Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra chiều ngày 7-10, một loạt các vấn đề “nóng” như xử lý nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tiến độ tái cơ cấu các doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông vận tải, nghi án hối lộ của JTC cũng như quá trình chuyển giao 18 dự án đường sắt về Bộ Giao thông - Vận tải quản lý,… đã được nhiều cơ quan báo chí nêu.
Ngày 7-10, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) họp bàn giải pháp khắc phục, xử lý vết nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã xác định chính xác nguyên nhân của sự cố này.
Theo đó, các đơn vị thi công đã tiến hành tám lỗ khoan bổ sung, khảo sát, phát hiện vết nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng, lớp đất yếu nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%, do vậy đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường.
Về giải pháp xử lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công ngay bệ phản áp để bảo đảm ổn định nền đường, bên cạnh đó, sẽ kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh kịp thời đồng thời tiếp tục triển khai các bước tiếp theo bảo đảm ổn định lâu dài nền đường.
Trả lời về tiến độ thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, quá trình tái cơ cấu nợ của Vinalines, Vinashin được thực hiện trên tinh thần các doanh nghiệp phải tự đàm phán với các tổ chức tín dụng, khoanh nợ giãn nợ, kiến nghị Chính phủ xóa một phần nợ lãi, tạo điều kiện doanh nghiệp có điều kiện phát triển, sau đó mới có điều kiện trả nợ. Hiện SBIC đã tái cơ cấu nợ xong, đang tiến hành cổ phần hóa. Với Vinalines, dự kiến trong tháng 10-2014, đơn vị tư vấn sẽ thực hiện xong công tác xác định giá trị doanh nghiệp, sau đó sẽ xây dựng phương án cổ phần hoá để trình Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình cổ phần hoá, sẽ giải thể, phá sản một số doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh quá kém. Số tiền thu được từ bán cổ phần sẽ dành để giải quyết chế độ theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, trả nợ cho các đối tác, ngân hàng.
Trong thời gian qua, có dư luận về nghi án hối lộ của nhà thầu JTC (Nhật Bản), tuy nhiên Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Nhật Bản. Việc xử lý các lãnh đạo ngành đường sắt liên quan đang bị tạm giữ thuộc trách nhiệm của công an, kết luận thanh tra các dự án đường sắt vừa rồi do Bộ GTVT ra quyết định, chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm điểm các cá nhân liên quan.
Quá trình chuyển giao 18 dự án đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tổng công ty ĐSVN về Bộ GTVT quản lý, đến ngày 30-9, đã chính thức chuyển toàn bộ, bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng việc triển khai thực hiện dự án và quá trình giải ngân. Các thủ tục, trình tự công việc đang tiến hành đều có sự phối hợp của hai đơn vị, không có bất kỳ xáo trộn nào. Bộ đang thực hiện sáp nhập ban của Tổng công ty ĐSVN về ban của bộ, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15-10.
Cũng tại cuộc họp báo, về nghi án Công ty TNHH Thành Bưởi vi phạm các quy định về vận tải, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ vừa ký Thông báo số 992/TB- BGTVT về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô của doanh nghiệp này và chi nhánh tại Lâm Đồng.
Tuy có các vi phạm trong quá trình hoạt động nhưng Bộ GTVT khẳng định việc sử dụng xe hợp đồng vận chuyển hành khách thường xuyên trên tuyến đường cố định, điểm đón khách cố định của Thành Bưởi không trái với các quy định về vận tải hành khách theo hợp đồng của các nghị định, thông tư hiện hành về vận tải hành khách bằng ô-tô.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận đoàn thanh tra của Bộ làm việc chưa hết trách nhiệm, chuyên môn còn hạn chế. Bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của đoàn thanh tra và sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng các cá nhân thiếu trách nhiệm.