Xe quá tải “cày nát” Quốc lộ 37

10:42, 20/09/2014

Quốc lộ 37 - đoạn qua địa phận huyện Đại Từ có chiều dài gần 34km, từ năm 2011 đến nay đã trở thành tuyến vận chuyển, trung chuyển vật liệu xây dựng (cát, sỏi, xi măng…) từ tỉnh Tuyên Quang sang Thái Nguyên và ngược lại. Những chiếc xe tải này thường được cơi nới thùng, hoặc chất cao, sau đó phủ lớp bạt qua loa để lưu thông... đã làm Quốc lộ 37 xuống cấp, nhiều đoạn bị cày nát khiến giao thông trên toàn tuyến gây nhiều bất lợi cho cả người và phương tiện qua lại.

Dọc theo Quốc lộ 37, đoạn từ ngã ba Bờ Đậu xã Cổ Lũng (Phú Lương) đến xã Yên Lãng (Đại Từ), có nhiều điểm bị xuống cấp nghiêm trọng. Không tính đoạn đường thuộc địa phận xã Hà Thượng nằm trong công trường Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, nhiều đoạn trên tuyến đã “đất hóa đường nhựa” thành công. Trong đó, đoạn đường bị xuống cấp, hư hỏng dài nhất khoảng 6km từ Km144+600 thuộc đầu cầu Khe Lạnh, xã Hà Thượng đến Km151+500 thuộc trung tâm thị trấn Hùng Sơn vớinhững vết nứt, hằn lún sâu trên mặt đường, gây mất an toàn giao thông..

 

Anh Đào Xuân Ảnh, xóm 6, xã Hà Thượng cho biết: Từ khi tỉnh ta có chủ trương giải tỏa hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại hồ Núi Cốc thì đây trở thành con đường huyết mạch đưa cát, sỏi từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên, rồi chở tiếp đi các địa bàn xa hơn. Những chiếc xe quá khổ, quá tải chở đầy thùng cát, hoặc sỏi gầm rú bám đuôi nhau hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm khiến con đường “oằn mình” chống đỡ, không xuống cấp mới lạ!

 

Còn những "ổ voi" tại khu vực ngã ba Ba Giăng thuộc xã Bản Ngoại, chân Dốc Mon thuộc xóm Khuân Ngàn và gốc Đa Đôi thuộc xã Phú Xuyên còn tệ hại hơn, cả mặt đường nhựa bị cày nát đã làm khó các xe ô tô gầm thấp mỗi khi đi qua đây. Chị Nguyễn Thị Vui, một người dân bán hàng tại khu vực gốc Đa Đôi cho biết: Đường xuống cấp khiến người dân đi lại khó khăn lắm. Nhất là những hôm trời mưa, đường trở nên lầy thụt, đường biến thành sông làm cho mọi người vất vả khi đi qua đoạn đường này. Thương nhất là các cháu học sinh, đi học qua đoạn này bị ô tô bắn nước lên lấm lem từ đầu đến chân, thậm chí một số cháu còn bị ngã xe gây thương tích trên mình…

 

Hiện tượng xe quá tải từ lâu đã được báo động trên tuyến đường này. Thậm chí cầu Suối Mang, cầu Khe Lạnh…. nằm trên tuyến này trong năm 2013 đã phải “cấp cứu” khẩn cấp do bị xe quá tải làm nứt mố cầu; các đơn vị duy tu phải thay vào đó lớp đá hộc để các phương tiện khỏi bị lầy thụt mỗi khi có mưa. Không chỉ “cơ bản” phá nát Quốc lộ 37, thời gian gần đây, xe quá tải còn đi vào các đường liên xã để trốn tránh các chốt kiểm soát. 

 

Ông Vũ Xuân Hường, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: “Từ tháng 6 đến nay, khi có chốt Cảnh sát giao thông của tỉnh được đặt ở khu vực xã Yên Lãng để kiểm soát tình trạng xe quá tải thì tình hình có vẻ lắng dịu. Xe chở vật liệu xây dựng không chạy theo đoàn như trước nữa nhưng vẫn hoạt động khá thường xuyên. Sau khi xuống chân Đèo Khế, các xe quá tải lại đi vòng qua đường liên xã Na Mao để tránh chốt kiểm soát này, rồi ra Quốc lộ 37 ở đoạn đường gần địa điểm gốc Đa Đôi. Cứ tình hình này, chẳng mấy chốc mà đường liên xã của chúng tôi lại bị phá nát như Quốc lộ 37.

 

Trước sự xuống cấp nhanh chóng của Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận huyện Đại Từ, ông Trần Đăng Tùng, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ 3- đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý đoạn đường này cho biết: Do nguồn kinh phí sửa chữa đoạn đường này chưa có, nhằm giải quyết tình thế, trước mắt đơn vị đã ứng vốn khoảng 500 triệu đồng để mua cấp phối đá dăm về lấp tạm thời những điểm lầy thụt sâu đảm bảo giao thông cho người và phương tiện qua lại. Còn về lâu dài, chúng tôi đã báo cáo cấp trên có kế hoạch sửa chữa toàn tuyến này trong năm tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với các xã Phú Xuyên, Hà Thượng, Bản Ngoại để phối hợp giải phóng mặt bằng, xử lý hệ thống rãnh dọc thoát nước trên tuyến nhưng không nhận được sự hợp tác của nhân dân địa phương.

 

Quốc lộ 37 là tuyến đường giao thông huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối giao thông ở Thái Nguyên với hệ thống giao thông cả nước, góp phần thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Bởi vậy, các cấp, ngành cần có sự quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở rộng tuyến đường này. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần vào cuộc xử lý quyết liệt tình trạng xe quá tải trên tuyến đường và người dân địa phương cần chung tay hợp tác với đơn vị chức năng, trước mắt là đào rãnh thoát nước để mặt đường đảm bảo an toàn giao thông…