Đánh đu với tính mạng

09:30, 23/10/2014

Được thiết kế, xây dựng để làm đường sắt cho tàu chạy qua nhưng suốt hơn nửa thế kỷ qua, nó nghiễm nhiên trở thành cầu dân sinh, phục vụ hàng nghìn lượt người và phương tiện ngược xuôi mỗi ngày, bất chấp mối nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thực trạng này đang diễn ra tại cầu Trà Vườn nối từ xã Đồng Liên (Phú Bình) sang địa phận phường Hương Sơn và Cam Giá của T.P Thái Nguyên.

Cầu Trà Vườn có chiều dài 126m thuộc tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá được xây dựng từ những năm 1960, có điểm đầu là Ga Kép (thị trấn Kép, Lạng Giang) đi qua các huyện Yên Thế (Bắc Giang), Đồng Hỷ, Phú Bình và điểm cuối là Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên). Hiện nay, tuyến đường sắt này chỉ phục vụ cho tàu chở quặng nguyên liệu từ Trại Cau (Đồng Hỷ) về Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày có từ 6 đến 8 chuyến tàu vào - ra.

 

Ngay đầu cầu, tấm biển ghi rõ: cấm các loại xe ngựa, xe máy, xe đạp đi trên cầu. Thế nhưng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục lượt người đi bộ, điều khiển xe máy, xe đạp qua lại vô tư như trên đường quê. Càng tới gần cầu, chúng tôi càng thấy sự “dũng cảm” của họ mỗi khi đi qua cầu. Bên cạnh những thanh ray chạy song song chỉ có một khoảng “hành lang” hẹp dành cho công nhân đường sắt đi tuần, kiểm tra hoặc làm nhiệm vụ. Chỗ rộng nhất chỉ chừng 1m và chỗ hẹp chỉ khoảng trên 50cm, một bên là lan can được làm bằng sắt đã han gỉ, bên còn lại sát với đường ray đầy khe hở lớn và hun hút bên dưới là dòng sông Cầu nước chảy xiết. Mỗi lần thấy có người đi trên cầu, từng vòng xe lăn bánh chao đảo, gập ghềnh, chúng tôi nín thở theo dõi, nhất là mỗi khi có 2 xe đi ngược chiều. Những lúc ấy, để tránh nhau, mỗi người vừa phải nghiêng xe sang hai bên vừa di chuyển. Chỉ cần chút sơ sẩy, tai nạn là điều khó tránh.

 

Anh Trần Văn Hùng, người đã có gần 20 năm làm tại Trạm tuần gác cầu Trà Vườn (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Hà Thái, trụ sở tại Hà Nội - đơn vị quản lý) cho biết: Mặc dù đã có biển cấm nhưng mỗi ngày có khoảng 1.000 người và các loại phương tiện qua lại trên cầu. Chủ yếu là người dân, học sinh của các xóm Trà Viên, Đồng Ao, Đồng Tân (Đồng Liên), Tân Sơn (Đào Xá) và một số xóm lân cận sang buôn bán, làm việc và học tập bên T.P Thái Nguyên. Dù có biển cấm nhưng tôi cũng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể ngăn cản người dân vì nhu cầu đi lại của họ rất lớn. Bản thân tôi cũng đã được nghe và chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra như ngã xe, rơi xuống sông thiệt mạng. Những trường hợp 2 xe chở hàng cồng kềnh, đi ngược chiều không chịu nhường nhau dẫn đến va chạm, mẫu thuẫn cãi vã, thậm chí là ẩu đả trên cầu cũng đã từng xảy ra.

 

Cũng theo anh Hùng và một số người dân của xóm Trà Viên, cách đây không lâu có một người đàn ông trung tuổi đi qua đây đã chẳng may bị ngã xe máy ở ngay đầu cầu, lăn xuống rìa sông bị gãy chân. Quả thực, đoạn 2 bên đầu cầu dài tới vài trăm mét cũng chỉ là phần ria đường ray rộng chưa đầy 1m với đất đá lởm chởm, không có hàng rào, được người dân tận dụng làm lối đi. Do đó, ai chỉ cần sơ sẩy hoặc “non” tay lái là rất có thể ngã cả người lẫn xe xuống triền đê sâu. Gập ghềnh, nguy hiểm luôn hiện hữu là vậy mà tại sao mỗi ngày người dân vẫn đi qua?

 

Trả lời câu hỏi trên của chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiên xóm Trà Viên (Đồng Liên) nói: Tôi biết là đoạn đường này rất nguy hiểm và dễ gặp tai nạn nhưng nếu muốn lên T.P Thái Nguyên mà không đi qua cầu Trà Vườn thì phải vòng theo đường đê Đập Ba Đa, xa hơn tới 7, 8km.

 

Anh Nguyễn Văn Nguyện xóm Tân Sơn, xã Đào Xá cũng đã từng nghe và thấy nhiều vụ tai nạn khi qua đoạn này nhưng vì đi vòng đường khác xa hơn nên chấp nhận “đi liều” và từ trước tới nay người dân vẫn coi đây là con đường chính để sang T.P Thái Nguyên. Anh còn chia sẻ kinh nghiệm: Nếu đang đi trên cầu mà có tàu hỏa đến thì mình có thể nép vào những chỗ rộng hơn, tay bám vào lan can để tránh.

 

Còn ông Tạ Văn Thể, xóm Đồng Ao, xã Đồng Liên tỏ ra chủ quan: Trước đây khi chưa có lan can, chúng tôi vẫn đi, thậm chí cho cả xe máy lên đường ray để dắt. Từ ngày có lan can, việc đi lại đã được dễ dàng và an toàn hơn nhiều.

 

Có thể, những chia sẻ của người qua đây chỉ là lời ngụy biện, bởi cách đó chỉ hơn 1km, cây cầu treo Đồng Liên nối xã Đồng Liên với phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) được Công ty cổ phần Xây dựng phát triển nhà Song Điền đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009.

 

Theo anh Hùng, vào khoảng những năm 1995, Công ty đã tiến hành thống kê và ghi nhận có tới gần 700 lượt người qua lại trên cầu mỗi ngày (lúc đó chủ yếu là đi bộ hoặc dắt xe đạp) nên Công ty đã cho làm lan can nhằm hạn chế nguy hiểm. Hiện nay con số ấy đã lên tới hàng nghìn lượt, đi cả xe máy, chở hàng cồng kềnh phớt lờ biển cấm.

 

Em Nguyễn Thị Trang, xóm Đồng Tân, xã Đồng Liên (học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An, T.P Thái Nguyên cho biết: Trung bình mỗi ngày em đều phải qua - lại cầu này 6 lượt. Em cũng sợ lắm, bản thân cũng từng chứng kiến 2 tại nạn xảy ra trên đoạn đường này nhưng nếu đi đường khác thì phải vòng rất xa và bất tiện. 

 

Vẫn biết giao thương, đi lại gần và thuận tiện là nhu cầu chính đáng của người dân. Thế nhưng, với những nguy cơ tiềm ẩn và hiện hữu trên cầu đường sắt Trà Vườn như nêu trên thì rõ ràng, người dân đang liều lĩnh đánh đổi cái tiện, cái gần đó bằng sự an toàn, thậm chí cả tính mạng của chính mình. Thiết nghĩ, để hạn chế, khắc phục được điều này, bên cạnh sự tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp thì mấu chốt vẫn là ý thức, nhận thức của người dân về mối nguy hiểm này. Đừng nên vì ham gần, tiện, tiếc vài đồng tiền mà “đánh đu với tính mạng”.