Bất lực khi cước vận tải... kiên quyết "đóng đinh"?

08:32, 07/10/2014

Người dân cả nước đã quá quen với việc cước vận tải “nhảy múa” theo giá xăng dầu. Hễ xăng dầu rục rịch tăng là các hãng vận tải lại hò nhau tìm đủ mọi lý lẽ để tăng giá cước.

Theo các hãng vận tải, nhiên liệu chiếm khoảng trên dưới 50% chi phí, do đó giá cước phụ thuộc nhiều vào “nhịp điệu” của giá xăng dầu là điều dễ hiểu. Thực tế trong những năm qua, với những biến động của giá xăng dầu, cước vận tải cũng nhiều lần hòa nhịp, xăng dầu tăng đến đâu, cước vận tải tịnh tiến đến đó và thiết lập nhiều kỷ lục mặt bằng giá mới.

 

Nhưng nghịch lý là ở chỗ, khi giá xăng dầu giảm, hiếm khi nào các hãng vận tải có động thái giảm theo. Đã theo cơ chế thị trường, có tăng thì có giảm, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, thực tế trong những năm vừa qua, giá xăng dầu nhiều lần tăng và cũng không ít lần giảm, nhưng người dân và hành khách chỉ quen “cắn răng” trả cước vận tải tăng chứ gần như chưa một lần hưởng lợi từ việc các hãng giảm cước.

 

Nếu soi xét kỹ càng, kể cả năm 2013, khi giá xăng dầu nhiều lần tăng chóng mặt, nhưng trừ vào những lần giảm giá cũng tăng không đáng kể, chỉ khoảng trên - dưới một nghìn đồng/lít. Mặc dù vậy, các hãng vận tải trong năm đó vẫn biện đủ mọi lý do để đẩy giá cước vận tải cao ngất ngưởng.

 

Còn trong năm nay, giá xăng dầu đã giảm tới 6 lần liên tiếp, riêng tháng 9 giảm tới ba lần. Dù với biên độ không lớn, nhưng cộng lại cả 6 lần giảm cũng không hề nhỏ. Điều đáng nói là trái ngược hoàn toàn với những lần xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải thi nhau đăng đàn kêu lỗ, thu không đủ bù chi với mục đích cuối cùng là tăng giá, còn khi xăng dầu giảm, tiệt không thấy bất kỳ động thái nào bàn tới việc giảm cước vận tải.

 

Những lý lẽ của các “ông chủ” doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra để biện minh cho việc không giảm giá cước có thể không sai, nhưng cũng khó có thể bao biện cho tư tưởng trì hoãn và “chân lý” dường như đã “đóng đinh” trong “làng” vận tải là giá cước chỉ tăng mà không giảm. Và cho dù xăng có tăng hay giảm, người chịu thiệt cuối cùng vẫn chỉ là người dân và những hành khách mà việc di chuyển, đi lại phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc xe của các doanh nghiệp vận tải.