Thái Nguyên lâu nay đã không được cập bến Mỹ Đình. Phải chăng, một số nhà xe được ưu tiên?

 

Giải đáp vấn đề này, ông Lê Hồng Dương, Phó Giám đốc Bến xe Thái Nguyên khẳng định: Từ tháng 8-2013, tất cả các xe chạy tuyến Thái Nguyên - Mỹ Đình và ngược lại đã được chuyển về hoạt động tại Bến xe Nam Thăng Long. Mỗi ngày, có 69 “nốt” (tuyến) xe khách chạy từ Bến xe khách Thái Nguyên về Bến xe Nam Thăng Long. Từ khi có sự dịch chuyển này, chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các nhà xe, chủ doanh nghiệp niêm yết cố định (dán trên kính, phía trước của mỗi xe) đúng tuyến mới cho vào Bến. Các tuyến khác cũng vậy. Trên thực tế, nhân viên quản lý Bến đã tịch thu nhiều biển rời ghi vượt tuyến mà nhà xe đã đăng ký. Ban Giám đốc cũng đã nhận được ý kiến phản ánh của hành khách về việc xe chạy không đúng tuyến. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi cho lập biên bản, không cho vào Bến đón khách đến khi nhà xe, chủ doanh nghiệp đó có biện pháp khắc phục.

 

Một trường hợp bị xử lý gần đây nhất là vào ngày 16-6-2014, Bến xe khách Thái Nguyên nhận được phản ánh của anh Trần Tuấn Đức (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đi xe khách mang biển kiểm soát 20L-4526 từ Hà Nội về Thái Nguyên của Công ty cổ phần Thương mại vận tải và Du lịch Khánh Thịnh. Khi phát hiện xe chạy về Bến không theo lộ trình, anh Đức đã hỏi nhà xe về hành trình chạy nhưng anh không nhận được câu trả lời thỏa đáng của nhà xe mà còn bị phụ xe dọa đánh. Ngay sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Bến xe khách Thái Nguyên đã có công văn gửi Công ty để thông báo về việc tạm từ chối phục vụ “nốt” xe trên. Cho đến 2 ngày sau, Ban Giám đốc Bến xe nhận được thông tin Công ty đã giải quyết thỏa đáng với hành khách có ý kiến phản ánh. Tuy nhiên, số ý kiến phản ánh của hành khách đến Ban Giám đốc Bến xe không nhiều, nhất là với khách đi Hà Nội. Lý do là họ ngại va chạm, mất thời gian…

 

Cũng theo ông Dương, lợi dụng lúc nhân viên quản lý Bến không kiểm soát kịp thời do lưu lượng xe lớn, nhiều nhà xe vẫn cố tình đặt thêm biển rời (ghi vượt tuyến, trên tuyến) để “câu” khách. Để tránh bị lên xe chạy không đúng tuyến, hành khách không nên nhìn vào biển rời do các xe tự ý đặt mà phải chú ý đến địa điểm mà xe đã niêm yết cố định trên xe. Ngoài ra, chúng tôi đã bố trí khu vực (có treo biển) cho các xe đón khách theo tuyến đã đăng ký.